“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô.
Não người thay bấy chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc,
lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều
man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là
cõi âm…”
- Có những cái chết “nhẹ như lông hồng”. Chính trường hợp Nguyễn Du là một điển hình cụ thể. Sách Chính biên liệt truyện chép: “Nguyễn Du bệnh nặng, không chịu uống thuốc. Lúc gần mất, sai người nhà sờ tay chân xem còn nóng hay đã lạnh. Người nhà nói: ‘Đã lạnh cả rồi’. Nguyễn Du trả lời: ‘Được!’. Nói xong thì mất như đi ngủ. (Ngày 10 tháng Tám năm Canh Thìn (1820), hưởng thọ 56 tuổi). Hồi đó, 40 tuổi đã là già. Chính trong Truyện Kiều có câu:
“Quá niên, trạc ngoại tứ tuần…”.)
Di chúc của Nguyễn Du gồm hai câu thơ nổi tiếng:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Không biết sau ba trăm năm,
Có còn ai khóc Tố Như).
đã được sáng tác từ trước. Mới có 200 năm sau năm sinh (1765) mà thi sĩ Tố Hữu đã viết năm 1965:
“Tiếng thơ ai động Đất Trời,
Nghe như Non Nước vọng lời
ngàn thu.
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru
những ngày…”.
- Trường hợp thi sĩ dân gian Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) ly kỳ hơn một chút: Năm 1933, “An Nam tạp chí” của ông, sau bảy năm hoạt động, phải đình bản vì lý do tài chính. Trong số cuối cùng, ông có đăng hai câu thơ thay cho lời tạm biệt:
“Đỉnh non Tản mây đen mù mịt,
Quấn băng tang lặng lẽ âu sầu”.
(Tản Đà quê ở Sơn Tây, nay thuộc Hà Tây, có núi Tản Viên và sông Đà). Nhà báo Mai Lâm ở Sài Gòn tưởng lầm là chính Tản Đà đã chết và làm một bài thơ điếu tang ca tụng tài năng và tính can đảm tài chính (báo sống chật vật) của ông. Tản Đà ở Hà Nội, cải chính bằng cách họa lại bài thơ của Mai Lâm. Dưới đây chỉ xin trích bốn câu mở đầu:
“Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi sớm mà
lầm khóc nhau.
Sự đời đã hết cho đâu,
Để cho ai khóc, ai sầu vì ai…
...”
Còn đây là cái chết thật (1939) của Tản Đà: Tết năm Mão (1939), trả lời phỏng vấn của một nhà báo, Tản Đà ứng khẩu mấy câu thơ:
“Ngày xanh ai dễ xanh rồi lại xanh!
Mặc Trời cho, ta chẳng hỏi làm chi,
Sẵn rượu đào, Xuân uống với
ta đi!”.
Tản Đà qua đời vào khoảng giữa năm đó sau một bệnh cảm cúm, hưởng thọ 50 tuổi.
- Cái chết dữ dội của thầy Dương Quảng Hàm (1898-1946) (học trò của thân phụ tôi ở Trường Bưởi, rồi tôi lại là học trò của thầy Hàm ở Trường Trung học chuyên khoa Bưởi) là cái chết của một liệt sĩ. Đêm Toàn quốc kháng chiến 19 tháng Chạp 1946, thầy Hàm, lúc bấy giờ làm Giám đốc Nha Học chính Bắc Bộ, cùng với hai người con, đi từ tư thất ở đường Hàng Bông về phía đình Hàng Bạc để chờ di tản ra hậu phương. Nhưng khi đi qua trụ sở của Nha Học chính, thầy vào trú qua đêm, sáng sớm hôm sau di tản ra hậu phương qua ngả đường phố Huế ở phía Nam Hà Nội cùng với hàng trăm đồng bào. Bất đồ thực dân Pháp dùng súng liên thanh bắn vào dân chúng và thầy Hàm hy sinh ở tuổi 48. Sau khi hòa bình trở lại (1975), thầy được Nhà nước ta truy phong “Anh hùng liệt sĩ”. Thầy Hàm không những là một nhà giáo của bao nhiêu thế hệ học sinh trong mấy chục năm trời ở Trường Bưởi, thầy còn là tác giả nhiều sách giáo khoa rất có giá trị:
+ Quốc văn trích diễm (1925).
+ Việt văn giáo khoa thư (1940).
+ Việt Nam văn học sử yếu (1943).
+ Việt Nam thi văn hợp tuyển (1943).
và rất nhiều bài báo từ 1920 tới 1945 (Nam Phong, Tri Tân, v.v…).
- Trong số các nhà văn thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1932-1942), Thạch Lam (1910-1942) trẻ nhất và có biệt tài về truyện ngắn, không thua kém Alphonse Daudet hay Guy de Maupassant của nền văn học Pháp. Nổi tiếng nhất là các đoản thiên “Cô hàng xén”, “Quyển sách bỏ quên”, “Người đầm”, “Dưới bóng hoàng lan”, “Gió lạnh đầu mùa”, v.v… Nhà văn Nhất Linh (1905-1963) là anh ruột, trong một lần giỗ Thạch Lam, đã làm bài thơ sau đây, cũng là để tưởng nhớ một người em nữa là Hoàng Đạo (1906-1948) cũng là một nhà văn nổi tiếng:
“Trông hoa lại nhớ đến người,
Hoa xưa, xuân cũ biết đời nào quên.
Cảnh tiên còn gặp người tiên,
Đôi lòng muôn thuở còn nguyên
vẹn lòng”.
Lời thơ thành thực làm người đọc cảm động.
Trong nền văn học của thời kỳ “Tiền kháng chiến (1930-1945)”, có một “bộ ba” thân thiết, ý hợp tâm đầu, gồm Thạch Lam, Thanh Tịnh (1911-1988) và Hồ Dzếnh. Thanh Tịnh vừa là một nhà văn, một nhà thơ, lại vừa là một chiến sĩ kháng chiến, rất nổi tiếng. Hồ Dzếnh là một thi sĩ mang hai dòng máu Hoa, Việt. Khi Thanh Tịnh qua đời, Hồ Dzếnh đã làm một bài thơ điếu tang vô cùng thắm thiết:
“Đời xếp Anh, tôi và Thạch Lam,
Ngồi chung một chiếu hội Văn đàn.
Chao ôi, chiếu đã hai lần lạnh,
Còn lại mình tôi với thế gian.
Dẫu biết đường đi chỉ có chừng,
Gió chiều sao vẫn lạnh trên lưng,
Trái tim bỗng dội niềm xao xuyến,
Tàu rẽ vào ga, chặng cuối cùng.
Thôi nhé, anh về vui bạn cũ,
Tôi chờ đến hẹn lại thăm anh.
Lòng ta như nước sông Hương ấy,
Vời vợi trời thu với núi xanh”.
- Sau cùng, xin nhắc lại một “nghi vấn lịch sử”: có một bài thơ không biết chính xác của ai. Đó là bài “Khóc Bằng phi”:
“Ới Thị Bằng ơi, đã mất rồi,
Ôi tình, ôi nghĩa, ới duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi”.
Có giả thuyết bảo tác giả là vua Tự Đức (1829-1883) là một vị vua có trình độ văn hóa, Thị Bằng là một cung phi không lẽ ở trong một ngôi nhà bình dân đến thế: hè, chái, ngõ, sân. Có giả thuyết bảo tác giả là Hầu tước Nguyễn Gia Thiều (1747-1798), một thi gia mà các bài thơ thường chải chuốt hơn nhiều khi tả chốn ở của một cung phi:
“Lầu đãi nguyệt đứng ngồi
dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ
thu phong,
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa,
dải đồng xé đôi”.
Trong 8 câu thơ, chỉ có 2 câu xứng đáng với đẳng cấp một vị vua hay hầu tước:
“Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi”
Hai câu đầu so sánh với hai câu trong bài “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ, rõ ràng là “thật thà” quá:
“Duyên trăm năm đứt đoạn,
Tình một thuở còn vương”
(Đoàn Phú Tứ)
Hai câu cuối so với hai câu ngụ ý tương tự của Nguyễn Du, rõ ràng thua một đẳng cấp:
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng” .
(Kiều)