Chiều 5-8, đại diện Công an Hà Nội đã thông báo một số nội dung
liên quan đến các vụ án nóng - trong đó có vụ chùa Bồ Đề - Ảnh: Việt Dũng
Trong xã hội ngày nay, bất cứ hoạt động nào liên quan đến con người, dù đó là người nghèo khổ, trẻ mồ côi... đều phải có tư cách pháp nhân và vị trí pháp lý của nó. Điều đó có nghĩa là phải được sự đồng thuận và cho phép từ các ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương. Nói đến điều này, chúng ta thấy rõ hơn vụ việc chùa Bồ Đề (Hà Nội), đó là không loại trừ liên đới trách nhiệm của chính quyền địa phương khi một nhà nuôi trẻ mẫu giáo tại một ngôi chùa hoàn toàn không có một tờ giấy cho phép hoạt động của cấp có thẩm quyền, mà tồn tại từ năm này qua năm khác, để rồi xảy ra sự việc đáng tiếc như báo chí đã nêu trong thời gian qua. Đây là bài học kinh nghiệm xương máu không chỉ riêng vị trụ trì chùa Bồ Đề, mà còn của Giáo hội, các ngành quản lý cũng như chính quyền sở tại.
Giới Phật giáo chúng ta còn thể hiện hạnh từ bi ở những lĩnh vực khác như: Phòng phát thuốc từ thiện, Tuệ Tĩnh đường. Trong lĩnh vực này như Tuệ Tĩnh đường, cũng cần được cấp phép hoạt động vì liên quan đến việc điều trị bệnh cho những người nghèo. Ngoại trừ chương trình đem lại ánh sáng cho bệnh nhân đục thủy tinh thể, còn lại các hình thức tổ chức giáo dục như trường dân lập, trung tâm dạy nghề... cũng nên phối hợp với ngành chức năng để xem xét về nhân sự, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất và tay nghề để làm các bước thủ tục hành chánh cấp phép thì mới hoạt động hợp pháp, mang lại sự tin cậy cho bệnh nhân.
Việc cấp phép hoạt động trong một số ngành, nghề của giới Phật giáo, đứng góc độ nào đó cho thấy hoàn toàn chấp nhận được. Là bởi vì hoạt động này của Phật giáo là một phần vận hành của xã hội đang phát triển. Khi cộng đồng người nghèo khổ cần có nơi nương tựa, người ta thực sự an tâm khi quay về nơi cơ sở xã hội chùa chiền và nhất là nơi đó có được sự bảo hộ của Nhà nước, đoàn thể.
Trần Đức