Tưng bừng lễ hội Tây Thiên

GN - Tây Thiên là quần thể di tích lịch sử - văn hóa độc đáo giữa núi rừng hùng vĩ, nơi đây mang đậm dấu ấn Phật giáo song hành cùng với di tích thờ Quốc mẫu, thu hút khách du lịch hành hương lên đến 1,3 triệu người mỗi năm.

Ngày 31-3 (tức 15-2-Mậu Tuất) tại Khu danh thắng Tây Thiên, lễ khai hội Tây Thiên 2018 đã diễn ra với sự tham dự của hàng vạn người dân địa phương và du khách.

Thien vien truc lam tay thien5X.jpg

Một góc thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Lễ hội khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Lễ hội Tây Thiên diễn ra trong 3 ngày, từ 15 đến 17 tháng Hai âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực miền Bắc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về chiêm bái, cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng, nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui… Năm nay, lễ khai hội diễn ra sáng 31-3-2018 (tức 15 tháng Hai âm lịch), du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều nghi thức, trong đó đặc sắc nhất là hành trình rước 3 kiệu từ các di tích đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hòa và đền Ngò về đền Thõng. Tiếp sau đó là những nghi thức dâng hương tại đền Thõng và đền Thượng.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Tây Thiên năm 2018 đọc diễn văn khai mạc lễ hội, cho biết: Khu danh thắng Tây Thiên có diện tích rộng lớn tọa lạc trên sườn ngọn núi Thạch Bàn, nằm trong hệ thống Vườn quốc gia Tam Đảo, có hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đẹp. Theo truyền thuyết, từ buổi bình minh của lịch sử, tại núi Tam Đảo đã xuất hiện một nhân vật mà công tích, hành trạng của vị ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm thức của nhân dân qua hệ thống các di tích thờ bà tại xã Đại Đình và các vùng xung quanh. Đó chính là Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu - Chính Vương Phi của Hùng Chiêu Vương thứ VII. Bà có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Xong việc nước, bà lại trở về quê hương tại thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo ngày nay, rồi “hóa” tại đây.

Tưởng nhớ công ơn Quốc mẫu Tây Thiên, người dân trong vùng lập đền thờ trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bao đời nay, các triều đại phong kiến từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Người là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế. Lễ hội Tây Thiên đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của nhân dân địa phương nhằm khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống và lòng tự hào dân tộc, tạo điều kiện cho du khách mọi miền tới thưởng ngoạn cảnh đẹp, chiêm bái những đền chùa linh thiêng.

Cùng với những nghi thức truyền thống, lễ hội Tây Thiên xuân Mậu Tuất 2018 còn có nhiều hoạt động nổi bật như: lễ hội hoa đăng tại Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, giao lưu hát sọong cô, thi gói bánh chưng gù cùng các hoạt động văn hóa, thể thao.


Điểm nhấn Phật giáo ở Tây Thiên

Tây Thiên là vùng quần thể di tích danh thắng linh thiêng, thể hiện sự hòa hợp tín ngưỡng giữa đạo Phật và đạo Mẫu của người Việt từ xa xưa, tạo nên không khí thanh tịnh và linh thiêng. Nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo ở độ cao từ 54 đến 1.100m so với mực nước biển, khu danh thắng Tây Thiên có phạm vi phân bố dài 11km, rộng 1km. Phân bố dọc đường hành hương từ chân núi lên đỉnh núi có nhiều công trình kiến trúc cổ: đền Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, các ngôi chùa cổ như chùa Chân Tiên, chùa Thiên Ân, chùa Phù Nghì, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, đền Thượng Tây Thiên, đền Thõng, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân, cầu Đái Tuyết…

Trong Kiến văn tiểu lục được viết từ thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã có những ghi nhận về Tây Thiên khá ấn tượng: “… bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên cổ tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa”.

Taythienlehoi.jpg

Dòng người trẩy hội hội Tây Thiên

Hiện tại, trong quần thể di tích danh thắng Tây Thiên đang lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị cao về văn hóa, lịch sử như chuông khánh hơn 1.000 năm tuổi, một số tượng đồng mà lai lịch, niên đại vẫn đang được các nhà khảo cổ học tìm hiểu, nghiên cứu. Đáng kể nhất là bia đá “La Thành Bất Loan”, “Bát vị Kim Cương” từ đời Lê sơ (1428-1527), bia đá chữ: “Bát Nhã tuyền” do quan Tứ Khấu Triều Lê Khắc Phục khắc trên đá 170 từ (năm 1733); “Tam Đảo Sơn, Tây Thiên Thiền Tự” ghi chép về việc đúc pho tượng đồng và trùng tu chùa Thượng (năm 1704); “Tam Đảo Sơn, Tây Thiên Tự bi ký” ghi chép về việc trùng tu ngôi chùa “Tây Thiên cổ tự” (năm 1933)... Khu di tích danh lam thắng cảnh này đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1991 và đến năm 2016 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhiều học giả nhận định rằng, Tây Thiên còn là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Tương truyền từ thế kỷ III, nhà tu hành Khương Tăng Hội trong chuyến viễn du sang phía Đông, gặp cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn Tây Thiên làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Theo Ngọc phả Hùng Vương, hiện còn lưu giữ tại Tam Đảo, vua Hùng thứ 6 tên là Hùng Chiêu Vương lên dạo chơi Tam Đảo đã thấy chùa. Ngài bèn lên chùa Thiên Ân trên đỉnh núi Tam Đảo để cầu tự, khi trở về đã gặp bà Lăng Thị Tiêu và rước về làm vợ; bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước Văn Lang. Hiện tại Khu danh thắng Tây Thiên có 7 ngôi chùa kim cổ, đều là những thắng cảnh đặc sắc.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - nơi được xác định là cái nôi của đạo Phật ở Việt Nam, đã được phục dựng lại trên nền chùa cổ Thiên Ân thiền tự vào năm 2004-2005. Đây là cụm công trình kiến trúc quy mô, với Đại hùng bửu điện nằm chính giữa thiền viện có chiều cao 17m, diện tích 675m2, sức chứa đủ cho 600 người ngồi thiền hoặc nghe giảng Phật pháp. Bên trái tòa chính điện là lầu chuông, bên phải là lầu trống vươn ra mây trời. Phía sau chính điện là nhà Tổ thờ tượng Trúc Lâm tam tổ. Các bức tượng Phật ở chính điện và nhà Tổ đều được làm từ đá sa thạch (loại đá người Chăm và người Ai Cập thường dùng để tạc tượng) có độ bền lâu dài. Cùng với đó là khu nhà Tăng, nhà khách ngót 100 phòng.

Trong số cổ đại danh lam nơi linh địa này, chùa Tây Thiên Phù Nghì lại được coi là ngôi chùa lớn nhất thời xa xưa, tọa lạc ở gần đỉnh núi Thạch Bàn là công trình Phật giáo linh thiêng. Dựa vào các kết quả khảo sát, các nhà khoa học đã phỏng đoán Tây Thiên có thể là một trong những trung tâm Phật giáo thời Trần, với chùa Phù Nghì là một di tích tôn giáo có quy mô khá lớn, được phân thành 5 cấp nền rõ rệt trên diện tích gần 5.000m². Được kiến lập nơi đỉnh núi linh khí vần vũ suốt ngày đêm, hai bên long chầu hổ phục, tiền án hậu chẩm vẹn toàn, đây chính là nơi thánh địa đã được các bậc tổ xưa chọn để xây dựng ngôi cổ tự tràn đầy linh khí che chở trấn an cho cả miền đất nước. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vô thường của thời gian, đến cuối thế kỷ XX, ngôi chùa cổ này đã hoàn toàn đổ nát chỉ còn phế tích năm cấp nền khá bằng phẳng. Vài năm trở lại đây, ngôi chùa Phù Nghì được kiến lập phục dựng quy mô, và vẫn đang tiếp tục được xây dựng mở mang, có tên gọi Tây Thiên Thăng Long. Chùa Phù Nghì - Tây Thiên Thăng Long được thiết kế xây dựng theo thế kiến lập Mạn-đà-la theo phong cách Phật giáo Kim Cương thừa phổ biến tại các quốc gia vùng Himalaya như Ấn Độ, Nepal, Bhutan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.