Tuổi thơ có Phật

Bé Tắm Phật - Ảnh minh họa
Bé Tắm Phật - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thuở nhỏ, mỗi dịp nghỉ hè, chị em tôi được ba mẹ cho về quê chơi với ông bà. Ban ngày được theo ông bà ra đồng xem gặt lúa, tối lại được theo bà ngoại đi chùa.

Con đường đến chùa phải đi qua hai cánh đồng lớn, bà đi trước rọi đèn pin, chị em tôi ở phía sau nắm lấy tay bà, rồi mấy bà cháu cùng nhau đi. Hồi ấy, tôi thích được nghe tiếng đại hồng chung, nhưng vì còn nhỏ nên tôi chẳng hề biết nó là cái gì, chỉ biết gọi theo ngôn ngữ con nít là cái chuông to to. Nhân duyên với Phật pháp của tôi cũng từ đó được ươm mầm. Xuyên suốt những năm tháng tuổi thơ, theo về chùa, tôi được bà dạy chắp tay trước Đức Phật, được bà chỉ cho cách tụng kinh... Tôi nhớ, có một lần khi đến chùa, ấn tượng trong tôi là hình ảnh của một chú tiểu đang ngồi đánh cái chuông to to, giọng ngân nga bài kệ:

Văn chung thinh, phiền não khinh

Trí huệ trưởng, bồ-đề sanh

Ly địa ngục xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật độ chúng sanh...

Khi ấy, tôi thầm nghĩ trong lòng rằng: Hay quá! Hình ảnh này đẹp biết bao! Ước gì mình cũng được như chú, được đi tu, được đánh cái chuông to to, được đọc bài kệ này... Suy nghĩ là vậy, nhưng khó lắm, đâu phải ai cũng được đi tu. Tôi vẫn ấp ủ rằng sau này đủ nhân duyên, nhất định mình phải xin ba mẹ cho đi tu...

Năm tôi lên lớp sáu, ba mẹ cho tham dự khóa tu mùa hè, tôi cảm thấy hào hứng lắm, mong ngóng từng ngày để được đi. Rồi ngày đó cũng đến, tôi chuẩn bị sẵn sàng các đồ vật dụng tư trang và lên đường với niềm hào hứng lần đầu tiên được đi xa, được gặp nhiều bạn mới... Ba ngày khóa tu trôi qua thật nhanh. Ngày bế mạc, tôi đã khóc rất nhiều, quyến luyến chỉ muốn được ở lại chùa, tu học với mọi người...

Lên lớp bảy, tôi gia nhập Gia đình Phật tử. Tôi được học rất nhiều điều hay từ nơi đây, được khoác lên mình chiếc áo đoàn phục màu lam, làm lễ cài huy hiệu hoa sen, cất lên những bài hát thiêng liêng của Gia đình Phật tử... Từ đó trở đi, ngoài thời gian học trên trường, hàng tuần vào thứ Bảy, tôi được ba mẹ cho phép đến chùa để sinh hoạt, học giáo lý và nghe những lời chỉ bảo của các anh chị huynh trưởng. Chẳng biết từ khi nào, tôi xem nơi đó là ngôi nhà thứ hai trong đời sống tinh thần của mình. Mỗi lần học tập căng thẳng, chỉ cần về chùa, được bên các anh chị trong gia đình áo lam là bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến...

Ngày ấy, được thấy quý sư đắp lên mình chiếc huỳnh y, tay ôm bình bát, đầu trần, chân đất, từng bước đi khất thực hóa duyên sau ba tháng an cư mùa hạ, lòng tôi rộn ràng, mong muốn được đi tu hồi còn nhỏ lại trỗi dậy trong tôi. Trước kỳ thi trung học phổ thông, tôi quyết định thưa chuyện với ba mẹ để xin đi tu. Tôi nhớ, chiều đó đang ngồi lặt rau cùng mẹ, mẹ tôi hỏi: “Con định sẽ thi vào trường nào và ngành gì?”. Khi nghe mẹ hỏi, tôi lưỡng lự một lúc lâu, mới dám trả lời rằng: “Con vẫn đăng ký thi ngành con chọn, nhưng con sẽ không đi học đâu mẹ ạ, con có con đường khác mà con chọn rồi”.

Nghe xong, mẹ hỏi tôi: “Con đã chắc chắn với quyết định của mình hay chưa? Con đường này khó đi lắm, không dễ đi đâu con à”...

Con chắc chắn rồi mẹ ạ...

Sáng hôm sau, thắp nhang ở bàn Phật xong, ba gọi tôi xuống để nói chuyện. Kể từ ngày bà nội mất, đây là lần thứ hai tôi thấy ba khóc... mà hôm nay ba lại khóc vì tôi. Ba chỉ nói rằng: “Con đã quyết định chắc chắn hay chưa? Con lớn rồi nên ba cho con quyền được quyết định, nhưng con phải lựa chọn cho kỹ, suy nghĩ cho kỹ, vì rất khó đó con à, bây giờ tập trung thi xong rồi dành lại thời gian suy nghĩ, ba mẹ sẽ tôn trọng quyết định của con”.

Rồi ngày thi trung học phổ thông cũng kết thúc, tôi đã lựa chọn cho mình con đường xuất gia. Bốn ngày sau kỳ thi, ba dắt tôi đi tu. Sau một chặng đường dài, cuối cùng tôi đã đến được nơi mà mình chọn. Ba dắt tôi vào chùa, thưa với sư phụ xin được gửi gắm tôi.

Sau một thời gian ở chùa, tôi được làm lễ thế phát xuất gia. Ngày thế phát, có ông bà và ba mẹ đến dự lễ với niềm xúc động, hoan hỷ cúng dường đứa con gái nhỏ cho Tam bảo. Năm giờ sáng, tôi được dẫn lên chánh điện, dưới sự chứng minh của sư phụ và quý sư cô. Sư phụ dạy tôi lạy ông bà vì ông bà đã giúp tôi ngay từ bé được biết đến Phật pháp, cha mẹ là hai đấng sinh thành đã có công nuôi dưỡng, dạy bảo nên hôm nay tôi mới có đủ nhân duyên lành để xuất gia. Giây phút sư phụ cạo những sợi tóc đầu tiên, tôi đã rất xúc động. Hạt giống Bồ-đề nuôi dưỡng và ấp ủ ngày nào nay đã nảy nở.

Đã ba năm, kể từ lúc tôi vào chùa. Tuy chưa lâu nhưng đối với tôi đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Quãng thời gian ở chùa, tôi được sư phụ và quý sư cô dạy những oai nghi tế hạnh của một người xuất gia, bỏ những tập khí không tốt, không hay ở ngoài đời:

“Một chiếc máy bay, muốn cất cánh lên cao thì phải chạy lấy đà, hành trình để chạy lấy đà phải có đủ nhiên liệu, người lái phải có sức khỏe tốt, chịu đựng được độ cao, có chuyên môn và kỹ thuật tốt thì mới có thể lái được máy bay. Các con cũng vậy, cũng như chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh. Để trở thành một người xuất gia có đủ các oai nghi tế hạnh thì các con phải chịu sự rèn luyện, cũng như từ một khúc cây mà muốn trở thành một bức tượng Phật đẹp để chúng sanh tôn sùng, lễ bái thì phải có sự đục đẽo, mài giũa của những nghệ nhân điêu khắc tinh luyện. Nếu các con muốn trở thành những người hoàn thiện, đức hạnh thanh cao thì ngay bây giờ các con phải nhẫn chịu sự mài giũa, phong ba bão tố, phải có ý chí và niềm tin mới thành công được. Đó là hành trang để các con vững bước trên con đường tìm cầu giải thoát của mình”.

Những chồi non muốn trưởng thành thì phải tự mình vươn ra ánh sáng và chồi non ấy cần được sự chăm sóc, bón phân, tưới nước. Cũng vậy, tôi biết mình phải tự thắp đuốc lên mà đi trên con đường mà mình đã chọn, dù phía trước có khó khăn hay chông gai thế nào đi nữa. Giờ đây, sau bao nhiêu tháng ngày nuôi dưỡng ước mong, tôi đã được đắp lên mình chiếc y vàng, tay ôm bình bát với những bước chân an lạc, thảnh thơi để hóa duyên muôn phương…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.