Về thành tựu, không ai phủ nhận được những thay da đổi thịt của cơ sở hạ tầng cũng như các mặt khác. Các tuyến giao thông nối liền các tỉnh thành được cải thiện rõ rệt, sự phát triển theo hướng khu đô thị hóa thay đổi theo từng ngày với tốc độ chóng mặt ở nhiều nơi, mức sống của người dân theo thống kê cũng được nâng lên…
Đồng thời với những thay đổi đó, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng lưu ý là khủng hoảng về đạo đức lối sống, sự chông chênh niềm tin trong một số bộ phận người dân.
Bạo lực từ gia đình, học đường và xã hội, hiện tượng trẻ hóa trong đối tượng phạm pháp có chiều hướng gia tăng, và điều đáng quan ngại là chưa tìm thấy hướng giải pháp đồng bộ hiệu quả. Đó là chưa kể đến những người bị lòng tham chi phối, quên mất cả lương tri, bất chấp thủ đoạn để thu lợi về cho mình; những người này cố kết tạo thành nhóm lợi ích gây nên những nguy hại cho sự ổn định và phát triển, quan trọng hơn cả là làm cho nhiều người ngộ nhận đồng hóa với vai trò xã hội mà họ đang có, từ đó mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp thực sự - yếu tố ổn định lòng người trong mọi hoàn cảnh.
Chính những hiện tượng đó làm mất cân bằng, ảnh hưởng đến chất lượng sống, là mối nguy cơ và thách thức cho sự ổn định và phát triển bền lâu của xứ sở.
Với Phật giáo, tôn giáo có lịch sử lâu đời gắn bó với lịch sử dân tộc qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sau ngày hòa bình thống nhất đã đồng hành cùng đất nước qua việc thành lập các tổ chức, điển hình như Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM - vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia công cuộc xây dựng quê hương vượt qua giai đoạn khó khăn về mọi mặt. Trong bối cảnh đó, Báo Giác Ngộ - tiếng nói của Phật giáo yêu nước cũng đã được thành lập làm vai trò truyền thông giữa các chính sách mới của chính quyền và đồng bào có tín ngưỡng đạo Phật, cùng với Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam kết nối tâm nguyện đi đến thành lập GHPGVN (1981) - ngôi nhà chung của 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Là một tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử, cho số đông có tín ngưỡng đạo Phật, GHPGVN chắc chắn phải có trách nhiệm trước những yêu cầu mới của dân tộc.
Nói như cố Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) thì: “Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta”. Với truyền thống đó, Phật giáo đã trở thành một phần văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo đã là văn hóa dân tộc. Lịch sử vận động của Phật giáo cũng cho thấy luôn có sự đổi mới, uyển chuyển để phù hợp với các hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Uyển chuyển nhưng không đánh mất cốt cách, trở nên già nua, nặng hình thức lễ nghi mà tự đánh mất nhựa sống, bảo thủ, lão hóa, lạm dụng giáo lý phương tiện và tinh thần tùy duyên của đạo Phật.
Kỷ niệm 42 năm ngày thống nhất đất nước trùng với thời gian đầu của mùa Phật đản PL.2561, đó cũng là cơ hội để chúng ta, những người Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ngẫm lại các giá trị lịch sử, lý tưởng của mình, để cùng chung tay, tỉnh thức trước những cám dỗ hưởng thụ thường tình, chung sức xây dựng quê hương đất nước theo hướng hiền thiện hơn, xứng với truyền thống và những giá trị cao đẹp của đạo Phật mà mỗi chúng ta thường tự hào đã kế thừa.