Bài viết này đưa ra một ý kiến khác, theo đó, đây là một khái niệm chưa phù hợp với văn hóa Phật giáo, và cũng không nên sử dụng từ này cho nhục thân các vị thiền sư Việt Nam ở chùa Đậu, chùa Tiêu Sơn.
Về ý kiến cho rằng “tượng táng” được coi là một hình thức mai táng đặc biệt ở Việt Nam, chúng ta chú ý cụm từ “hình thức mai táng”.
Toàn thân xá lợi chư vị Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu)
Ngay chính cấu trúc tạo từ “tượng táng”, so sánh với các từ tương tự khác, như “hỏa táng”, “thủy táng” hay “điểu táng”, “lâm táng”…, nó cũng nói lên đây là một phương thức mai táng.
Tức là, cách xử lý của người còn sống đối với thi thể người quá cố. Trong đó, điều tất nhiên là người chết phải bị động trong việc xử lý của người sống. Nói cách khác, đó là việc làm của người còn sống (tức người đã chết không thể làm việc này).
Theo cách hiểu kể trên (tượng táng một hình thức mai táng) và từ một số bài báo có sử dụng từ “tượng táng”, suy rộng ra, tượng táng là một hình thức giống như ướp xác.
“Tượng táng” khác ướp xác ở chỗ, cách táng của “tượng táng” đưa đến một pho tượng, mà trong đạo Phật, là đối tượng phụng thờ. Trong khi ướp xác là cách tác động của người sống vào xác người chết để lưu giữ, nhưng không thành tượng như ở đạo Phật.
Như vậy, trong “tượng táng” người chết hoàn toàn thụ động. Cũng có ý kiến nêu nghi vấn đây là một nét văn hóa hấp thụ từ Trung Hoa vì “ở Trung Hoa có tượng sơn ta bó lụa của Lục tổ Huệ Năng, chân thân còn nguyên vẹn”.
Dưới đây là một cách hiểu ngược lại: từ “tượng táng” nên thay bằng cụm từ “toàn thân xá lợi” của Phật giáo và đây là truyền thống của Phật giáo nói chung, không phải là một “hình thức mai táng đặc biệt ở Việt Nam”, cũng không phải là nét văn hóa hấp thụ từ Trung Hoa.
Quan niệm để lại các chỉ dấu về sự đắc đạo sau khi nhà tu hành viên tịch bằng các dạng duy trì cơ thể một cách đặc biệt là quan niệm của Phật giáo. Kinh điển Phật giáo mô tả việc Đức Phật để lại xá lợi sau khi hỏa táng nhục thân của Ngài.
Toàn thân xá lợi cũng là một hành động theo phương thức như trên tuy nhiên điều khác là nhục thân nguyên vẹn không qua hỏa táng.
Trường hợp toàn thân xá lợi trong Phật giáo thế giới không nhiều, cũng không có ở nhiều nơi. Đặc biệt hơn cả là trường hợp ở Nga, với nhục thân Lạt ma Dashi - Dorzho Itigilov. Toàn thân xá lợi là sự tự chủ động duy trì thân xác sau khi viên tịch, kết quả của một quá trình tu chứng của bậc tu hành. Còn việc tạo thành tượng là cách mà người đời sau làm thêm vào nhục thân xá lợi.
Toàn thân xá lợi khác với sự bị động của người đã quá cố trong các cách táng thông thường.
Đạo Phật không dùng khái niệm phép lạ, nên trường hợp các vị Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu), Thiền sư Như Trí (chùa Tiêu Sơn) ít được Phật giáo Việt Nam quảng bá như một phép lạ. Nhưng chúng ta có thể hiểu đó là các trường hợp mầu nhiệm, không phải chỉ là một trong những cách mai táng.
Mong rằng với bài viết này, từ “tượng táng” dùng cho trường hợp các vị thiền sư Việt Nam đã đắc đạo nói ở trên sẽ được thay bằng cụm từ “toàn thân xá lợi”, để phù hợp với tinh thần Phật giáo.
Ghi nhận rằng những thế hệ sau đã có những kỹ thuật bảo quản cơ thể người chết độc đáo, nhưng điều căn bản là cần ghi nhận nhục thân của liệt vị Tổ sư đã nói được duy trì như khi các ngài viên tịch trong lúc ngồi thiền, trước hết như là một sự chủ ý của các ngài.“
Đạo Phật không dùng khái niệm phép lạ, nên trường hợp các vị Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu), Thiền sư Như Trí (chùa Tiêu Sơn) ít được Phật giáo Việt Nam quảng bá như một phép lạ. Nhưng chúng ta có thể hiểu đó là các trường hợp mầu nhiệm, không phải chỉ là một trong những cách mai táng. Mong rằng với bài viết này, từ “tượng táng” dùng cho trường hợp các vị thiền sư Việt Nam đã đắc đạo nói ở trên sẽ được thay bằng cụm từ “toàn thân xá lợi”, để phù hợp với tinh thần Phật giáo. |