Hiện diện dâng hương tưởng niệm có Hòa thượng Thích Như Tín, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; chư vị giáo phẩm Thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng Thích Huệ Văn, Hòa thượng Thích Thiện Xuân...
Chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh tham dự |
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II T.Ư; cùng chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Trị sự Q.Tân Phú, Ban Điều hành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Tăng Ni sinh các lớp Dịch thuật Hán Nôm, trụ trì các tự viện, môn đồ pháp quyến và Phật tử tham dự.
Hòa thượng Chủ tịch và chư vị giáo phẩm Hội đồng Trị sự dự lễ tưởng niệm |
Tại buổi lễ, chư tôn giáo phẩm dâng hương tưởng niệm Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Cảnh trong tinh thần tri ân báo ân bậc tiền bối hữu công đối với Phật giáo Việt Nam, bậc thầy khả kính một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, khai đạo cho Tăng Ni, Phật tử.
Trước giác linh đường, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Q.Tân Phú cung tuyên tiểu sử, ôn lại hành trạng của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Cảnh.
Hòa thượng Thích Thiện Hòa cung tuyên tiểu sử trong lễ tưởng niệm |
Theo đó, Hòa thượng đạo hiệu Thích Minh Cảnh thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40. Năm 1945, ngài theo Hòa thượng Huệ Hưng, là người anh cả trong gia đình huyết thống đến chùa Tổ ở rạch Cái Bèo tu học, rồi về chùa Long An ở Sa Đéc thọ học với Hòa thượng Hành Trụ, được ban pháp danh Minh Cảnh.
Sau đó, ngài thọ giới Sa-di tại chùa Kim Huê (Sa Đéc) với Hòa thượng Chánh Quả; thọ giới Tỳ-kheo tại chùa Huệ Nghiêm, do Hòa thượng Hải Tràng làm Hòa thượng Đường đầu, Hòa thượng Trí Tịnh làm Tuyên luật sư, Hòa thượng Hành Trụ làm Yết-ma, Hòa thượng Huệ Hưng làm Giáo thọ.
Môn đồ pháp quyến và pháp tử của cố Trưởng lão Thích Minh Cảnh |
Đầu năm 1948, ngài nhập học tại Phật học đường Liên Hải đặt tại chùa Vạn Phước, Bình Trị Đông (nay là Q.Tân Bình), đánh dấu bước đầu trên con đường tu học về sau trên đất Sài Gòn. Cũng trong năm này, ngài được Hòa thượng Thích Trí Tịnh chính thức nhận làm đệ tử.
Năm 1953-1954, Hòa thượng tu học tại Phật học đường Nam Việt. Nơi đây, Hòa thượng được gần gũi và học tập với Hòa thượng Thích Nhất Hạnh.
Chư Tăng tham dự tưởng niệm |
Năm 1961-1965, Hòa thượng trở lại con đường học thế học tại Trường Chi Lăng, sau đó tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa; năm 1965-1968, ngài được cử về dạy học tại Trường Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên; năm 1968-1975, Hòa thượng dạy học và làm việc tại Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn).
Được sự ủy thác của cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Hòa thượng kế thế trụ trì tu viện Huệ Quang cho đến ngày viên tịch.
Nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử kính mến cố Trưởng lão Hòa thượng đã trở về tưởng niệm ngài |
Sinh tiền, Hòa thượng đảm nhiệm nhiều công việc của Giáo hội như: Thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN Q.Tân Phú, Tân Bình.
Lễ tưởng niệm tại Tổ đường tu viện Huệ Quang |
Trưởng lão Hòa thượng viên tịch vào lúc 13 giờ 35 phút, ngày 11-10-2018 (3-9-Mậu Tuất) tại tu viện Huệ Quang, trụ thế 82 năm, 50 hạ lạp.
Được biết, ngày 16-10, nhiều đoàn đại diện chính quyền TP.HCM, Q.Tân Phú, nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử đã đến tu viện Huệ Quang tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng.