Tuỳ bút trẻ: Tháng Giêng

Tháng Giêng, đứa con gái  thấy lòng thanh thản đến lạ. Đó là những ngày đầu  tháng Giêng, bên mẹ đón một năm mới ở quê với những hương vị ngọt lành, ấm áp của mẹ và của những người dân quê. Người dân quê nó nghèo nhưng chất phác, chịu khó và thấm nhuần đạo Phật. Tháng Giêng bà con dành nhiều thời gian cho chùa chiền, đi lễ Phật, tụng kinh Dược Sư vào mỗi đêm để cầu quốc thái dân an.

Lũ trẻ choai choai ở quê nó được ba mẹ dạy cho cách sống đẹp ở đời với năm lời khuyên dành cho người Phật tử: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè say sưa. Đứa con gái cũng được mẹ dắt đi chùa từ nhỏ, được mẹ bảo ban chừng ấy giáo lý mà khi lớn nó nhận ra nhờ những lời khuyên ấy của Phật mà nó có thể vượt qua được khá nhiều cám dỗ, vững vàng trước những khó khăn…

Tháng Giêng, mẹ nó lại kỹ lưỡng gói ghém cho nó từng món quà nhỏ là bánh mứt ở quê do chính mẹ làm: “Để con mang vô biếu bạn bè, đồng nghiệp lấy thảo, chút quà quê – rứa chứ bạn bè con thích đó”. Mẹ nó dặn thế, và nó mang lỉnh kỉnh quà quê của mẹ vào lại Sài Gòn, gửi mỗi người một ít để rồi nó nhận lại “phản hồi” từ bạn bè, đồng nghiệp rằng: “Mẹ cậu khéo tay thiệt, làm bánh tổ, bánh in, bánh tráng, bánh lăn… món nào cũng ngon, món nào cũng đậm đà”. Nghe xong, nó bỗng thấy niềm vui râm ran trong bụng, tự hào vì mẹ, vì những món bánh đặc sản quê nhà của mình. Nó mỉm cười, thầm cảm ơn mẹ đã vun vén cho nó khôn lớn đến ngày hôm nay, mẹ đã cho nó thấy được trời xanh đáng yêu thế nào, cho nó những khát vọng để nó bay cao, tươi trẻ như… mùa xuân!

Tháng Giêng, nghe trong nắng, trong gió có những giai điệu mùa xuân rộn ràng, ấm áp và những câu chúc xuân nồng ấm. Chúc cho một năm an ổn, khoẻ mạnh, sung túc… Người ta trao nhau những câu chúc để hòa giải, để xí xóa những chuyện không vui và để lại nắm tay nhau đi tới, đi cùng 365 ngày nữa trong giao tình đồng nghiệp, làng xóm… Đứa con gái nhận ra: Hình như tháng Giêng là tháng hiền hòa, làm người ta mở lòng hơn với thiên nhiên và con người. Tháng Giêng, ai đó chưa một lần chơi hoa cũng phải dừng lại trước màu vàng rực của hoa mai miền Nam, màu đỏ tươi của hoa đào miền Bắc và sắc dịu dàng của hoa đào Đà Lạt trong cái lạnh se se còn sót lại của những ngày cuối năm.

Tháng Giêng, có ngày Tết Nguyên tiêu. Mở mắt ra, đứa con gái nhận được một tin nhắn với vỏn vẹn có một câu: “Tâm bình thế giới bình”. Đó là tin nhắn của anh bạn đồng nghiệp, đồng đạo mà nó quen lâu ngày. Lâu lâu vẫn hay ngồi trà đạo với anh để “tám” những chuyện trên trời, dưới đất, để lắng nghe nhau, để chia sẻ những kiến giải mà cả hai cùng thấy trước cái vô thường của cuộc đời. Và sau mỗi lần như thế đứa con gái lại thấy vui vui, mỉm cười một cái rồi kèm theo một câu nói rất quen: Cảm ơn sư huynh!

Tháng Giêng, người ta cầu bình an cho mình, cho gia đình, cho thế giới… Cái tâm hạnh ấy thật tốt biết bao. Đứa con gái nghĩ nhiều về câu “Tâm bình thế giới bình” mà “sư huynh” nhắn cho nó trong ngày rằm tháng Giêng. Nó hiểu là: “Mỗi người là một thực thể kiến tạo nên thế giới. Mỗi người đem một chút bình an đến người khác để tâm mình bình an. Và, mỗi người đều bình an trong tâm há chẳng phải đã góp phần làm cho thế giới được an bình?”. Nghĩ như thế, nó cầu cho thế giới bình an và ngay lúc đó nó đã tỉnh thức: Thở và mỉm cười.

Tháng Giêng, lòng nó thấy bình an!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.