GNO - Chúng ta không thể lấy khuôn mẫu hạnh phúc hay khổ đau của mình để cân, đo, đong, đếm hạnh phúc, khổ đau của người khác. Và càng không nên đem cảm nhận hạnh phúc, khổ đau của mình mà áp cho người ...một cách cứng nhắc, rồi gọi tên (hay gán) cho người nào đó là hạnh phúc hoặc khổ đau.
Vì sao không nên như vậy? Bởi vì mỗi người có cái "tạng" sai biệt nhau; nhận thức, tình cảm, cảm xúc cũng khác nhau nên không thể áp đặt máy móc như thế. Giống như, một người có "tạng" thích ăn cay thì ăn ớt sẽ thấy ngon, ăn khoái hơn; ngược lại người có "tạng" không thích cay thì chỉ cần một tí tẹo ớt đã phá hỏng một bữa ăn.
Chúng ta thi thoảng vẫn thường nghe hoặc thường tự mình trầm trồ khen ngợi một ai đó sướng (hạnh phúc) quá đỗi vì có chồng giàu có, đẹp trai hoặc có vợ đẹp, con ngoan quá. Nhưng, ta lại nghe chính người trong cuộc tiết lộ hoặc kêu gào thống thiết là họ đang khổ, rất khổ. Bởi vì, với ta, có chồng đẹp trai, giàu có (hoặc có vợ đẹp, con ngoan) là hạnh phúc, nhưng ở bên trong gia đình đó, họ cần một người đàn ông biết thương gia đình hơn là đẹp trai mà trăng hoa, vợ đẹp nhưng không chung thủy, hay mắng mỏ chồng... Ở trong chăn mới biết chăn có rận là ở chỗ đó. Ta đừng chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá và cũng đừng chỉ nhìn một vài biểu hiện mà kết luận một người nào là tốt hoặc xấu, một hiện tượng nào đó là thánh thiện hay không đẹp đẽ gì... Như thế là siêu hình, là máy móc, không có biện chứng, không chính xác!
Trong việc tu tập cũng thế, ta không thể bắt một người phải giống y mình (tu theo pháp môn của mình, thực tập y chang mình...) vì theo mình như vậy mới có an lạc, giải thoát, mới... đạt đạo. Mình quên mất "tạng" của mỗi người mỗi khác, nên mình đánh giá hình thức thực tập của người và gọi tên đúng/sai, nên/không nên... bằng tâm phân biệt, trên cái hiểu biết của cá nhân. Như vậy là mình còn chấp, còn chưa dung hợp được với những đối tượng khác không giống mình (mà thực tế, mỗi đối tượng vốn đơn nhất mà). Cũng vì sự phân biệt này mà mình khổ, mình tạo ra một bức tường thành kiên cố, bất khả tiếp thu, bất khả học hỏi, đi ngược lại với lời nguyện: "Pháp môn vô lượng thệ nguyện học".
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật mô tả việc nói pháp của Ngài giống như một cơn mưa, đồng đều, không phân biệt. Nhưng, sự tiếp nhận, hành trì thì tùy theo từng chúng sinh, như những loại cây cỏ đón lấy nước mưa vậy, cây lớn, tán to thì hứng được nhiều, cần nước nhiều và ngược lại. Nếu cũng cung cấp lượng nước như nhau cho hai loại cây thì nếu một loại vừa đủ, loại kia chắc chắn sẽ dư, hoặc thiếu - tùy cơ địa. Vì thế, trong thực tập Phật pháp, nếu ép một người sơ cơ vào khuôn mẫu của một người đã thuần thục thì e rằng sẽ làm cho người ấy thối chí, thoái tâm!
Tu theo Phật, thật đúng là con Phật thì mình sẽ mở rộng lòng để nhìn một cách tương tức, trung dung, đầy đủ và không phân biệt. Đó cũng là cho mình cơ hội rộng mở mắt nhìn, rộng mở yêu thương...