GN - Mô hình đầu tiên tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam
Sau khi đất nước thống nhất (1975), trong bối cảnh xã hội mới, để duy trì hoạt động tu học của Phật tử, đặc biệt là Phật tử trẻ, với vai trò là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên GHPGVNTN, HT.Thích Trí Quảng đã chủ trương tập hợp các em thanh thiếu nhi đến chùa Ấn Quang sinh hoạt trong tinh thần đạo Phật phù hợp với tuổi trẻ.
Hình ảnh các thành viên chúng Ngọc Nữ và La Hầu La đạo tràng Pháp Hoa đảm trách dâng hoa cúng dường trong dịp Đại lễ Phật đản tại TP.HCM đã trở nên quen thuộc hàng chục năm qua - Ảnh: Bảo Toàn
Công việc ban đầu của các em là đảm trách việc dâng hoa cúng dường nhân dịp Đại lễ Phật đản. Về sau, các em được học giáo lý và thực hiện thời khóa tụng kinh tại tổ đình Ấn Quang, gắn kết cùng nhau hình thành nên chúng Ngọc Nữ - chúng đầu tiên của Đạo tràng Pháp Hoa, gồm các em lứa tuổi từ mẫu giáo cho đến lớp một. Không lâu sau đó, chúng thứ hai ra đời mang tên La Hầu La gồm các em có độ tuổi lớn hơn.
Với số lượng khiêm tốn ban đầu khoảng trên dưới 40 em từ đồng ấu đến thiếu niên dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng, các em ngày một thích thú thực hiện thời khóa tụng kinh Pháp hoa 7 quyển một cách trang nghiêm; có em thuộc lòng một quyển, ba quyển cho đến cả bộ. Điều đặc biệt là học lực của các em có tiến bộ rõ nét, tạo thiện cảm với những người xung quanh và cảm hóa được bố mẹ cùng tham gia sinh hoạt với đạo tràng.
Đạo tràng Pháp Hoa dần dần hình thành với mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội, mỗi người đến với Đạo tràng theo một duyên khác nhau, đó chính là nguyên nhân để các chúng lần lượt ra đời như: chúng A Nan, chúng Xá Lợi Phất, chúng Mục Kiền Liên, chúng Kiều Trần Như, chúng Phú Lâu Na, chúng Kiều Đàm Di, chúng Quảng Đức, chúng Ca Chiên Diên, chúng Kiều Thy Ca. Ngoài ra, còn có những chúng mang tên chư vị Bồ-tát như chúng Quan Âm, chúng Phổ Hiền, chúng Nguyệt Quang, chúng Đại Thế Chí, chúng Dược Vương, chúng Dược Thượng, chúng Di Lặc, chúng Thường Tinh Tấn, chúng Diệu Quang, chúng Diệu Âm, chúng Diệu Trang Nghiêm.
Theo bước chân hoằng hóa của Hòa thượng sáng lập, với nhân duyên Hòa thượng làm viện chủ chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), tại đây, một Đạo tràng Pháp Hoa nữa được thành lập. Về sau, thêm một Đạo tràng Pháp Hoa mới ra đời. Huê Nghiêm (quận 2) trở thành nơi sinh hoạt cho pháp hội lớn tập hợp tất cả những hành giả Pháp Hoa tại TP.HCM mỗi tuần và cũng là Bổn bộ quy tụ tất cả hành giả Pháp Hoa từ Bắc chí Nam. Ngoài ra, còn có một số đạo tràng Pháp Hoa được Hòa thượng thành lập và sinh hoạt ở một số tự viện thuộc các quận huyện trên địa bàn thành phố.
Có thể nói, Đạo tràng Pháp Hoa tại TP.HCM có tổ chức quy mô về số lượng lẫn chất lượng và đến nay đã phát triển với khoảng hàng trăm ngàn thành viên cùng nhau gắn kết tu học như những giống cây lớn nhỏ đều hưởng được pháp vũ vi diệu, thấm nhuần lợi lạc trong cõi đời ngũ trược này.
Năm 1981, tại Đại hội thành lập GHPGVN, Hòa thượng được GHPGVN suy cử đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương. Nhân dịp Hội thi diễn giảng Phật pháp tại Cần Thơ năm 1982, với lòng khát ngưỡng giáo pháp, một số Phật tử xin quy y, thọ pháp, phát tâm trì tụng kinh Pháp hoa Bổn môn. Từ đây, mô hình Đạo tràng Pháp Hoa đầu tiên ở các tỉnh miền Nam được thành lập tại chùa Khánh Quang, tỉnh Cần Thơ.
Mô hình Đạo tràng Pháp Hoa kế tiếp được thành lập tại tổ đình Quan Âm, tỉnh Cà Mau; Đạo tràng Pháp Hoa tại chùa Bửu Thọ, tỉnh Kiên Giang.
Theo hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh của Hòa thượng, lần lượt các đạo tràng Pháp Hoa ở các tỉnh phía Nam được hình thành và phát triển lớn mạnh như tỉnh Bình Dương có các Đạo tràng Pháp Hoa chùa Tây Thiên, chùa Bửu Minh, chùa Thiên Đức, chùa Thiên Ngọc, chùa Thiên Hòa, chùa Vạn Phước, chùa Thuận Thiên, chùa Ngọc Thành...; tỉnh Đồng Nai có các Đạo tràng Pháp Hoa sinh hoạt tại các chùa Linh Quang, chùa Gia Canh, chùa Đại Phước, chùa Kiên Sơn...; tỉnh Long An có Đạo tràng Pháp Hoa tịnh xá Ngọc Viên, tỉnh Lâm Đồng có Đạo tràng Pháp Hoa tại tịnh thất Bửu Hoa Sơn, chùa Bửu Hương, chùa Khánh Vân...; tỉnh Bến Tre có Đạo tràng Pháp Hoa chùa Tân Vạn Phước, chùa Linh Sơn v.v... Có thể nói, đạo tràng Pháp Hoa không ngừng phát triển mạnh khắp các tỉnh miền Nam.
Các đạo tràng Pháp Hoa ở miền Bắc
Trong dịp tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV của GHPGVN vào năm 1997, nhân duyên hội đủ, Hòa thượng đã phương tiện làm lễ quy y, truyền trao giới pháp và thành lập đạo tràng Pháp Hoa đầu tiên ở miền Bắc. Buổi lễ diễn ra hết sức trang nghiêm và xúc động của gần 100 chúng hội trong khung cảnh hết sức đặc biệt trong một không gian tại Khách sạn Kim Liên - nơi lưu trú của chư tôn giáo phẩm dự đại hội.
Hiện nay, đạo tràng này phát triển mạnh mẽ gồm 22 chúng và 4 ban sinh hoạt tại chùa Lý Triều Quốc Sư dưới sự hướng dẫn trực tiếp của HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội. Ngoài ra, tại Hà Nội còn có các Đạo tràng Pháp Hoa chùa Phụng Thánh, chùa Bát Mẫu, chùa Duệ Tú, chùa Lâm Tiên, chùa Bằng, chùa Mộc Quan Nhân, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá…
Đạo tràng Pháp Hoa tại Hà Nội nghe pháp tại chùa Bằng - Ảnh: chuabang.com
Các tỉnh thành ở miền Bắc cũng lần lượt thành lập các đạo tràng Pháp Hoa như tỉnh Nam Hà có Đạo tràng Pháp Hoa chùa Thịnh Đại, chùa Bảo Khánh; tỉnh Nam Định có chùa Linh Ứng, chùa Ỏn, chùa Kim; tỉnh Bắc Ninh có Đạo tràng Pháp Hoa chùa Đại Bi; tỉnh Hưng Yên có Đạo tràng Pháp Hoa sinh hoạt tại chùa Long Đằng; tỉnh Ninh Bình có Đạo tràng Pháp Hoa tổ đình Kim Liên, Đạo tràng Pháp Hoa chùa Phương Đình; tỉnh Hải Dương có Đạo tràng Pháp Hoa chùa Linh Sơn Vạn Phúc, chùa Phong Hanh; thành phố Hải Phòng có Đạo tràng Pháp Hoa chùa Hào Quang, chùa Viên Quang; tỉnh Quảng Ninh có Đạo tràng Pháp Hoa chùa Xuân Lan, v.v… Trong vòng 15 năm kể từ khi thành lập, đến nay đã có 48 đạo tràng Pháp Hoa ở miền Bắc.
Không chỉ phát triển ở trong nước, đạo tràng Pháp Hoa còn được truyền bá ra hải ngoại, qua những đệ tử của Hòa thượng sáng lập, sống và làm việc tại một số quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Úc, v.v…
Có thể nói, Đạo tràng Pháp Hoa do HT.Thích Trí Quảng thành lập đã tập trung được số lượng Phật tử đông đảo nhất so với các đạo tràng Pháp Hoa do chư vị giáo phẩm khác thành lập tại TP.HCM, Thừa Thiên Huế… Đó là sự tiếp nối của lịch sử truyền thừa kinh Pháp hoa, tín ngưỡng và pháp hành theo bộ kinh Đại thừa quan trọng này có từ rất sớm và được tiếp nối liên tục qua các thời đại.
Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược được phác thảo từ tìm hiểu của người viết về tín ngưỡng Pháp hoa tại nước ta, phục vụ cho luận văn cao học Phật học theo chương trình của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.