Vấn đề bia rượu và tương lai nòi giống Việt

GN - Trao đổi với báo Giác Ngộ về vấn đề cấm sử dụng rượu bia, GS.TS Triết học Thái Kim Lantừ Muenchen, Đức, với cái nhìn của người trí thức Phật tử, đã bày tỏ:

- Trong năm giới quy y theo đạo Phật, giới thứ năm là giới cấm uống rượu và dùng các chất gây mê, gây nghiện, Phật tử ý thức rõ điều này khi tự nguyện làm lễ quy y theo Phật và nguyện giữ giới hạnh để tu tập bản thân.

Năm giới trong đạo Phật (cấm sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, cấm uống rượu) thật ra cũng là những nguyên tắc đạo đức thường ngày mà một người con trong gia đình và một công dân trong xã hội cần giữ gìn để trở thành một người xứng đáng, sống một cuộc sống nhân quần có ý nghĩa.

TS.TKL (2).jpg

GS.TS Triết học Thái Kim Lan

Trong năm giới này, giới thứ năm tưởng chỉ là nguyên nhân bên ngoài lại làm nên điều kiện ảnh hưởng đến tính hạnh của một người của bốn giới đi trước là sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, bởi vì tác hại của rượu có thể làm cho trí tuệ mê mờ, thể xác dễ bệnh tật, thân tâm đều bị tổn hại, bản thân không tự kiểm soát, đưa đến việc phạm những giới đi trước.

Kinh Phật cũng nêu rõ các tai hại của rượu 1. Say rượu làm mất kiểm soát, đánh rơi của cải; 2. Tăng trưởng lòng giết hại; 3. Trí tuệ kém dần; 4. Sự nghiệp chẳng thành; 5. Thân tâm nhiều khổ; 6. Thân hay tật bệnh; 7. Tâm sân hận bồng bột, ưa cãi lẫy; 8. Phước đức tiêu mòn; 9. Tuổi thọ giảm bớt; 10. Mạng chung đọa vào địa ngục.

Không những trong kinh và trong năm giới, mà nhân gian từ xưa đến nay, trên quốc tế, từ nhà cho đến trường, ở ngoài xã hội đều có những lời răn, những luật lệ giới hạn việc uống rượu, phòng chống tác hại của rượu gây nên, nói tóm, từ thời dựng nước. Ngay cả ông Trần Tú Xương, một nhà thơ thích hành lạc cũng đã nói rượu là thứ lăng nhăng cần phải bỏ.

Tôi còn nhớ thập niên 50, 60, 70 (thế kỷ XX) ở miền Nam có những phong trào bài trừ rượu và ma tuý rất phổ biến. Tác hại của rượu đã được chứng minh không những qua kinh nghiệm hàng ngày mà còn qua y học, khoa học. Sự cấm uống rượu đem đến những lợi lạc cho cá nhân tránh những điều tai hại nói trên, trên phương diện đoàn thể, gia đình được an vui, con cái không mang bệnh tật, xã hội hòa ái, nòi giống hùng cường.

Tôi đã tưởng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là điều mà một Quốc hội nào trên thế giới cũng có thể thông qua một cách dễ dàng, thế mà không ngờ số đại biểu tán thành tại phiên họp Quốc hội Việt Nam kỳ này lại không quá bán! Như một cú sốc cho người dân bình thường như tôi! (Chia sẻ này của TS Lan trước khi dự luật thông qua - GNO).

Nếu tôi (với tư cách của một người ngoại đạo) nhớ không lầm thì trong các phong trào khởi xướng cách tân, cách mạng thập niên 30, 40, 50 thì việc hô hào công dân sống lành mạnh, không rượu chè nghiện ngập, để phục vụ đất nước chống ngoại xâm là một trong những điểm xây dựng xã hội cách mạng có tính thuyết phục, vậy những đại biểu hậu duệ ngày nay bỗng ngập ngừng, không quyết được luật bảo vệ sự lành mạnh sức khỏe của mọi người trong xã hội đương thời, có đi ngược lại lý tưởng đã đặt ra chăng?

TKL.3.jpg

Cố HT.Thích Thiện Châu Bikkhu Pasadika, một bậc thầy lỗi lạc ở Đức,
hướng dẫn thiền cho sinh viên do TS.Thái Kim Lan tổ chức

Là người học tập, sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, cụ thể là nước Đức, chị có thể chia sẻ vấn đề này, trong trải nghiệm văn hóa của chính mình?

- Nước Đức là một trong những nước sản xuất bia nhiều nhất thế giới, lại có hội bia lớn nhất thế giới, nhưng cũng là nước có Luật Phòng chống bia, rượu trong chính Bộ Luật hình sự quốc gia nghiêm khắc và minh bạch.

Kinh nghiệm trong gia đình tôi sống tại Đức gần nhất là việc lái xe và uống rượu, lệnh phạt nghiêm và người Đức tuân thủ một cách kỷ luật.

Ví dụ trong một buổi tiệc bạn bè gặp nhau, nếu những phu quân lái xe thì họ sẽ uống rất ít, hoặc không uống, nếu họ uống thì phu nhân sẽ là người giữ chìa khóa và sẽ lái xe về nhà sau buổi tiệc, hoặc họ để lại xe và kêu taxi, hoặc đi cùng về với người không uống rượu. Bởi vì thứ nhất, họ có tinh thần trách nhiệm, sợ gây tai nạn, nguy hiểm cho mình và cho người khác; thứ hai, nếu lái xe trong lúc say rượu không kiểm soát nổi tay lái, họ sẽ bị cảnh sát giao thông chặn ngay, và tùy theo nồng độ rượu trong máu, họ sẽ bị trừng phạt theo những điều về phạm tội uống rượu mà lái xe nằm trong các khoản của Bộ Luật hình sự quốc gia.

Và phạt là phạt chứ không có tình trạng đút lót cảnh sát để lái xe đi tiếp! Tuy là một nước có nhiều rượu và bia, nhưng trên đường phố không có tình trạng thanh niên ngồi la liệt trong các quán nhậu như ở nước mình. Người Đức rất kỷ luật, trong khi làm việc họ tuyệt đối không uống rượu, không những nhân viên mà cả lãnh đạo.

Nhiều người nhận xét rằng ở Việt Nam mình hiện có quá nhiều quán xá, trong đó các quán nhậu, bán bia rượu tràn lan, không giới hạn giờ hoạt động, và ở đó có nhiều người trẻ. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thức uống có cồn thuộc hạng cao so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Việc sử dụng, lạm dụng bia rượu, cùng các thức uống có cồn khác là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tình trạng bạo lực trong xã hội, tai nạn giao thông, để lại hậu quả nặng nề. Tiến sĩ nhận định gì thêm về tình trạng này?

- Đã có nhiều lần tôi đưa nhận xét về tình trạng này trong các bài báo có liên quan đến vấn đề xã hội. Không có nơi đâu như ở Việt Nam có nhiều quán nhậu và đám đông thanh niên nhiều như thế, mỗi lần mục kích và nghe những người trẻ vừa uống bia vừa chửi thề, tôi rất tiếc cho tuổi thanh xuân của họ, tệ nhất là các hàng quán bán bia hầu như còn xúi giục để họ uống thật nhiều, tiêu thụ thật nhiều, kẻ tung bia người nhậu bia hầu như bất tận, sau đó phóng uế và nói tục, nhiều khi đánh nhau, hay lái xe bạt mạng, đâm chết người khác và tự tử vong. Đó là một tình trạng khẩn thiết cần có biện pháp kiềm chế.

Hiện nay có phong trào làm sạch môi trường, không chỉ là rác, mà nhất là chính hạnh kiểm của con người rất cần tu chỉnh, chỉnh đốn thái độ, hành vi con người đang bị những tác hại của rượu chè làm mất thể cách đạo đức, ảnh hưởng đến môi trường sống chung và cho chính cá nhân. Chúng tôi đã có những người quen là nạn nhân của các cuộc đụng xe vì người say rượu, tử vong và bị thương nặng, đau đớn và khủng hoảng.

Nếu trân trọng sự sống của mọi người chung quanh thì mỗi biện pháp ngăn ngừa phòng chống đều phải gấp rút thực hiện. Biện pháp có hai hướng: từ nhà nước (xã hội) và từ cá nhân.

Từ nhà nước, cần có luật của quốc gia, chứ không phải của riêng từng bộ. Từ cá nhân cần có sự giáo dục từ nhà đến trường, từ trường ra xã hội. Cả hai đều cần thiết một lúc, bởi vì nếu không ngăn ngừa, phòng chống thì con người chưa kịp được giáo dục đã tử vong, như tình hình hiện nay, còn đâu mà bàn chuyện giáo dục. Về vấn đề giáo dục thì như trên đã đưa ra một mô hình tu học đạo đức theo đạo Phật có lẽ gần gũi nhất, vì ngay chính trong gia đình có sự chia sẻ các lời Phật dạy. Tương lai giới trẻ không không được chuẩn bị trên nền tảng đạo đức lành mạnh, trong sáng, sao ta có thể bàn về phát triển bền vững cho thế hệ tiếp nối được?

TKL.4.jpg

TS.Thái Kim Lan và sinh viên Đức

Chị có thể chia sẻ thêm, với vai trò là trí thức Phật tử quan tâm sâu sắc về vấn đề văn hóa, lối sống của người Việt, đặc biệt là người trẻ hiện nay?

- Nói đến tệ trạng rượu bia trong tình trạng xã hội hiện nay, mà nhiều người công nhận là đang xuống dốc về đạo đức đến vô cảm, thì không thể nói riêng về những chủ thể uống, nhậu - cả nhiều thế hệ đồng thời coi uống rượu như là chuyện tiêu sầu, quên sầu - mà cần nhìn vấn đề trong những liên hệ tương quan nhân quả và đồng thời. Đồng thời trong nghĩa, thế hệ uống rượu trẻ lấy gương từ những thế hệ lớn hơn đang cùng uống, và noi gương theo cả những người mà họ xem là đại biểu dẫn dắt họ, nếu nhà nước không quyết, làm sao thế hệ trẻ tự quyết trong tình trạng bia rượu chung quanh, quảng cáo tràn ngập? Một vài người trẻ đã than phiền là họ muốn không uống cũng không được vì khi gặp đối tác họ buộc phải uống theo, cho đến khi chính họ cũng bị cuốn vào mê trận say càn khôn. Ảnh hưởng hỗ tương có tính nhân quả trong nghĩa, chuỗi tương quan giữa nhà sản xuất, kinh doanh bia rượu cung cấp cho người uống rượu. Chính những người này cũng cần được nhắc nhở về giới luật, không những về năm giới nói trên, mà còn phải xét đến giới tham ái.

Trong một bài viết về kinh tế Phật giáo, tôi đã phân tích tương quan giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong bối cảnh đạo Phật không từ chối việc giao thương, kinh doanh, nhưng kêu gọi cả hai, kinh doanh và người tiêu dùng - trong trường hợp này giữa nhà sản xuất rượu, người bán rượu và người uống rượu - làm thế nào để kiểm soát được nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu thụ giữ được sự lành mạnh trong cân bằng, nếu người bán biết được sự độc hại do sản phẩm mình gây ra và kiềm chế đúng mức thì doanh thu sẽ đem đến hạnh phúc - và nếu người tiêu dùng biết hưởng thụ chừng mực - thì chính đó là hạnh phúc. Nếu nhà nước tạo được hạnh phúc cho cả hai bằng một sự kiểm soát hiệu quả, đầy tính nhân văn và bao dung, chăm lo cho dân như con mà vua Trần Thánh Tông có lần phát biểu, và thi hành chính sách, như nước Bhutan trong hiện tại, thì tương lai nòi giống Việt sẽ được bảo đảm với năng lực, sức khỏe lành mạnh, hạnh phúc đầy hứa hẹn. 

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ này.

Hạnh Ý thực hiện

.................

* Bài viết này đăng trên Giác Ngộ số 1003, với tựa "Vấn đề cấm rượu bia khi tham gia giao thông: Chuyện tưởng như dễ dàng!"; sau đó, sáng 14-6, dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu, bia. Mời bạn đọc xem thêm bài phỏng vấn Ni sư Tín Liên: Phật giáo ủng hộ những vấn đề lợi lạc cho số đông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.