Tưởng nhớ Giáo sư - NGND Hoàng Như Mai

Hoang Nhu Mai.jpg

GS - NGND Hoàng Như Mai

GN - Tôi vô cùng xúc động khi được PGS.TS Trần Hữu Tá, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM báo tin Giáo sư Hoàng Như Mai từ trần (lúc 15g20 ngày 27-9, hưởng thọ 95 tuổi).

Trong khoảng lặng đó, tôi bất chợt nhớ mấy câu thơ mà tôi vinh dự được Giáo sư đề tặng trong sách Hoàng Như Mai văn tập do Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM chủ trì xuất bản: “Cuộc đời vinh nhục vui buồn/ Sắc - không, không - sắc há còn vấn vương/ Bao giờ đến lượt lên đường/ Thì như một chiếc lá vàng gió bay”.

Giáo sư đến với cuộc đời và từ giã cuộc đời đúng như những vần thơ mà Thầy đã trải nghiệm với đời, với đạo Phật trong cuộc hành trình sinh tử dưới nhãn quan của một người làm khoa học nhân văn. Giới tu sĩ Tăng Ni sinh trẻ từ khóa I đến khóa V (1984-2005) được học với Thầy kể từ khi được cố HT.Thích Minh Châu - Viện trưởng sáng lập Học viện PGVN tại TP.HCM mời Chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam.

Ở Học viện, những giờ lên lớp của Thầy bao giờ cũng cuốn hút Tăng Ni sinh theo dõi. Với phong thái ung dung tự tại, một giọng nói hào sảng, trầm hùng, Thầy đã dẫn đưa người học cảm thụ sâu sắc từng tác phẩm, từng chân dung nhân vật sự kiện, chi tiết sống động… Người nghe thầy giảng, bao giờ cũng nhận ra cái Đẹp, cái Bi, cái Hài, mà trên hết vẫn là tình yêu con người, tình yêu xứ sở.

Ngoài việc giới thiệu tổng quan tiến trình hình thành và phát triển văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Thầy chú trọng giới thiệu về mối liên hệ giữa Phật giáo và văn học nói chung, nhất là văn học Việt Nam và Phật giáo Việt Nam qua từng tác phẩm cụ thể. Cho đến bấy giờ, các Tăng Ni sinh vẫn còn ấn tượng về bài giảng triết lý Thương người như thể thương thân của người Việt, hay sự phân tích về những bài văn, bài thơ có nội dung Phật giáo như: Truyện Quan Âm Thị Kính, Hồn bướm mơ tiên, Chùa Đàn…Rõ ràng, trong tâm khảm của Thầy, đạo Phật luôn có vị trí hết sức quan trọng trong việc hướng con người đi đến chân thiện mỹ. Theo thầy, cơ sở đi đến sự hoàn thiện nhân cách toàn bích của con người vẫn là chữ “tâm”, cái “lòng” của người Việt, đúng như cụ Nguyễn Du nói trong Truyện Kiều: “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” mà Thầy thường nói.

Chỉ vì cái tâm, mà Thầy ưu tiên dành thì giờ cho việc tham gia giảng dạy và nghiên cứu Phật giáo, mặc dù từ thập kỷ 80, Thầy đã đảm nhận nhiều trọng trách: Cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM, tham gia đào tạo trí thức cao cấp (thạc sĩ, tiến sĩ) cho ngành. Tăng Ni trẻ tiếp cận Thầy, bao giờ cũng như được tiếp nhận thêm nguồn lửa tiềm ẩn có sẵn trong mình để thắp sáng trí tuệ hiện khởi phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học Phật giáo.

Chính vì lẽ đó, cứ mỗi lần khai giảng khóa mới, Thầy vinh dự được cố Hòa thượng Viện trưởng sáng lập Học viện mời thuyết giảng cho tân Tăng Ni sinh. Theo Thầy, ngày nay dù chúng ta tiếp cận phương pháp nghiên cứu khoa học của phương Tây, nhưng khi nghiên cứu kinh điển, văn học Phật giáo cần chú trọng phương pháp tư duy tổng hợp của phương Đông…

Ngoài việc tham gia giảng dạy tại Học viện, Thầy còn tích cực tham gia cộng tác Viện Nghiên cứu Phật học VN. Các cuộc hội thảo do Viện tổ chức, Thầy đều có bài tham luận. Có 2 bài tham luận của Thầy phát biểu vào năm 1995 và 1997 ở Viện Nghiên cứu khiến nhiều học giả, nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước quan tâm: Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại. Thầy đã trình bày nổi bật về những giá trị đạo đức Phật giáo cần được ứng dụng trong việc giáo dục học đường, trong đời sống xã hội, cũng như những giá trị khoa học của nền giáo dục Phật giáo cần đưa vào trong nền giáo dục hiện đại.

Hoang Nhu Mai1.jpg


Nhiều thế hệ đến tiễn GS - NGND Hoàng Như Mai - Ảnh: TTO

Cũng trong thời gian này, Thầy có cơ duyên diện kiến trực tiếp với cố HT.Thích Thiện Siêu mà lâu nay Thầy khâm phục qua từng trang sách kinh điển do Hòa thượng viết - Thầy từng được đọc. Từ đó, mối thâm tình giữa Thầy và Hòa thượng càng thêm sâu sắc. Mỗi lần ra Huế, Thầy đều đến thăm và đàm đạo với Hòa thượng và ngay cả sau khi Hòa thượng viên tịch, có dịp về kinh đô, Thầy cũng tranh thủ thời giờ lên Từ Đàm thắp một nén hương. Tôi vẫn nhớ như in lời Thầy nói với cố HT.Thích Thiện Siêu, và HT.Thích Minh Châu: “Phật giáo thời hiện đại có 2 cao tăng đắc đạo, uyên thâm Phật học, thế học, giảng dạy Phật pháp nói như viết và viết như nói, đi thẳng vào lòng người”. Cả ba Ngài đều cười, sau đó cố HT.Thích Thiện Siêu đáp lại thật văn chương dí dỏm: “Thầy giảng bài thì trầm hùng như sư tử hống, viết thì êm ái trong dịu như làn nước mùa thu”…

Thầy cộng tác đều đặn cho các số Tập Văn của Ban Văn hóa Trung ương  GHPGVN trước đây, do CS.Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập; đề tài của Thầy thường tập trung phân tích các tác phẩm dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện đại có nội dung mang âm hưởng màu sắc Phật giáo như: Triết lý Thương người như thể thương thân, Thế giới con người qua Văn thập loại cô hồn, Chùa Đàn, Truyện Phật giáo, Văn hào Balzac và lòng tham dục của con người… Ngay cả những lúc cao hứng, Thầy còn phân tích những tác phẩm trữ tình của phong trào Thơ mới và cả tác phẩm tự sự, truyện ngắn của Tự lực Văn đoàn dưới cái nhìn của Phật giáo. Người đọc dễ dàng cảm nhận được thân phận và tình yêu con người trong cuộc hành trình sanh tử, sẵn sàng đón nhận sự vô thường để vơi đi nỗi đau, giảm thiểu và từ bỏ lòng tham lam các dục ở đời.

Điều đáng nói, là đức khiêm cung của Thầy, hầu như ai tiếp xúc Thầy đều cảm phục. Cứ mỗi lần thầy viết xong bản thảo viết tay, là Thầy nhờ tôi đánh máy và xem kỹ lại có gì không thích hợp Phật giáo thì sửa chữa, trước khi gởi Ban Biên tập. Tôi thưa, đánh máy thì em sẵn sàng, nhưng chữa thì không dám. Thầy bảo, tôi cũng không chuyên môn Phật học. Có một lần, Giáo sư Trần Tuấn Mẫn, bấy giờ là Phó Tổng Biên tập nhờ tôi xin phép Thầy để chữa một chỗ, Thầy hoan hỷ trả lời quý Ban Biên tập chữa cho, thì quý hóa biết chừng nào…

Lần Thầy đến Học viện cuối cùng là ngày Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện cuốn phim về cuộc đời và sự nghiệp giáo dục của Thầy, nhân dịp Hội Nghiên cứu và Khoa Ngôn ngữ và Văn học Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM chuẩn bị ngày chúc mừng thượng thọ 90 tuổi. Hội đồng Điều hành và Tăng Ni sinh Học viện được tiếp xúc với Thầy trong không khí thắm tình đạo vị.

Giờ đây, Thầy đã đi xa, nhưng “pháp âm” của Thầy vẫn còn đó. Thầy đã để lại cho bao thế hệ sau này cái nguồn cảm hứng học văn, tức là học làm Người. Nhiều công trình Văn học - Văn hóa - Nghệ thuật vẫn in đậm dấu ấn của Thầy trong lòng người học và bạn đọc mãi mãi: Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001), Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993), Văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo Dục, 1961), Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986),  Thơ một thời (1989), Hoàng Như Mai tuyển tập (2005), Hoàng Như Mai văn tập (2008). Tất cả các công trình nghiên cứu trên đều hướng đến mục đích và lý tưởng như lời Thầy nói: “Với tôi, văn chương cũng như sân khấu đều phải hướng đến con người và dân tộc. Tiếng gọi của thời đại và khát vọng của nhân dân là nguồn cảm hứng lớn mà tôi tìm thấy khi viết, khi diễn, cũng như khi giảng bài”.

Xin thắp một nén hương tưởng nhớ Giáo sư, một Nhà giáo Nhân dân, một nhà hoạt động văn hóa - xã hội, người Thầy khả kính suốt đời luôn tâm niệm: “Việc làm ngay thẳng lòng trong sáng, Sống giản đơn và chết giản đơn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.