Tuyên ngôn Phật đản sanh

GN - Từ những lời kinh…

Cách đây hơn 2.600 năm, vào ngày trăng tròn tháng Tư, tại vườn ngự uyển Lumbini, thành Kapilavastu, “một Chúng sanh duy nhất, một Con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, đã đem nhiều lợi ích cho người, an ổn chúng sanh, thương đời ngu tối, muốn khiến trời người có được phước hựu”(1).

Chúng sanh duy nhất đó, Con người phi thường đó chính là Thái tử Siddhārtha, con vua Śuddhodana và hoàng hậu Mahā-māyā, người sau này đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ vinh hoa phú quý để xuất gia và trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài là Phật, là Thế Tôn.

DSC_8044-1.jpg

Lịch sử ghi nhận rằng, khi vừa Đản sanh, Đức Phật ngoan đồng “đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa” (2).

Các nguồn sử liệu và kinh điển khác thì ghi nhận lời tuyên ngôn ấy là “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử”(3). Hay “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, ngô đương an chi”(4).

Lời tuyên bố ấy được gọi là chân chính rống tiếng rống như sư tử chúa. Vì sao như vậy?

Đức Phật là bậc tối thượng ở trên đời bởi vì khi Ngài xuất hiện thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt.

Muôn loài chúng sanh, những kẻ phàm ngu đang bị kiết sử trói buộc bởi vô minh nên không biết như thật về con đường sanh tử, luân hồi qua lại từ đời này qua đời sau, từ kiếp này qua kiếp nọ, không cởi trói được. Chúng sanh đang bị giam giữ trong ngục tù ba cõi! Nhưng “nếu lúc đó có Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện ở thế gian, thì vô minh tối tăm liền tự tiêu diệt”(5).

Kinh Trường A-hàm ghi rằng, khi Đức Phật từ cõi trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ thì ngay lúc ấy, “cõi đất rung chuyển, ánh sáng rực rỡ soi khắp thế gian; những chỗ mặt trời mặt trăng không soi tới cũng đều mong nhờ chiếu sáng. Chúng sanh chốn u minh nhờ đó được trông thấy lẫn nhau và tự biết mình hiện đang sanh ở chỗ nào. Ánh quang minh đó lại soi đến cung điện Ma vương, Phạm thiên, Đế thích, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sanh khác cũng đều được mong nhờ ánh sáng. Ánh sáng của chư thiên tự nhiên biến mất”(6).

Đọc những lời kinh trên đây trong bối cảnh hiện tại càng thấy ý nghĩa nhiệm mầu thâm sâu của nó. Thật vậy, nếu không có ánh sáng quang minh từ bi và trí tuệ của Đức Phật thì làm sao chúng sanh trên thế gian này được soi sáng để được trông thấy mặt nhau? Vua Ba-tư-nặc đã từng tâm sự: “Con người vì tham lam, vì lòng ích kỷ mà dẫn đến tình trạng cha tranh giành với con, anh em tranh chấp lẫn nhau, làng xóm láng giềng đấu tố kiện tụng nhau... gây nên bao cảnh chém giết, hận thù không dứt”(7). Bóng tối vô minh, hận thù, kỳ thị, phân biệt, vị ngã, dối trá... bao trùm lên đời sống nhân loại, thống trị trong tâm thức của mỗi con người thì làm sao chúng ta có thể trông thấy mặt nhau, làm sao nhìn nhau mà mỉm cười dù gần nhau trong gang tấc, đối diện nhau hàng ngày? Cho nên, chỗ tối tăm nhất của cuộc đời là lòng người chứa đầy tham giận, si mê, chứa đầy hận thù, ích kỷ... Ở đó ánh sáng mặt trời mặt trăng không thể nào soi rọi thấu được. Đó là chỗ chúng sanh không trông thấy lẫn nhau và chẳng tự biết hiện mình đang sống. Chư Phật ra đời là để phá tan màn vô minh đen tối đó bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ, để xoa dịu khổ đau, hóa giải hận thù, cắt đứt phiền não, quét sạch si mê vọng tưởng chấp trước, phân biệt… cho chúng sanh sự sống hạnh phúc vĩnh hằng.

Đức Phật là bậc tối tôn ở trên đời bởi vì khi Ngài xuất hiện thì “bấy giờ Trời Người liền được thấm nhuần ánh sáng, liền có tín tâm nơi giới, văn, thí, tuệ. Giống như ánh trăng tròn mùa thu vằng vặc chiếu khắp mọi nơi, thì ở đây cũng vậy, nếu Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác xuất hiện thế gian thì Trời Người liền được thấm nhuần ánh sáng, liền có lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ, như trăng tròn chiếu khắp tất cả”(8).

Nhờ có Đức Phật xuất hiện ở đời mà “chúng sanh ba đường ác liền tự giảm thiểu. Giống như đất nước lúc có Thánh vương cai trị giáo hóa thì nhân dân trong thành này đông mạnh, nước láng giềng sức yếu hơn, ở đây cũng vậy, nếu lúc Như Lai xuất hiện thế gian thì ba đường ác liền tự giảm thiểu”(9).

Ba đường ác liền tự giảm thiểu, mở ra con đường giác ngộ giải thoát, đi tới cõi lành, cõi Niết-bàn vô dư, bởi khi Đức Phật xuất hiện ở thế gian “liền có ba mươi bảy phẩm xuất hiện ở thế gian. Những gì là ba mươi bảy phẩm đạo? Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo liền xuất hiện ở thế gian”(10).

Bởi vậy, Đức Phật là bậc cao nhất ở trên đời! Khi Ngài “xuất hiện ở thế gian không có một ai bắt kịp, không thể bắt chước, đi một mình, không bạn lữ, không ai sánh ngang; chư thiên cùng loài người không ai có thể sánh kịp; nơi tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không ai sánh kịp”(11). Trên trời dưới trời, Phật là bậc tôn quý hơn cả!

đến thực tế xã hội…

Vả chăng, khi Đức Phật ra đời, xã hội Ấn Độ bấy giờ phân định thành bốn giai cấp: Bà-la-môn, Sát-lị, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Giai cấp dưới có bổn phận phục vụ giai cấp trên. Giai cấp Bà-la-môn còn chủ trương vật tư hữu của bốn giai cấp, mà theo đó, vật tư hữu của Bà-la-môn là sự khất thực, của Sát-lị là cung tên, của Phệ-xá là nông nghiệp, của Thủ-đà-la là lưỡi liềm và đòn gánh(12). Với sự phân định như vậy, quyền con người hoàn toàn bị tước đoạt, và giá trị con người không thể vượt qua giai cấp, dù cho họ có cố gắng đến đâu. Do đó, Đức Phật ra đời, sau khi trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu tập, Ngài đã chứng nghiệm rằng không hề có cái phân định giai cấp phi lý đó, bởi “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”(13). Rõ ràng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng đã tạo. Cho nên, không ai cho mình hạnh phúc, cũng chẳng ai bắt mình khổ đau; hay nói cách khác, con người tự làm cho mình trở nên đáng được tôn quý, và cũng tự làm cho mình trở nên hạ tiện, mà không hề bị một ai có quyền năng ban phước hay giáng họa.

Từ đó chúng ta hiểu tuyên ngôn của Đức Phật ngoan đồng: Dù chúng sanh ở trên trời, hay chúng sanh ở dưới trời, chỉ có tự mình (duy ngã) làm cho mình trở nên tôn quý, chỉ có mình mới giúp mình thoát khỏi khổ đau sanh, già, bệnh, chết.

Đây là bản tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trong lịch sử của nhân loại, đề cao vai trò cá nhân, khẳng định con người hoàn toàn tự chủ, tự quyết giá trị đạo đức của chính mình thông qua hành nghiệp do mình gây tạo. Bằng tuyên ngôn này, Đức Phật đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh, đánh động những cái “Ta” đang còn ngủ quên hay bị vấp vùi, bị an bài trong những giáo điều phi lý, những quy định bất công của xã hội, hãy nhìn lại giá trị đáng tôn, đáng kính của chính mình. Thật nhân bản thay!

và thăng hoa tâm thức

Trong kinh Đại bát Niết-bàn, phẩm Như Lai tánh, Đức Phật dạy: “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được”.

Từ ý nghĩa của phẩm kinh này, chúng ta hiểu tuyên ngôn của Đức Phật: “Trên trời hay dưới trời, chỉ có Phật tánh là tôn quý, (Phật tánh này) sẽ cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau sanh, già, bệnh, chết”.

Đức Phật từng khẳng định tất cả chúng sanh đều có đầy đủ phước đức và trí tuệ của Như Lai, tức đều có khả tính thành Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Cho dù chúng sanh bị trôi lăn trong sanh tử luân hồi, có khi sanh lên trời, có khi rơi xuống địa ngục, thì Phật tánh của chúng sanh vẫn còn nguyên vẹn, không tăng không giảm, không sanh không diệt, không tịnh không nhiễm. Vì vậy mà tất cả chúng sanh đều đáng được tôn kính bình đẳng như nhau.

Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, như viên minh châu nằm trong chéo áo, vậy mà chẳng nhận ra, đến nỗi vì miếng cơm manh áo phải tha hương cầu thực, lênh đênh theo dòng đời, trải qua đêm dài sanh tử, chịu vô lượng khổ đau. Thật đáng thương thay!

 Thích Nguyên Hùng

_________________

1. Tăng nhất A-hàm, phẩm A-tu-la, kinh số 2.

2. Trường bộ, số 14, Kinh Đại bổn.

3. Trường A-hàm, kinh Đại bổn: 天上天下唯我為尊,要度眾生生老病死. Khắp trong thiên hạ, Ta là tôn quý, Vì độ chúng sanh, thoát sanh, già, chết. Pali : “Aggo ‘ham asmi lokassa, jeṭṭho ‘ham asmi lokassa, seṭṭho ‘ham asmi lokassa.”

4. Tu hành bản khởi kinh, quyển thượng: 天上天下,唯我爲尊;三界皆苦,吾當安之. Khắp trong thiên hạ, Ta là tôn quý ; Ba cõi đều khổ, Ta phải an nó.

5. Tăng nhất A-hàm, phẩm A-tu-la, kinh số 5.

6. Trường A-hàm, kinh Đại bản duyên.

7. Trung A-hàm, kinh Pháp trang nghiêm.

8. Tăng nhất A-hàm, phẩm A-tu-la, kinh số 8.

9. Tăng nhất A-hàm, phẩm A-tu-la, kinh số 9.

10. Tăng nhất A-hàm, phẩm A-tu-la, kinh số 6.

11. Tăng nhất A-hàm, phẩm A-tu-la, kinh số 10.

12. Trung A-hàm, Kinh Uất-sấu-ca-la, số 150.

13. Tăng chi bộ VII, 57, Sự kiện cần phải quan sát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.