Các trường đại học Pháp có thể chia làm ba loại:
* Trường đại học mở (Open University):
- Không tổ chức tuyển sinh, cũng không xét tuyển, học viên vào nghe tự do.
- Không tổ chức thi sát hạch, trong học trình, học kỳ.
- Không cấp phát văn bằng tốt nghiệp.
- Học viên thôi học lúc nào cũng được.
Nhưng các giảng viên, các báo cáo viên là những nhà bác học danh tiếng, các giáo sư có người đã đoạt giải Fields về Toán, hay các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Y sinh học, Văn chương, Hòa bình, Kinh tế; trường đại học mở có những phòng nghiên cứu được trang bị các thiết bị hiện đại nhất.
Các học viên là những người không cần học vị, chỉ muốn mở rộng thêm kiến thức.
Điển hình là Trường Đại học mở Collège de France ở số nhà 11, đường Marcellin Berthelot, khu phố Hatinh, quận V, Paris. Trường được vua Franscois Đệ nhất sáng lập trong thập niên 1520-1530, là nơi truyền bá kiến thức và nghiên cứu cao nhất của Pháp.
Trong hàng ngũ giảng viên, báo cáo viên, có:
Những nhà Toán học đã lãnh giải Fields như: Alain Connes, Jean - Christophe Yoccoz, Pierre-Louis Lions;
Những nhà Vật lý đã lãnh giải Nobel như: Pierre-Gilles de Gennes, Claude Cohen - Tannoudji;
Những nhà Hóa học đã lãnh giải Nobel như: Frédéric Joliot, Jean-Marie Lehn;
Những nhà bác học đã lãnh giải Nobel Sinh y khoa như: Franscois Jacob, Jacques Monod cùng năm 1965, Jean Dausset, năm 1980;
Nhà Triết học Henri Bergson đã lãnh giải Nobel Văn chương, năm 1927.
Ngoài ra, còn nhiều báo cáo viên nổi tiếng qua mấy thế kỷ như: Léon Foucault (Vật lý), Marcellin Berthelot (Hóa học), Claude Bernard (Y khoa), Ernert Renan (Sử học), Jules Michelet (Sử học), Georges Cuvier (Khảo cổ học), Champollion (Khảo cổ học), Paul Valéry (Thi sĩ), Claude Lévi-Strauss (Khảo cổ học).
Hai điểm quan trọng ta có thể rút ra từ việc khảo sát đại học mở là:
Việc mời giảng viên, báo cáo viên rất thận trọng, toàn là những nhà bác học danh tiếng;
Những người này không muốn rời bỏ phòng nghiên cứu của họ nên đại học mở đồng thời phải đi kèm với các phòng nghiên cứu trang bị hiện đại để họ vẫn có thể tiếp tục nghiên cứu hay hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ.
* Loại thứ hai là các trường đại học tổng hợp (Université d’enseignement et de recherche fondamental) giảng dạy và nghiên cứu cơ bản về Khoa học tự nhiên hay Khoa học Nhân văn, xã hội.
Không thi tuyển sinh, chỉ cần có bằng tú tài (Trung học Phổ thông); ai có bằng tú tài ban Toán có thể ghi danh theo học tất cả các khoa; ai có tú tài Triết (THPT Văn chương) không được ghi danh khoa Toán, hay khoa Lý, hay khoa Hóa;
Học trình gồm ba giai đoạn (3 cấp): Giai đoạn đầu là giai đoạn dự bị (2 năm); Giai đoạn 2 (sau một niên học nếu tốt nghiệp, được cấp phát văn bằng Cử nhân; sau hai niên học, nếu tốt nghiệp, được cấp phát văn bằng Cao học); Giai đoạn 3 (sửa soạn luận án Tiến sĩ khoa học, thường thường lâu 4 năm).
Sinh viên tốt nghiệp được học vị Tiến sĩ khoa học, mới đầu có thể được tuyển làm giảng sư (tức là giáo sư tập sự), sau khoảng 2 năm có thể được phong giáo sư diễn giảng, sau khoảng 3 năm có thể được phong giáo sư thực thụ: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thủ tướng, Tổng thống theo thứ tự quyết định 3 giai đoạn này.
* Loại thứ ba là các trường Đại học chuyên ngành, đào tạo các kỹ sư hay các cán bộ chuyên môn.
Có thi tuyển sinh, chỉ tiêu giới hạn.
Điển hình là hai trường đại học chuyên ngành lớn nhất ở Pháp: Trường Đại học Sư phạm Paris và Trường Đại học Bách khoa Paris.
Đại học Sư phạm Paris, số nhà 45, đường Ulm, quận V, Paris. Học trình: 4 năm. Có tú tài rồi, phải học hai năm dự bị ở một trường lycée rồi mới thi tuyển.
Trường có 11 khoa: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Vật lý, Địa cầu, Triết, Văn chương, Xã hội học, Sử, Địa lý. Một vài cựu sinh viên được giải Nobel: Romain Rolland, Henri Bergson, Jean-Paul Sartre, Jean Perrin, Alfred Kastler, Louis Néel, Pierre-Gilles de Gennes, Claude Cohen-Tannoudji. Hầu hết những nhà toán học Pháp lãnh giải Fields là cựu sinh viên Đại học Sư phạm Paris. Nổi tiếng nhất là Louis Pasteur. Còn phải kể Tổng thống Georges Pompidou, Thủ khoa Đại học Sư phạm Paris (1935).
Đại học Bách khoa Paris: Từ 1794 cho tới năm 1976, ở đường Montagne Sainte Geneviève, quận V, Paris; sau năm 1976, dời về Palaiseau thuộc Bộ Quốc phòng.
Chương trình học rất nhiều Toán và Lý để phụng sự Tổ quốc. Tốt nghiệp sau 4 năm, đóng Trung úy. Từ 1972, nữ sinh viên được chấp nhận.
Có nghiên cứu trong học trình, trường có phòng thí nghiệm vật lý, hóa, sinh; có nghiên cứu về Nhân văn, Xã hội.
Sau tốt nghiệp, làm việc tại các mỏ, viễn thông, cầu đường, sửa soạn luận án Tiến sĩ kỹ sư.
Cựu sinh viên nổi tiếng: Tổng thống (Sadi Carnot, Albert Lebrum, Valéry Giscard d’Estaing), Tướng lãnh (Joffre, Foch), Bác học (Gay-Lussac, Augustin Fresnel, Augustin Cauchy, Auguste Comte, Hermite, Henri Poincaré, Henri Becquerel, Louis Leprince-Ringuet).
Hệ đại học tổng hợp ở đầu vào không có thi tuyển mà chỉ cần ghi danh, nên sức học của các sinh viên ở đầu năm thứ nhất không đồng đều. Một kỳ thi sát hạch chỉ gồm một bài hỏi về chương trình lớp 12 có thể giúp phân hạng các tân sinh viên, những sinh viên sức học sàn sàn nhau xếp vào một lớp thì công việc giảng dạy sẽ dễ dàng hơn và có hiệu quả hơn.
Trái lại, hệ Đại học chuyên ngành có thi tuyển ở đầu vào, học trình theo hệ biên chế, chương trình mỗi năm học gồm một số học phần nhất định nên sự học giảm hứng thú, để giải quyết vấn đề đó thường thường các bài giảng kèm theo nhiều thí nghiệm cụ thể và đặc sắc. Ngoài ra, còn có các buổi họp nhóm do các trợ giảng trẻ chủ trì, sinh viên cảm thấy gần thầy hơn và hứng thú hơn trong việc học tập.