TƯGH hướng dẫn thi hành Nội quy Ban Tăng sự T.Ư

TƯGH hướng dẫn thi hành Nội quy Ban Tăng sự T.Ư

GNO - HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư đã ấn ký thông tư số 005/2016/TT.HĐTS về hướng dẫn thi hành một số điều Nội quy Ban Tăng sự Trung ương vào ngày 15-1-2016 gởi đến Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành phố.

Theo đó, căn cứ điều 25, 26 chương V Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; Căn cứ điều 57 - 61 chương X Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; Căn cứ Nghị quyết 003/NQ. BTSTW ngày 27/6/2015 của Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2015; Căn cứ đề nghị của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành tại các Hội nghị giao ban.

Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) của Tăng Ni trong tu học, hành đạo, sinh hoạt theo đúng Chánh pháp, truyền thống Phật giáo Việt Nam, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN hướng dẫn thi hành một số điều Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

MỤC 1

QUY ĐỊNH CHUNG

A. Những vấn đề liên quan đến Tự viện, Tăng Ni đều phải áp dụng đầy đủ các quy định của Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật.

B. Các văn bản của Trung ương Giáo hội ban hành có liên quan đến Tự viện, Tăng Ni vẫn còn giá trị pháp lý căn bản, đã được điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa để thuận lợi trong công tác triển khai, thực hiện Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

MỤC 2

QUY ĐỊNH CHI TIẾT

A. TỰ VIỆN:

I. Xây dựng mới tự viện:

1. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ban Trị sự GHPGVN tỉnh) chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục đăng ký xây dựng mới Tự viện với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban Nhân dân tỉnh) theo quy định của điều 19, 20 chương V Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật.

2. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có kế hoạch chi tiết xây dựng mới tự viện cho từng năm, trao đổi thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở tỉnh (gọi chung là Ban Tôn giáo tỉnh) về tiêu chí, điều kiện để xây dựng mới tự viện.

3. Cá nhân Tăng Ni có nhu cầu xây dựng mới tự viện đều phải thực hiện đầy đủ các quy định của điều 19, 20 chương V Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật và các quy định của thông tư này.

4. Trường hợp cá nhân Tăng Ni không thực hiện đầy đủ các điều kiện đã quy định nêu trên, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có đủ thẩm quyền để giải quyết dứt điểm những trường hợp tự phát xây dựng mới tự viện tại địa phương.

II. Phục hồi tự viện:

1. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức khảo sát, thống kê tự viện bị hư hoại do chiến tranh, hoặc hoàn cảnh khác, trao đổi thống nhất phương án phục hồi với Ban Tôn giáo tỉnh.

2. Tiêu chí phục hồi:

a. Còn bằng khoán đất do Nhà nước trước năm 1975 cấp hoặc giấy tờ liên quan để làm cơ sở tham khảo;

b. Còn dấu tích của tự viện;

c. Còn nhân chứng xác định vị trí tự viện.

3. Hồ sơ gồm:

a. Lập kế hoạch phục hồi;

b. Văn bản kiến nghị của Hệ phái, các đệ tử có thời gian xuất gia tại tự viện đó hoặc của đồng bào Phật tử địa phương;

c. Văn bản đề nghị của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

III. Tự viện do gia tộc quản lý:

1. Do hoàn cảnh lịch sử để lại, trong hệ thống tự viện GHPGVN có một số tự viện do gia tộc quản lý, không đăng ký hoạt động tôn giáo với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh. Trường hợp này được giải quyết:

a. Lần thứ nhất, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiến hành vận động gia tộc đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của GHPGVN theo hướng tôn trọng công đức xây dựng tự viện của gia tộc;

b. Lần thứ hai, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động;

c. Lần thứ ba, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động;

2. Biện pháp giải quyết:

a. Sau ba lần tuyên truyền, vận động, gia tộc kiên quyết không đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trao đổi thống nhất với Ban Tôn giáo tỉnh để giải quyết:

- Xóa tên tự viện, chuyển đổi nơi này thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng bằng những tiêu chí cụ thể;

- Khi đã xóa tên tự viện, chuyển thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng vẫn được quyền tự do tín ngưỡng, nhưng không được tập hợp tín đồ đến nhà thờ gia tộc, nhà riêng để hoạt động tôn giáo.

b. Để đảm bảo tên một tự viện đã tồn tại nhiều năm tại địa phương khi được chuyển thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trao đổi thống nhất với Ban Tôn giáo tỉnh, Ủy ban Nhân dân xã, phường,thị trấn (gọi chung là chính quyền địa phương) xây dựng lại tự viện này tại địa điểm mới để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Phật tử địa phương.

c. Đối với những tự viện có hộ gia đình sinh hoạt chung trong khuôn viên tự viện, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN huyện, chính quyền địa phương thu xếp đưa hộ gia đình này ra bên ngoài khuôn viên tự viện, hoặc phương án quy hoạch khác để tạo sự tách biệt trong sinh hoạt, ổn định của tự viện trên cơ sở hài hòa lợi ích.

IV. Danh xưng Tự viện:

1. Danh xưng chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, Niệm Phật đường theo điều 57 chương X Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V đều có địa vị pháp lý như nhau trong các hoạt động Phật sự, sinh hoạt.

2. Vấn đề chuyển đổi tên gọi từ chùa sang tên gọi tổ đình được quy định:

a. Chùa do Tổ sư là danh Tăng của Phật giáo Việt Nam, Hệ phái sáng lập;

b. Chùa có nhiều cơ sở chi nhánh trực thuộc, ít nhất từ 05 (năm) chi nhánh trực thuộc trở lên;

c. Chùa được công nhận là cổ tự, danh lam, di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh và có bề dày lịch sử từ 100 năm trở lên.

3. Chuyển đổi tên gọi từ tịnh thất sang tên gọi chùa, tịnh xá:

a. Vấn đề chuyển đổi tên gọi này thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, nhưng cần lưu ý những yếu tố pháp lý có liên quan đến Tự viện như quyền sử dụng đất và các giao dịch khác có liên quan đến tên gọi Tự viện hiện hữu.

b. Tiêu chí chuyển đổi tên tịnh thất sang tên gọi chùa/tịnh xá:

- Tự viện có thời gian hình thành từ 10 năm trở lên;

- Có diện tích đất hợp pháp ít nhất là 2.000m2;

- Có số lượng 500 Phật tử địa phương đã quy y tại tự viện.

V. Sở hữu tự viện:

1. Sở hữu tự viện:

a. Quyền sở hữu tự viện theo Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V:

- Tự viện là giáo sản của GHPGVN;

- Tự viện dưới sự quản lý của GHPGVN.

b. Quyền sở hữu tự viện theo pháp luật:

- Tự viện hình thành và phát triển có sự đóng góp của nhiều người hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng, nên tự viện thuộc sở hữu chung.

- Các cấp Giáo hội quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của tự viện theo truyền thống, tập quán của Phật giáo Việt Nam, tông môn, hệ phái để phục vụ lợi ích chung của Tự viện, nhưng không được vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

- Tài sản của tự viện là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

c. Các từ ngữ liên quan đến sở hữu được hiểu như sau:

- Tài sản:

+ Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản;

+ Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

- Bất động sản:

+ Đất đai;

+ Tự viện, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

+ Tài sản khác gắn liền với đất đai, tự viện, công trình xây dựng;

+ Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

- Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

- Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

+ Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể Giáo hội đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập công nhận Trụ trì.

+ Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể Giáo hội xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm công nhận Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có trụ trì).

2. Quản lý tài sản tự viện:

a. Tự viện là giáo sản, sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất để quản lý, định đoạt.

b. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật.

c. Quyền định đoạt tài sản tự viện do Giáo hội nắm giữ.

3. Sử dụng tài sản tự viện:

a. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) được quyền sử dụng tài sản gắn liền với tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của Tăng Ni; phục vụ lợi ích chung của của Giáo hội và cộng đồng.

b. Không được sử dụng tài sản tự viện vào việc lợi ích cá nhân.

3. Định đoạt tài sản Tự viện:

a. Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của tự viện.

b. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản tự viện.

c. Các tài sản tự viện do cá nhân trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh, những tài sản đó vẫn thuộc tài sản của tự viện.

d. Các tài sản khác do cá nhân trụ trì sản xuất, kinh doanh, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật, không bị chi phối bởi quy định của khoản 3 phần IV của thông tư này.

4. Quyền hưởng dụng tài sản Tự viện của Trụ trì:

a. Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký theo quy định của Giáo hội và pháp luật.

b. Khai thác tài sản tự viện phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.

c. Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của cá nhân.

d. Trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản tự viện theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản tự viện do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.

e. Hoàn trả tài sản tự viện cho chủ sở hữu là Giáo hội, khi bị Giáo hội truất quyền trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) và các quy định khác của pháp luật.

5. Quyền định đoạt tài sản Tự viện của Giáo hội:

a. Giáo hội định đoạt tài sản tự viện nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng của trụ trì đã được xác lập.

b. Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp hưởng dụng của Trụ trì.

c. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đề nghị Cơ quan pháp luật truất quyền hưởng dụng trong trường hợp Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có Trụ trì) là người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

d. Thực hiện việc chỉ đạo trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản tự viện để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản tự viện.

6. Di chúc:

a. Các tài sản do cá nhân sản xuất, kinh doanh, được người khác tặng, cho hợp pháp theo quy định của pháp luật, trụ trì được quyền lập di chúc theo pháp luật.

b. Các tài sản tự viện đã được xác lập là giáo sản, sở hữu chung, trụ trì không được quyền lập di chúc cho người thân của mình.

c. Theo tập quán kế thừa của Phật giáo Việt Nam, trụ trì hiện tại được quyền xác lập việc kế thừa cho đệ tử xuất gia. Việc xác lập này chỉ có giá trị để Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tham khảo, cân nhắc, xem xét, quyết định bổ nhiệm trụ trì Tự viện trong tương lai theo quy định của khoản 12 điều 32 chương VI Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V.

B. XUẤT GIA, THỌ GIỚI, CẦU THẦY Y CHỈ:

I. Xuất gia:

1. Tăng Ni trụ trì được quyền thu nhận đệ tử xuất gia theo Luật Phật quy định, điều 28 chương VI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

2. Thời gian tập sự là 02 năm (mục 4 khoản a điều 35 chương VI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương) được tính từ ngày Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho phép xuất gia, chính quyền địa phương chấp thuận đăng ký người nhập tu theo pháp luật.

3. Khi thu nhận đệ tử xuất gia, trụ trì tự viện phải có trách nhiệm giáo dục đối với đệ tử, có trách nhiệm về đời sống tu học của đệ tử.

4. Việc xuất gia cho nam nữ Phật tử:

a. Tăng chỉ xuất gia cho nam Phật tử. Nếu do nhân duyên, khi vị nữ Phật tử có nhân duyên chọn vị Tăng xuất gia, sau khi làm lễ xuất gia xong, phải gởi sang Tự viện Ni để được giáo dục, hướng dẫn tu học và thọ giới Sa-di-Ni, Thức-xoa, Tỳ-kheo-Ni;

b. Ni không được xuất gia cho nam Phật tử.

c. Quản lý hồ sơ:

- Hồ sơ Giới tử Tăng Ni được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh;

- Nếu Phân ban Ni giới cấp tỉnh hội đủ tiêu chuẩn về Văn phòng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, chuyển bản sao giấy xuất gia của Ni giới cho Phân ban Ni giới tỉnh quản lý và lưu trữ.

5. Việc từ bỏ một đệ tử xuất gia, trụ trì tự viện phải tiếp tục giáo dục nhiều lần. Nếu không giáo dục được thì y cứ Giới luật để giải quyết. Thông báo cho Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, cấp tỉnh và các Tự viện trong tỉnh biết.

II. Truyền giới, thọ giới:

1. Truyền giới:

a. Khai mạc, bế mạc Đại giới đàn được tổ chức chung cho Tăng/Ni giới tử;

b. Trụ trì được quyền giới thiệu đệ tử xuất gia thọ giới tại Đại giới đàn do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh (nơi Giới tử cư trú) tổ chức, thực hiện đầy đủ các quy định của điều 34, 35 chương VII Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

c. Nếu Trụ trì tự viện giới thiệu đệ tử xuất gia thọ giới tại địa phương khác, phải được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi Giới tử cư trú giới thiệu theo quy định của điều 36 chương VII Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

2. Truyền giới:

a. Thập sư Tăng, thập sư Ni riêng biệt;

b. Giới trường Tăng, giới trường Ni được kiết giới riêng.

3. Xét duyệt và quản lý hồ sơ:

a. Hồ sơ Giới tử Tăng Ni được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh;

b. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuyển bản sao hồ sơ Giới tử Ni cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương; quản lý hồ sơ Giới tử Ni khi Phân ban hội đủ tiêu chuẩn về Văn phòng;

c. Phân ban Ni giới cấp tỉnh có trách nhiệm kính trình ý kiến với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Tổ chức Đại giới đàn thẩm tường và quyết định.

d. Trường hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chưa thống nhất ý kiến, Phân ban Ni giới cấp tỉnh có trách nhiệm giải trình với Ban Trị sự những trường hợp cụ thể để tạo sự thống nhất, hoan hỷ và đoàn kết trong nội bộ.

III. Cầu thầy Y chỉ:

1. Tăng Ni khi hết nhân duyên tự viện này, được quyền đến tự viện khác để tu học, với các điều kiện:

a. Khi vị thầy tế độ (thầy Bổn sư) viên tịch, Tăng Ni được quyền chọn một vị tôn túc khác để làm thầy y chỉ.

b. Khi vị thầy tế độ (thầy Bổn sư) còn sinh tiền, Tăng Ni ở Tự viện này muốn sang tự viện khác xin Y chỉ với vị tôn túc khác phải hội đủ các điều kiện:

- Không vi phạm trọng giới, không vi phạm pháp luật;

- Phải được vị thầy tế độ (thầy Bổn sư) giới thiệu và thực hiện các nghi lễ cầu thầy Y chỉ theo Luật Phật;

2. Vấn đề Tăng Ni ở Tự viện này sang tự viện khác tu học, cầu thầy Y chỉ không hội đủ theo các quy định của Thông tư này sẽ được xử lý nghiêm theo Luật Phật.

C. TẤN PHONG GIÁO PHẨM:

1. Tấn phong Giáo phẩm thực hiện theo điều 53, 54, 55 chương IX Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; điều 46 chương IX Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

2. Thủ tục tấn phong theo quy định theo điều 56 chương IX Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; điều 47 chương IX Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

3. Trường hợp đặc cách tấn phong giáo phẩm:

a. Đối tượng đặc cách là Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban, Viện trưởng các Ban, Viện Trung ương; Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Tăng Ni trụ trì các Tự viện vùng biên giới hải đảo (có thời gian làm Trụ trì ít nhất là 02 năm) được đặc cách tấn phong Giáo phẩm tại Hội nghị thường niên, thiếu không quá 03 tuổi đời, 03 tuổi đạo.

b. Trường hợp đặc biệt sắp viên tịch, do yêu cầu tôn vinh công đức được tấn phong trước tuổi, được cấp Giáo chỉ, nhưng phải do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đề xuất;

c. Các trường hợp tấn phong không thuộc trường hợp đặc cách, thực hiện theo quy định theo điều 56 chương IX Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V; điều 47 chương IX Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

4.Xét duyệt và quản lý hồ sơ:

a. Hồ sơ tấn phong của Tăng Ni được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh;

b. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuyển bản sao hồ sơ tấn phong của Ni giới cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương; quản lý hồ sơ tấn phong của Ni giới khi Phân ban hội đủ tiêu chuẩn về Văn phòng;

c. Phân ban Ni giới cấp tỉnh có trách nhiệm kính trình ý kiến với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thẩm tường và quyết định.

d. Trường hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chưa thống nhất ý kiến, Phân ban Ni giới cấp tỉnh có trách nhiệm giải trình với Ban Trị sự những trường hợp cụ thể để tạo sự thống nhất, hoan hỷ và đoàn kết trong nội bộ.

D. Quản lý Tăng Ni:

I. Quyền và trách nhiệm của trụ trì:

1. Trụ trì được quyền thu nhận đệ tử xuất gia theo Luật Phật.

2. Đối với chúng điệu trong thời gian 02 (hai) năm tập sự tại tự viện, trụ trì phải giáo dục đào tạo căn bản về Giới luật, nhân cách, phẩm hạnh. Nếu chúng điệu am hiểu và thuộc các Giới luật căn bản, thời khóa tụng niệm, Trụ trì mới giới thiệu thọ giới Sa di/ Sa di Ni, giới thiệu theo học Trường Phật học. Thời gian tập sự được thực hiện theo khoản I phần B của Thông tư này.

3. Các đệ tử xuất gia đã thọ các giới, trụ trì tiếp tục giáo dục đào tạo hoàn thiện về Giới luật tùy theo giới phẩm; hoàn thiện nhân cách, phẩm hạnh, lối sống.

4. Khi các đệ tử xuất gia phạm lỗi, căn cứ Luật Phật, điều 65 – 67 chương XII Hiến chương GHPGVN,điều 51 – 53 chương XI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương để xử lý:

a. Lần thứ 1: Trụ trì giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm;

b. Lần thứ 2: Trụ trì tiếp tục giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm;

c. Lần thứ 3: Trụ trì căn cứ Luật Phật xử lý để đệ tử sửa đổi lỗi lầm.

Sau 03 lần giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm, người phạm lỗi không hối cải, Trụ trì báo cáo bằng văn bản cho Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện để xử lý.

5. Việc Trụ trì từ bỏ đệ tử phải hội đủ các điều kiện của Luật Phật và quy định của Giáo hội theo điều 51, 52 chương XI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

6. Nếu Trụ trì không thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh được quyền hạn chế việc thu nhận đệ tử xuất gia của Trụ trì.

II. Quyền và trách nhiệm của Tăng Ni:

1. Tăng Ni được quyền thọ các giới, theo học các Trường Phật học, tham dự các công tác Phật sự của các cấp Giáo hội tùy theo năng lực, trình độ.

2. Tăng Ni không được sinh hoạt, tu học, cư trú tại các cơ sở tín ngưỡng dân gian (đình, miếu ...) và các nơi không phải là tự viện hợp pháp, tư gia Phật tử.

3. Tăng Ni từ Tự viện này đến tự viện khác để tu học phải thực hiện theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự T.Ư, pháp luật và quy định của thông tư này.

4. Tăng Ni có nhu cầu xây dựng mới tự viện phải được sự đồng ý của vị thầy tế độ (Thầy Bổn sư/ Y chỉ sư) và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chấp thuận. Trình tự, thủ tục xây mới Tự viện theo quy định điều 20, 21, 22 chương V Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, khoản 1, 2 điều 34 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Các trường hợp Tăng Ni xây mới tự viện không đúng các quy định của Giáo hội, pháp luật và thông tư này đều là bất hợp pháp.

III. Tham gia hoạt động và các khóa đào tạo:

1. Tăng Ni được quyền tham gia các hoạt động tôn giáo, các khóa đào tạo do GHPGVN tổ chức, cũng như các tổ chức và cá nhân nước ngoài tổ chức.

2. Tăng Ni tham gia các hoạt động tôn giáo, các khóa đào tạo ở nước ngoài có trách nhiệm gởi hồ sơ đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

Hồ sơ gồm:

-Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ mục đích, chương trình, thời gian, địa điểm hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài mà cá nhân Tăng Ni được mời tham gia;

-Giấy mời tham gia hoạt động tôn giáo hoặc văn bản chấp thuận đào tạo của tổ chức tôn giáo ở nước ngoài;

-Văn bản chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

-Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Thường trực HĐTS sẽ thực hiện các thủ tục với Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương để giải quyết theo quy định của điều 38 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

3.Xét duyệt và quản lý hồ sơ:

a. Hồ sơ được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh;

b. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuyển bản sao hồ sơ của Ni giới cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương; quản lý hồ sơ khi Phân ban hội đủ tiêu chuẩn về Văn phòng;

c. Phân ban Ni giới cấp tỉnh có trách nhiệm kính trình ý kiến với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh để thẩm tường và quyết định.

d. Trường hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chưa thống nhất ý kiến, Phân ban Ni giới cấp tỉnh có trách nhiệm giải trình với Ban Trị sự những trường hợp cụ thể để tạo sự thống nhất, hoan hỷ và đoàn kết trong nội bộ.

4.Cá nhân Tăng Ni khi đi nước ngoài tham quan, du lịch, thăm người thân, điều trị bệnh, trước 15 ngày khi đi, cá nhân Tăng Ni có trách nhiệm gởi văn bản thông báo cho Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện biết.

5. Các trường hợp khác thi tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo ở nước ngoài thuộc trường hợp là Ban, Viện Trung ương, Phân ban, Phân viện trực thuộc Ban, Viện Trung ương thực hiện theo quy định của điều 38 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

E. HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO và THUYÊN CHUYỂN HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO:

I. Hoạt động tôn giáo diễn ra ngoài tự viện:

1. Đại lễ, lễ hội tôn giáo diễn ra ngoài Tự viện do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Ban Trị sự GHPGVN huyện) và Trụ trì Tự viện tổ chức phải thực hiện theo điều 31 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Cá nhân Tăng Ni hành đạo, giảng đạo, tập hợp đông người diễn ra bên ngoài Tự viện, có trách nhiệm gởi hồ sơ đến Ban Trị sự GHPGVN huyện, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND guyện) nơi dự kiến hành đạo, giảng đạo theo điều 32 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ lý do thuyết pháp, giảng đạo diễn ra ngoài Tự viện, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, người thực hiện tổ chức, dự kiến thành phần tham dự;

- Ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ban Hoằng pháp cấp tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN huyện nơi Tăng Ni thường trú tu học.

3. Thời gian giải quyết:

a. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

b. Cá nhân Tăng Ni gởi toàn bộ hồ sơ hợp lệ đến UBND huyện theo quy định của điều 23 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

II. Thuyên chuyển hoạt động tôn giáo:

1. Tăng Ni được quyền thuyên chuyển hoạt động tôn giáo từ địa phương nầy đến địa phương khác.

2. Thuyên chuyển trong cùng một tỉnh:

a. Tăng Ni gởi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện nơi thường trú;

b. Ban Trị sự GHPGVN huyện nơi đi có trách nhiệm gởi văn bản thông báo việc thuyên chuyển của Tăng Ni đến UBND huyện nơi đi. Thời gian gởi thông báo chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Tăng Ni.

c. Văn bản thông báo nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển.

3. Đăng ký thuyên chuyển:

Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của UBND huyện nơi đi, Ban Trị sự GHPGVN huyện nơi đến có trách nhiệm gởi văn bản đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, UBND huyện nơi đến.

Hồ sơ gồm:

- Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, Tự viện tu nơi chuyển đi, Tự viện nơi chuyển đến;

- Văn bản chấp thuận thuyên chuyển của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh;

- Sơ yếu lý lịch của Tăng Ni có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú;

- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, Ban Trị sự GHPGVN huyện nơi đến có trách nhiệm đăng ký hoạt động tôn giáo của Tăng Ni chuyển đến với Ủy ban Nhân dân huyện.

4. Thuyên chuyển khác tỉnh:

a. Tăng Ni gởi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi thường trú;

b. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi đi có trách nhiệm gởi văn bản thông báo việc thuyên chuyển của Tăng Ni đến Ban Tôn giáo tỉnh nơi đi, Trung ương GHPGVN.

Thời gian gởi thông báo chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Tăng Ni.

c. Văn bản thông báo nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển.

d. Đăng ký thuyên chuyển:

- Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi đi, nơi đến và Ban Tôn giáo tỉnh nơi đi, Trung ương GHPGVN sẽ ban hành văn bản chấp thuận việc thuyên chuyển. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi đến có trách nhiệm gởi văn bản đăng ký với Ban Tôn giáo tỉnh, UBND huyện nơi đến.

Hồ sơ gồm:

- Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, Tự viện tu học nơi chuyển đi, Tự viện nơi chuyển đến;

- Văn bản chấp thuận thuyên chuyển của Trung ương GHPGVN;

- Sơ yếu lý lịch của Tăng Ni có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú;

- Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi đến có trách nhiệm đăng ký hoạt động tôn giáo của Tăng Ni chuyển đến với Ban Tôn giáo tỉnh, UBND huyện nơi đến.

5. Trường hợp Tăng Ni vi phạm nghiêm trọng Giới luật, pháp luật, việc thuyên chuyển hoạt động tôn giáo thực hiện theo quy định của Hiến chương GHPGVN; khoản 3 điều 23 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

III. Hoạt động tôn giáo ngắn hạn tại địa phương:

1. Tăng Ni được quyền từ địa phương nầy đến địa phương khác để hoạt động tôn giáo trong thời gian ngắn hạn không quá 15 ngày.

2. Tăng Ni có trách nhiệm gởi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nơi thường trú.

3. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nơi thường trú của Tăng Ni có trách nhiệm gởi văn bản giới thiệu đến Trung ương Giáo hội. Thời gian gởi văn bản giới thiệu chậm nhất là 07 ngày làm việc.

Hồ sơ gồm:

- Văn bản giới thiệu nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm hoạt động tôn giáo, dự kiến số lượng người tham dự;

- Văn bản đăng ký hoạt động hoạt động tôn giáo của cá nhân Tăng Ni.

5. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày làm việc, Trung ương Giáo hội có văn bản giới thiệu đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Tôn giáo nơi đến.

F. HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM:

1. Giáo hội mời tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam:

a. Trung ương Giáo hội mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo, Trung ương Giáo hội chịu trách nhiệm đăng ký với Cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương.

b. Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh được quyền mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam, có trách nhiệm gởi văn bản đề nghị với Trung ương Giáo hội và phải được Ban Thường trực HĐTS chấp thuận.

c. Hồ sơ theo quy định điều 37 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Trụ trì tự viện mời tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam:

a. Cá nhân Tăng Ni Trụ trì Tự viện được quyền mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam để giao lưu, trao đổi hợp tác theo quy định của Hiến chương GHPGVN, pháp luật. Trụ trì Tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo được điễn ra tại Tự viện.

b. Trụ trì Tự viện có trách nhiệm việc đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh.

Hồ sơ gồm:

- Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên tổ chức, cá nhân chức sắc nước ngoài được mời, mục đích, nội dung hoạt động, danh sách khách mời, dự kiến chương trình hoạt động, thời gian và địa điểm hoạt động;

- Bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân chức sắc nước ngoài.

c. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và chuyển hồ sơ về TW Giáo hội.

d. Trong thời gian 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Trung ương Giáo hội chuyển hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương để được xem xét, giải quyết theo pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo tại nhiều Tự viện của nhiều tỉnh, thành:

a. Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài được phép vào Việt Nam hoạt động tôn giáo, giao lưu, trao đổi, hợp tác theo pháp luật Việt Nam và quy định của GHPGVN.

b. Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài hoạt động tôn giáo tại Việt Nam phải trên tinh thần đúng Chánh pháp, tôn trọng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Các danh xưng của chức sắc Phật giáo nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải tương ứng với danh xưng của Phật giáo Việt Nam.

c. Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài thực hiện hoạt động tại Tự viện các tỉnh, thành, Trụ trì mỗi Tự viện có trách nhiệm đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh theo quy định của Thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch nhưng hoạt động tôn giáo tại Tự viện các tỉnh, thành:

a. Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài được quyền vào Việt Nam du lịch, tham quan.

b. Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch không được hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Nếu thực hiện hoạt động tôn giáo tại một Tự viện, hoặc nhiều Tự viện là vi phạm pháp luật. Trụ trì Tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật này được thực hiện tại Tự viện.

G. CHUYỂN ĐỔI HỆ PHÁI:

I. Tăng Ni bình thường:

1. Tăng Ni được quyền thực hiện lựa chọn đức tin Hệ phái để tu học.

2. Không ai được xâm phạm quyền lựa chọn đức tin Hệ phái của Tăng Ni; ngăn cấm việc lợi dụng danh nghĩa Hệ phái để ép người khác thay đổi đức tin Hệ phái.

3. Khi Tăng Ni chuyển đổi Hệ phái tu học có trách nhiệm gởi văn bản đến Thầy Tế độ, Hệ phái đang tu học, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

Hồ sơ gồm:

- Văn bản xin chuyển đổi Hệ phái. Trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi Hệ phái;

- Văn bản đồng ý của vị Thầy Tế độ, của Hệ phái gốc;

- Văn bản chấp thuận tiếp nhận của Hệ phái xin chuyển đổi;

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đăng ký việc chuyển đổi Hệ phái của Tăng Ni với Ban Tôn giáo tỉnh.

II. Tăng Ni trụ trì tự viện:

1. Tăng Ni trụ trì Tự viện khi chuyển đổi Hệ phái tu học có trách nhiệm gởi văn bản đến Hệ phái đang tu học, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.

2. Việc chuyển đổi Hệ phái là việc mang tính cá nhân, tên tự viện phải được giữ nguyên, không được làm thay đổi đến tính Hệ phái của tự viện. (tức là không được thay đổi danh xưng Tự viện của Hệ phái này thành danh xưng Hệ phái khác).

Hồ sơ gồm:

- Văn bản xin chuyển đổi Hệ phái. Trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi Hệ phái;

- Văn bản đồng ý của của Hệ phái gốc;

- Văn bản chấp thuận tiếp nhận của Hệ phái xin chuyển đổi;

- Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đăng ký việc chuyển đổi Hệ phái của Tăng Ni Trụ trì Tự viện với Ban Tôn giáo tỉnh.

MỤC 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

A.Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh có trách nhiệm tổ chức, triển khai, Thông tư này đến các tự viện, Tăng Ni.

B.Trụ trì Tự viện, Tăng Ni khi thực hiện các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học phải thực hiện đầy đủ các quy định của Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật và Thông tư này.

C.Các hành vi vi phạm Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật và Thông tư này, tùy mức độ vi phạm sẽ xử lý theo Giáo luật, Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; nếu vi phạm pháp luật được xử lý theo pháp luật.

Trên tinh thần "Đoàn kết – Trách nhiệm – Kỷ cương”, vì sự ổn định, phát triển bền vững GHPGVN, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đề nghị quý Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành phố thực hiện việc quản lý Tự viện, Tăng Ni theo quy định của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật và các quy định nêu trên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.