Tuổi thơ lý tưởng

GN - Ai cũng nhớ về tuổi thơ, và càng xa tuổi thơ thì nỗi nhớ càng thấm vào lòng. Trừ những người có tuổi thơ bất hạnh muốn quên đi, hoặc những người quá vất vả mưu sinh, không nghĩ gì ngoài việc giải quyết đời sống trước mắt, ai cũng luyến nhớ những ngày xưa thân ái, những tình cảm và lo toan của cha mẹ, tình thầy cô và bạn bè…

Tuổi thơ đã nhận biết bao ngọt ngào mà khi con người trưởng thành, khó mà hưởng được như vậy, vì càng ngày mật ngọt thì nhạt đi, thay vào đó là cay đắng của cuộc đời.

Tuổi thơ của mọi người là thiên hình vạn trạng, làm sao có những tuổi thơ vượt trội để gọi là lý tưởng? Mỗi người lại có hoàn cảnh khác nhau, có trẻ sống trong vật chất dư dả, có trẻ gia đình khó khăn, có trẻ còn cha mẹ, có trẻ sớm chia ly người thân, có trẻ sống trong môi trường tốt lành, có trẻ sống trong vùng đầy tệ nạn xã hội,… làm sao so sánh tuổi thơ?

tuoitho.jpg
Tuổi thơ đã nhận biết bao ngọt ngào mà khi con người trưởng thành, khó mà hưởng được như vậy

Thật ra cụm từ “tuổi thơ lý tưởng” của tôi được dịch từ “ideal chilhood” trong bài báo nhan đề “What is an ideal childhood?” trong chuyên mục Gia đình của tờ báo The Guardian ngày 17-10-2015. Tuổi thơ lý tưởng trong bài báo này, theo tôi hiểu, là tuổi thơ đong đầy thương mến và quan tâm, đã làm khởi đầu tốt nhất trong hoàn cảnh của mỗi người, cho dẫu hoàn cảnh đó là gian nan. Họ là ai? Chắc chắn có nhiều người như vậy, nhưng không phải là quá phổ biến. Bài báo đã đề cập đến 5 người: 2 nam, 3 nữ, môi trường gia đình và xã hội khác nhau… tất nhiên họ đã là người lớn thành danh để nhận ra tuổi thơ của họ đáng giá như thế nào. Họ nghĩ sao về tuổi thơ của họ?

Michael Morpurgo, nhà văn

Từ rất sớm, trẻ mong mỏi được thấy mình cần thiết và được trìu mến. Chúng như cây, lớn lên trên thửa đất đầy tình thương và ưu ái. Người lớn cần để ý đến thiên tư của từng đứa trẻ, khám phá những gì mà trẻ thích làm, dầu cho điều nó thích chỉ là vẽ cái gì đó, hoặc lật từng trang sách, hoặc ngồi chơi trên bãi cát. Biết được những gì trẻ thích rồi thì phải cho chúng không gian và thời gian để tự chúng khám phá. Bảy năm đầu phải để cho chúng tự nhiên như vậy, không cần phải đi học. Giáo dục gia đình thật là vô cùng quan trọng trong giai đoạn này. Khi trẻ đến trường thì không có một tách biệt lớn lao với môi trường gia đình, vì tình thương và sự chăm sóc vẫn cứ liên tục. Đừng bắt chúng thi cử gì khi chúng mới lên 4 hoặc 5 tuổi vì suy cho cùng chúng học được gì từ những bài thi trắc nghiệm?

Có thể vài vị cha mẹ sẽ hớn hở: “Ôi, con tôi giỏi thật!”. Nhưng cùng lúc đó, có những đứa trẻ khác thấy mình bị hất ra, không đủ giỏi và lo sợ mình sẽ không còn được thương mến nữa. Với tuổi thơ, bạn không thể đo lường được. Bạn có thể chứng kiến những điều rất tuyệt vời khi nhìn trẻ lớn lên, nhưng bạn không thể nào đánh giá những giây phút đó được. Nói cho cùng thì vun xới lòng tự tin và tự hào nơi trẻ là điều tối cần. Không có hai đặc tính này thì chẳng có gì đáng kể sẽ xảy ra.

Cerrie Burnell, người điều khiển chương trình BBC dành cho trẻ em

Tôi bị khiếm khuyết cơ thể và tôi cũng bị bệnh dyslexia (bệnh không đọc được bình thường), gây bất lợi cho tôi từ nhỏ, nhưng mẹ tôi không lấy đó làm vấn đề, thay vào đó, bà đem lại niềm vui cho tuổi thơ tôi theo một cách đầy sáng tạo và rất đơn giản. Bà bảo hồi tôi còn nhỏ không có gì mà tôi không làm được. Tôi đã cỡi ngựa khi mới lên 2 tuổi mặc dầu tôi chỉ có một tay để nắm dây cương. Tôi đi Pháp một mình khi lên 9 tuổi, và đi Mỹ một mình khi tôi 11 tuổi.

Tôi nhớ, có lần bác sĩ bảo tôi phải đeo tay giả, nếu không tôi sẽ không có bạn. Tôi chỉ cười. Tôi thường tháo tay giả khi đến trường và bạn bè thường hay cười rộ lên mỗi lần thấy tôi làm như vậy vì không có ai ngoài tôi làm như vậy cả. Tôi xem như chẳng có vấn đề gì. Trẻ em bước vào đời hoàn toàn tươi mới, không cần phải mang những buồn rầu lo lắng của cha mẹ. Những gì mẹ tôi làm là giấu đi những lo lắng và chấp nhận tôi vào đúng mức của tôi. Tôi nghĩ rằng tuổi thơ là thời gian để học bài học chấp nhận và khoan dung với tất cả mọi người.

Theo tôi, tuổi thơ là cần phải học những gì rất là căn bản, là học cách để kết bạn và biết làm sao hợp tác với chúng bạn trong một nhóm. Đó là học những trò chơi tưởng tượng, là kể chuyện cho nhau nghe và cùng chúng bạn lò mò xuống bếp trộm thức ăn của mẹ lúc nửa đêm. Những trò chơi như vậy giúp trẻ vững vàng trong kinh nghiệm đầy nhân ái và sau này chúng sẽ trao lại cho những thế hệ sắp đến. Kinh nghiệm tập thể là rất quan trọng cho trẻ, có thể qua các hoạt động như đọc sách, xem tivi hay những hoạt động khác.

Gia đình chúng tôi không có tivi khi tôi lớn lên, và điều này làm tôi rất bực mình. Tôi rất buồn khi các bạn tôi nói đến những chương trình mà tôi không xem được. Thật là buồn cười vì nay tôi lại làm cho một hãng truyền hình chuyên cho trẻ em. Nhưng như vậy nghĩa là anh em chúng tôi khi nào cũng bận rộn với những hoạt động khác và chúng tôi chẳng bao giờ ngồi không ủ rũ vì không có tivi.

Lemn Sissay, nhà thơ

Tôi nghĩ rằng thiên nhiên là quà tặng mà bất cứ cha mẹ nào cũng phải cố gắng đem đến cho con. Nếu bạn tạo lập một quan hệ với thiên nhiên từ nhỏ thì điều này thật tuyệt vời, nhưng tôi không có ý nói bạn phải dọn ra sống ngoài đồng nội đâu; bạn có thể ở đô thị mà vẫn tạo nên quan hệ với thiên nhiên. Để cho một đứa trẻ thoải mái trong không gian rộng thoáng giúp nó tự hiểu được cảm xúc của nó.

Khi tôi còn ở trong viện trẻ em, tôi thường đi bộ trên những cánh đồng, khi đó đầu óc tôi liên kết với cái gì đó lớn lao hơn là những nơi đã nuôi dưỡng tôi. Gia đình cũng vậy thôi, không khác gì những viện trẻ em mà tôi đã lớn lên. Tôi nghĩ rằng mỗi gia đình cần có một niềm tin. Đứa trẻ thấy cha mẹ tin vào điều gì là đứa trẻ đó có một ý niệm nó là ai. Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của sự trưởng thành là khi một người khởi sự chọn niềm tin riêng cho mình.

Tôi được lớn lên trong một gia đình bố mẹ nuôi tôi không bình thường, theo đạo Thiên Chúa rất nghiêm, nhưng cha mẹ tôi luôn luôn khuyến khích tôi đặt câu hỏi. Chúng ta cần phải làm thế nào để trẻ em nghĩ rằng gia đình là nơi mà ý tưởng của nó được phát triển. Chúng ta không thể ban cho trẻ một tiếng nói, vì tiếng nói của nó đã có sẵn rồi. Cái khéo léo của bậc cha mẹ là lắng nghe tiếng nói đó, và cung cấp không gian và cơ hội để nó phát triển.

Chúng ta thường bảo trẻ em rằng thế giới quanh nó là thế giới thuộc về chúng, vậy mà chúng ta không ngớt nhắc nhở chúng về những hiểm họa của thế giới chung quanh. Nếu trẻ em không được dạy về tính phong phú đa dạng của thế giới thì chúng dễ rơi vào thói phân biệt chủng tộc. Vì vậy, tuổi thơ hạnh phúc là một tuổi thơ được dạy có nhiều ngôn ngữ mà chúng không thể hiểu được và có nhiều chủng tộc khác với chủng tộc của chúng.

Tóm lại, gia đình là một tuyển tập của những câu chuyện, và tuổi thơ là lời mở đầu của tuyển tập đó. Càng lớn đứa trẻ càng hiểu thêm ý nghĩa của lời mở đầu này. Những gì xảy ra trong tuổi thơ sẽ được thể hiện trong tuổi trưởng thành.

Jacqueline Wilson, nhà văn

Hiện tại tôi mới nhận một mớ thư điện tử từ những cô bé độc giả của tôi. Đó là các em thường bị chúng bạn trêu chọc, hay sầu muộn vì không có bạn. Làm cha mẹ ai cũng muốn con được hạnh phúc nhưng chắc chắn không ai có thể chế tạo một tuổi thơ hoàn toàn hạnh phúc, an toàn, bao bọc con cái bằng những bạn bè tốt bụng, bố mẹ thì luôn luôn vui tươi, săn sóc và không ai ngoại tình hay ly dị ai. Bởi vậy nên cần phải tập cho trẻ biết kiên trì, không dễ phiền muộn mỗi khi có ai làm phật lòng mình. Trẻ cũng cần biết sự khác nhau giữa sự trêu chọc vô hại của chúng bạn và những hành vi thâm độc cần phải được chấm dứt ngay.

Tôi nghĩ rằng, khi một đứa trẻ có người thương nó, vồn vã săn sóc nó và âu lo cho nó thì có thể nói đứa trẻ đó có một tuổi thơ tốt đẹp dầu ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi không nghĩ là tiền bạc đóng một vai trò quan trọng trong hạnh phúc tuổi thơ hay trẻ con cần phải sống với cha mẹ như dư luận bao lâu nay vẫn nghĩ như vậy. Nếu nó được chăm sóc và yêu thương thì dầu cho nó chỉ ở với cha hay với mẹ, hay với ông bà, nó vẫn có một tuổi thơ hạnh phúc như thường.

Tôi nghĩ rằng, muốn tỏ lòng ưu ái nhất đối với trẻ em là đọc sách cùng với nó, ôm ẵm nó nếu nó còn bé hay kể chuyện cho nó nghe nếu nó lớn hơn. Cần để trẻ chơi cùng với người khác hơn là chơi một mình. Vì vậy ăn cơm hay xem tivi với gia đình thì tốt hơn chơi trò điện tử một mình trong phòng ngủ.

Tôi cũng nghĩ rằng, tuổi thơ là thời gian mà trẻ cần phải được tham khảo ý kiến. Không phải là để cho trẻ con ra lệnh cho người lớn, mà người lớn thỉnh thoảng nên ngồi xuống bàn luận với trẻ con về những gì mà trẻ con muốn chia sẻ. Nhưng cũng đừng quên rằng kỷ luật là quan trọng. Trẻ em cần biết rằng người lớn có thể khoan dung trong một vài trường hợp nào đó, nhưng cũng có những trường hợp người lớn cần phải nghiêm khắc và dứt khoát.

Laura Dockrill, nhà thơ trình diễn

Tôi có một tuổi thơ thật đẹp, và tuổi thơ đó đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống trưởng thành và công việc của tôi. Cha mẹ tôi không sống theo một lối sống chính thống. Họ có nhiều bạn bè và vì tôi là con đầu lòng cho nên cha mẹ tôi thường đem tôi theo mỗi khi họ vui chơi với bạn bè tại các quán rượu hàng xóm và tôi thường hay trò chuyện với người lớn. Tôi biết tôi thích quan sát, viết lách và tạo ra những mẫu nhân vật vì tôi bị lôi cuốn bởi các bạn bè của cha mẹ tôi.

Theo tôi, yếu tố chính của tuổi thơ là vui chơi. Cha mẹ tôi rất tự nhiên. Có ngày cha tôi đến giường ngủ của chúng tôi, bế chúng tôi lên và thả chúng tôi vào bồn tắm để nguyên cả bộ áo quần ngủ, rồi đem thức ăn sáng cho chúng tôi trên một cái khay đặt trên nước tắm. Vào ngày sinh nhật lần thứ bảy của tôi, cha tôi mua các hộp xịt bọt cạo râu và xịt lên tất cả mọi người trong nhà. Các bà mẹ khác có thể sẽ không đồng ý với trò chơi này nhưng tôi còn nhớ đó là một lễ sinh nhật vui nhất của tôi.

Cha mẹ tôi, cả hai đều hành nghề tự do, cho nên không có nhiều tiền. Bàn ăn của chúng tôi là cái bàn dùng ngoài vườn mà hàng xóm đã bỏ đi, và áo quần của chúng tôi là từ cửa hàng từ thiện. Tôi biết tôi khác các bạn, nhưng tôi không cảm thấy mình thua thiệt. Tôi tìm niềm vui nơi những trò chơi đơn giản nhất, như nhảy ra từ tủ quần áo với anh em tôi, hay cùng chia nhau chiếc bánh pudding.

Sự tưởng tượng là quan trọng không kém. Mẹ tôi nhặt đá cuội nơi bãi biển, đem về nhà và phịa ra rằng, đó là trứng rồng. Chúng tôi đặt “trứng” vào đĩa, để trên tivi, và luôn để ý để xem trứng nở như thế nào.

Tôi cũng thầm cám ơn rằng chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi phải như thế này hay thế nọ. Tôi thấy tội nghiệp cho lớp trẻ bây giờ phải lớn lên dưới sự dòm ngó của các mạng xã hội. Khi tôi lớn lên, người chăm sóc tôi là một người thích nghe nhạc, không bao giờ son phấn, nhưng theo tôi, bà ta đúng là một người đàn bà. Có một người như vậy để tôi gần gũi là một điều rất quý. Tôi chẳng bao giờ lo tóc tôi có theo mốt không, cũng chẳng buồn để ý đến con trai. Tôi sống vô tư. Khi tôi 15 tuổi, tôi mới tự hỏi: “Sao không có ai bảo tôi đi gội đầu?”. Nhưng nhìn lại tôi thấy tôi đã nhận được một đặc ân rất lớn, tôi xem những năm đó là những năm tôi đã kéo dài tuổi thơ của tôi thêm một thời gian nữa.

o0o

Những tỏ bày về tuổi thơ của các nhà văn, nhà thơ và hoạt động nghệ thuật trên đây đáng được các bậc cha mẹ tham khảo, cho dẫu có một số chi tiết chưa chắc mọi người đồng ý. Thật ra, không chỉ 5 nhân vật nói trên có tuổi thơ lý tưởng mà quanh ta cũng có những người sống hạnh phúc hôm nay nhờ may mắn có thời thơ ấu được thương yêu, được chăm sóc, được phát triển theo thiên tư, trong gia đình chan hòa tình thương, rộn tiếng cười và hài hước.

Những người như thế có thể được sinh ra trong hoàn cảnh rất khó khăn. Chính trong thách thức này, trẻ em được học tập người lớn đức tính vượt khó mà vẫn vui với đời, vẫn dành cho trẻ sự lo lắng chính đáng, hy sinh tất cả vì con.

Trong ý nghĩa này, tôi xin ghi thêm một người nữa, không phải là văn nhân thi sĩ, không phải nhà khoa học hay nhà hoạt động chính trị, xã hội, mà chỉ là một cô gái đậu tuyển sinh đại học năm 2015. Cô Lê Thị Thoảng, tuổi chưa đến đôi mươi, chưa xây dựng cuộc sống gia đình, chưa có sự nghiệp, thì làm sao thuyết phục mọi người về tuổi thơ lý tưởng như là lối mở của thành công trên trường đời sau này? Xin hãy nghe cô kể (1):

“Vậy là cha mất đã tròn 49 ngày, ngày vui nhất đời con cũng là ngày đau đớn nhất của cả gia đình. Ngày cha ra đi, đất trời sụp đổ dưới chân mẹ và hai chị em con, quá đột ngột, ngỡ ngàng.

Cha à! Con may mắn và tự hào khi có một người cha như cha. Dù gia đình nghèo khó nhưng cha không bắt hai chị em con phải nghỉ học, mẹ cũng muốn đi làm để phụ giúp chi tiêu trong nhà nhưng cha nói câu mà con nhớ như in: ‘Thôi, bà ở nhà lo cho tụi nhỏ, mình tui làm cũng đủ ăn rồi’, lúc đó con học lớp 6, em học lớp 1. Rồi con lên lớp 9, mấy đứa bạn nghỉ học đi làm, có tiền mua quần áo mới, mua kẹp tóc đẹp. Tụi nó khoe, con ham lắm nên cũng muốn xin cha nghỉ học để đi làm. Cha đánh con một trận; con giận cha, không thèm nhìn mặt cha, đến bữa ăn con tự mang chén cơm ra sau nhà ngồi ăn để không đụng mặt với cha. Tết năm đó, con được mẹ dẫn đi mua cho hai chị em hai bộ đồ mới, có kẹp tóc mới nữa, mẹ nói là cha kêu mua.

Con chọn ngành kỹ thuật xây dựng công trình, cha cười nói con gái mà học xây dựng cái gì. Cha ạ, trong thâm tâm con luôn mong muốn sẽ tự tay thiết kế xây cho cha mẹ căn nhà thay cho mái nhà lá xập xệ nhiều năm nay.

Cha đi bốc vác thuê theo mùa vụ nên thời gian khác cha đi phụ hồ, con thường đem cơm cho cha, thấy cha nói chuyện với mấy chú về cách lót gạch, xây tường sao cho đẹp thì con biết cha đang ham một cái nhà tường cho nhà mình lắm...

Sáng sớm con nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, cha vui mừng nên rủ mấy chú cùng tổ bốc vác thuê lại nhà ăn bữa cơm. Đang ăn vui vẻ thì cha ngã quỵ, mọi người tức tốc đưa cha đến bệnh viện, bác sĩ nói cha bị xuất huyết não không qua khỏi.

Mấy mẹ con đã khóc hết nước mắt, trụ cột trong nhà đã gãy, tụi con chới với, giấy báo trúng tuyển con để trang trọng lên bàn thờ của cha. Nhiều người kêu con là con gái lớn nên nghỉ học để phụ giúp mẹ. Nhưng mẹ không đồng ý, mẹ nói lúc còn sống cha không bao giờ bắt tụi con nghỉ học nên phải học cho tới nơi tới chốn để không phụ lòng cha.

Ngày đóng tiền nhập học, mẹ đã gom góp tiền người ta đi phúng điếu cha đưa cho con. Cầm tiền trong tay lòng con nghẹn lại, không cảm xúc nào diễn tả nổi. Nhưng hứa với cha con sẽ học thật tốt, đứng thật vững để làm chỗ dựa cho mẹ và em.

Dù cha đã đi nhưng lời dạy của cha, kỳ vọng của cha con sẽ luôn ghi nhớ. Bốn năm rưỡi nữa con sẽ dành tặng cha tấm bằng đại học, nha cha!”.

Cô gái Lê Thị Thoảng không thể gánh lấy cái nghiệp của cha, nhưng cuộc đời người cha làm công vất vả để cho con ăn học đàng hoàng, kết thúc bằng cái chết, và của người mẹ tảo tần nuôi con, đã đem lại cho cô gái một tuổi thơ tuyệt vời.

 Cao Huy Hóa

____________________

(1) Nhập học bằng tiền phúng điếu của cha, Thùy Trang viết theo lời kể, báo Tuổi Trẻ 24-10-2015

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.