Tương lai của Phật giáo vùng Mekong luôn khó đoán

GN - Là một học giả uyên thâm về Phật giáo ở phương Tây, Giáo sư Lewis Lancaster đã dành trọn đời nghiên cứu những bước đi của đạo Phật ở châu Á cũng như thế giới. Ông đã có hơn 55 bài nghiên cứu và hàng loạt các tác phẩm khoa học viết về văn phạm Phật giáo, lịch sử phát triển của tôn giáo này ở nhiều nước khác nhau. Ông từng là trưởng khoa Phật học của Đại học California, Berkeley và là chủ biên của các đề tài trong lĩnh vực này.  Vào năm 2014, Phật giáo Hàn Quốc đã trao ông Giải thưởng Cống hiến vĩ đại bởi những đóng góp của ông với Phật giáo.
giaosu.jpg
Giáo sư Lewis Lancaster

Nhân dịp Giáo sư Lewis Lancaster đến Việt Nam dự Hội thảo quốc tế “Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Đại học KHXH và NV TP.HCM tổ chức, Giác Ngộ đã có dịp tiếp xúc và trao đổi với ông về nhiều vấn đề. Khi nói đến hiện trạng Phật giáo trong vùng và hướng đi tương lai, Giáo sư cho biết:

- Mekong là một dòng sông khá đặc biệt so với những con sông khác trên thế giới khi chuyên chở trên mình những nét văn hóa đặc biệt gắn với sinh hoạt của Phật giáo. Từ điểm xuất phát đặc biệt là cao nguyên Thanh Tạng, chảy qua nhiều quốc gia như: Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và sau đó là Biển Đông…, chúng ta luôn thấy dáng dấp của đạo Phật với nhiều sắc thái, hình thức và biểu hiện khác nhau nhưng có tính tương hỗ, đồng hành đi về phía trước.

Chính những lẽ đó mà nhiều người cùng đồng ý với nhau rằng Mekong là một dòng sông Phật giáo vì những quốc gia tọa lạc bên dòng sông này đều dung chứa đạo Phật như một giá trị văn hóa, tư tưởng và định hình nếp sống thiện lành của mỗi người dân. Có nhiều nước đạo Phật được xem như quốc giáo thì sức ảnh hưởng càng cao, tạo nên thiết chế văn hóa tốt đẹp nhằm xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.

Những gì được biểu hiện ở khu vực sông Mekong sẽ cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh về Phật giáo khắp thế giới: âm thầm, nhẹ nhàng như có sức lan tỏa mãnh liệt tới tất cả mỗi người.

* Nếu được nói về điểm nổi bật của Phật giáo vùng này, theo ông, đó là gì?

- Nhiều người cứ lầm tưởng rằng Phật giáo hình thành và phát triển ở lưu vực sông Mekong và các nước Đông Nam Á thông qua “Con đường tơ lụa”. Thực tế, những hải cảng lớn của các nước khu vực góp phần tạo nên một đạo Phật nhập thế và đi vào đời sống tâm linh của mỗi người. Theo một số nghiên cứu gần đây, đã có gần 70 cảng biển chạy dài từ phía Nam của đất nước Ấn Độ đến Tích Lan, Trung Quốc, Miến Điện hay xuống các nước còn lại đều in đậm dấu chân du hóa của chư Tăng trong quá khứ.

Nhờ thế mà đạo Phật trở nên gần gũi và gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân các nước. Và cũng chính vì độ dài của không gian nên có thể thấy rằng, Phật giáo khu vực này mang tính đa dạng và dung hòa. Nếu như ở khu vực thượng lưu của sông, nơi vùng núi Hải Thanh (Trung Quốc) và cao nguyên Tây Tạng, Phật giáo thiên về Mật tông và Bắc tông với những sinh hoạt thuần khiết thì ở khu vực trung lưu là các nước có truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, ảnh hưởng đến mọi ứng xử của người dân từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Riêng khu vực hạ nguồn là Việt Nam với một sự pha trộn giữa Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo.

Nhưng có một điều phải thừa nhận rằng, dù khác nhau về truyền thống và hình thức sinh hoạt nhưng Phật giáo khu vực này luôn có sự trao đổi và giao thoa rất hòa ái theo kiểu chung sống tu học. Ta chưa thấy bất kỳ một sự bất đồng hay xung đột nào xảy ra bởi sự khác biệt ở một khía cạnh nào đó giữa các truyền thống. Nhờ giá trị này mà ở khu vực này, Phật giáo được xem như một di sản đáng trân quý và giữ gìn.

* Sau nhiều năm nghiên cứu và theo dõi những gì đang diễn ra, ông có nhận thấy những thay đổi trong sinh hoạt Phật giáo của khu vực?

- Bối cảnh kinh tế xã hội của các nước trong khu vực theo thời gian đã có sự thay đổi to lớn và vượt tầm kiểm soát của một nhóm cá thể. Trước hết là sự thay đổi về thể chế chính trị, nhu cầu đời sống vật chất và sau đó là những thay đổi liên quan đến các thiết chế về văn hóa, tâm linh. Một điều dễ dàng nhận thấy nhất là các khu đô thị mọc ra nhiều hơn làm cho quỹ đất canh tác của người dân vốn quen với cuộc sống yên bình ở những vùng quê bị thu hẹp lại và đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng di dân của lớp thanh niên trẻ trung đến các miền đất hứa. Tôi đã đi nhiều và biết được rằng, hầu hết các thành phố lớn của các nước trong khu vực đều chung tình trạng này, kéo theo nhiều hệ lụy đáng quan tâm.

Những thay đổi trên tác động sâu sắc đến sinh hoạt Phật giáo. Phần lớn người trẻ trước kia nếu như được bảo bọc trong một thiết chế văn hóa - tâm linh an lành, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, gắn bó với sinh hoạt nhà chùa, phát nguyện xuất gia khi đến độ tuổi nhất định thì nay đã dần xa rời những điều đó. Vì mưu sinh và nhu cầu thay đổi, họ đã bỏ lên thành thị, đầu tư thời gian, công sức cho việc mưu sinh, dần quên đi những tập quán tốt đẹp vốn có cũng như phương hướng cho cuộc sống phía trước

Trong một xã hội có nhiều biến động như thế, vị trí và vai trò của Phật giáo cũng có sự thay đổi nhất định. Số lượng tu sĩ theo thời gian giảm xuống khá nhiều và phân bố không đồng đều ở các nơi. Hơn nữa, chất lượng người tu sĩ cũng bị giảm sút do thời gian tu tập trong chùa ít nên giáo lý, giáo luật, nghi lễ còn khá hạn chế làm ảnh hưởng đến giá trị của Tăng đoàn cũng như sức mạnh của Phật giáo, không thể đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong vùng. Những lý do trên đã tạo nên chỗ trống cho các tôn giáo khác có thể len lỏi và tạo nên hiện tượng cải đạo, thay đổi đời sống tâm linh, nhất là đối với giới trẻ vì họ đánh mất con đường đi.

Từ vai trò là trụ cột, bệ đỡ tinh thần trong đời sống tâm linh của một xã hội rộng lớn, nếu không có những điều chỉnh, Phật giáo sẽ suy yếu đến một lúc nào đó không còn giữ vị trí trung tâm sẽ dẫn đến một hiện tượng khủng hoảng cho sinh hoạt tâm linh của vùng, tạo nên những hệ lụy đáng tiếc. Nhìn chung, tương lai của Phật giáo ở khu vực này rất khó đoán.

anh cctt.jpg


Khất thực theo truyền thống Nam tông

* Với thực tế trên, làm thế nào và ai sẽ là chủ nhân cho sự điều chỉnh trong sinh hoạt Phật giáo, thưa Giáo sư?

- Sự sống còn của Phật giáo khu vực trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là lực lượng Tăng sĩ và tín đồ Phật giáo. Cần phải có các chương trình đào tạo Tăng sĩ phù hợp với xu thế xã hội, thích ứng với mọi hoàn cảnh, giỏi về giáo lý, giáo luật lẫn có nhận thức đúng đắn với những gì đang xảy ra.

Phật giáo có một nền tảng học thuật sâu sắc, được xây dựng trên căn bản của từ bi, trí tuệ mà cả thế giới phải thừa nhận. Theo tôi, đây là một ưu thế rất lớn cho sự đổi thay từ bên trong mỗi cơ sở tự viện để có thể thích ứng. Ngoài ra, về phương thức hành trì, chính đạo đức và thiền học Phật giáo là di sản không thay thế được. Các nước phương Tây đến với Phật giáo cũng nhờ điều này và tôi nghĩ rằng Phật giáo các quốc gia trong khu vực sẽ phải tìm cách để ứng dụng, đưa đạo đức, thiền Phật giáo thành phổ quát, định hình lại các sinh hoạt của xã hội đang nhiều biến động.

Thực ra, vẫn có một tín hiệu đáng mừng là tinh thần hòa hợp và tôn trọng trong các truyền thống Phật giáo đến nay vẫn được giữ khá tốt. Ở nhiều nơi, chư Tăng Ni, Phật tử dù khác hệ phái nhưng luôn hòa ái, đồng hành với nhau trong sinh hoạt, tu tập, hành đạo. Đây cũng là giá trị và yếu tố quan trọng để có thể xiển dương đạo Phật khu vực này.

* Chân thành cảm ơn Giáo sư!

Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.