Tưởng niệm Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền tại chùa Phật Học Xá Lợi (Q.3)

Di ảnh và tôn tượng Cư sĩ Chánh Trí tại Tổ đường chùa Phật Học Xá Lợi
Di ảnh và tôn tượng Cư sĩ Chánh Trí tại Tổ đường chùa Phật Học Xá Lợi
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 12-4 (15-3-Ất Tỵ), tại chùa Phật Học Xá Lợi (Q.3, TP.HCM) diễn ra Lễ tưởng niệm 52 năm ngày Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, nguyên Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt từ trần. Dịp này, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ chủ đề “Vai trò của người cư sĩ hộ pháp trong thời đại truyền thông 4.0”.
Khóa lễ tụng kinh A-Di-Đà tại chánh điện chùa Phật Học Xá Lợi

Khóa lễ tụng kinh A-Di-Đà tại chánh điện chùa Phật Học Xá Lợi

Buổi lễ mở đầu với khóa lễ tụng kinh cầu nguyện tại chánh điện; sau đó chư Tăng, Ban Phật học, Gia đình Phật tử chùa Xá Lợi và các đạo tràng cung tiến Chơn linh Cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền tại Tổ đường.

Cư sĩ Chánh Trí sinh ngày 1-4-1905, tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu, ông là nhân sĩ trí thức và kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền bấy giờ. Đặc biệt, khi ông giữ chức Quốc Vụ khanh đặc trách văn hóa, ông đã nỗ lực phát huy tài năng, đóng góp cho văn hóa nước nhà làm được những việc có ích cho đương thời và hậu thế.

Từ ngày thọ Tam quy ngũ giới với Hòa thượng Thích Hành Trụ, Cư sĩ Chánh Trí ăn chay trường, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Sài Gòn, ông vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, làm trụ sở của Hội Phật học Nam Việt.

Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông, hàng tuần còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng mời các vị cao Tăng, Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư. Bên cạnh đó, Hội Phật học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do cư sĩ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Ban Phật học chùa Xá Lợi tưởng niệm Cư sĩ Chánh Trí trước tượng bán thân được tôn trí trong khuôn viên sân chùa Xá Lợi

Ban Phật học chùa Xá Lợi tưởng niệm Cư sĩ Chánh Trí trước tượng bán thân được tôn trí trong khuôn viên sân chùa Xá Lợi

Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc, đó là lễ rước Xá-lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952, nhân dịp phái đoàn Phật giáo Sri Lanka đi dự Đại hội Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc Xá-lợi để tặng Nhật Bản.

Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963, ông giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban Soạn thảo Hiến chương GHPGVNTN và được suy cử làm Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo.

Cư sĩ Ban Phật học dâng hoa tưởng niệm

Cư sĩ Ban Phật học dâng hoa tưởng niệm

Khi Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo thọ cho Viện và sau đó giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh kiêm Tổng Thư ký niên khóa 1967-1968.

Ngoài ra, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật đà, với nhiều tác phẩm dịch thuật có giá trị như: Tâm và tánh; Ý nghĩa niết-bàn; Một đời sống vị tha; Tâm kinh Việt giải

Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973, tức rằm tháng Ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.

Nhân dịp tưởng niệm 52 năm ngày mất của Cư sĩ Chánh Trí – Mai thọ Truyền, Ban Phật học chùa Xá Lợi đã mời bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cố vấn Ban Phật học chùa Xá Lợi chia sẻ chủ đề Vai trò của người cư sĩ hộ pháp trong thời đại truyền thông 4.0.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ "Vai trò của người cư sĩ hộ pháp trong thời đại truyền thông 4.0"

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ "Vai trò của người cư sĩ hộ pháp trong thời đại truyền thông 4.0"

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ thời đại 4.0 có nhiều sôi động về truyền thông, làm khủng hoảng truyền thông. Mỗi người ai cũng có điện thoại, chỉ bấm một cái đã liên lạc với toàn thế giới. “Cả thế giới nằm trong bàn tay mình”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho biết mỗi ngày bác nhận 100 email, trong 100 cái thì phải bỏ công sức xóa 98 cái, còn để lại mấy cái bạn bè. Nếu chịu khó đọc một vài email vì thấy tựa rất hay, hấp dẫn nhưng đọc thì hết hồn, vì chửi bới tùm lum, đọc một hồi thấy mình cũng muốn khùng luôn.

Theo bác Đỗ Hồng Ngọc, trong truyền thông hiện nay thì chỉ có tự mình bảo vệ mình. Người cư sĩ cần phải tự trao dồi kiến thức, nâng cao kiến thức Phật học, đặc biệt thời đại 4.0. Với cư sĩ hộ pháp “quan trọng nhất là chống lại các hiện tượng dị đoan mê tín, càng lúc càng sôi nổi, càng lúc càng trầm trọng hơn do truyền thông bùng nổ quá sức tưởng tượng, sự phát triển của AI và các mạng xã hội khác”.

Truyền thông phải xảy ra trong một bối cảnh và bối cảnh như thế nào thì truyền thông phải đi theo như thế đó mới mang lại hiệu quả. Người cư sĩ phải biết chọn kênh phù hợp, chọn thầy để nghe pháp rất quan trọng.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng chia sẻ về bốn loại thức ăn Phật dạy: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực để tự mỗi người có chánh niệm trước khi ăn để không gây sợ hãi, căng thẳng, lo âu cho bản thân.

Qua đó, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chỉ ra cách mà chư Tổ đã ứng dụng là “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” không trụ vào đâu cả để sanh tâm (tham sân si) trong thời đại công nghệ 4.0.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.