Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức đem hạnh nguyện “Vô Thượng Y Vương” vào đời

Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức ở địa chỉ 182 Phan Bội Châu, Huế bây giờ tiền thân là Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế được thành lập vào năm 1989, đến năm 2003 do phải trả lại đất cho Quốc Tự Diệu Đế nên đã di dời về đây. Tính đến nay đã gần 20 năm hoạt động, trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Tuệ Tĩnh Đường đã khám và chữa bịnh miễn phí cho trên dưới 1 triệu lượt bịnh nhân là đồng bào nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại.

Được biết, trong những năm tháng đầu mới thành lập, Ban Điều hành đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về mặt tài chính và cơ sở vật chất. Nhưng nhờ sự chỉ đạo và giúp đỡ của Ban Trị sự tỉnh, cũng như của các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh và sự nhiệt tình giúp đỡ của các nhà hảo tâm nên từng bước Ban Điều hành và Y Bác sĩ, Lương y Tuệ Tĩnh Đường đã từng bước khắc phục khó khăn, chỉnh đốn tình hình, nâng cấp phòng khám, một số máy móc, y dụng cụ được cải tiến phần nào đã đáp ứng kịp thời công tác khám chữa bịnh cho đồng bào nghèo tại tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng phụ cận thuộc tỉnh Quảng Trị.

Đầu tháng 5 năm 2005, Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức được xây mới với quy mô 3 tầng trên tổng diện tích sử dụng là 2400m2 gồm 29 phòng bịnh mới khang trang, đồng thời với đó, Ban Điều hành đã trang thiết bị thêm nhiều máy móc hiện đại như máy siệu âm, máy thẩm mỹ, máy điện tim, máy cạo cao siêu âm, máy răng, xe khám lưu động...với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Từ đó đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức đã khám chữa bịnh và cấp phát thuốc miễn phí cho trên dưới 25 ngàn lượt bịnh nhân nghèo mỗi năm với số kinh phí mỗi năm lên đến hơn 1 tỷ đồng.

dieuduc-1.gif

Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức

Song song với việc khám và chữa bịnh miễn phí tại cơ sở, Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức còn có kế hoạch mở rộng mạng lưới y tế, về các vùng quê nghèo nhằm giúp đỡ cho đồng bào bịnh nhân nghèo ở các vùng sâu vùng xa, các chi nhánh tại các địa phương như Tuệ Tĩnh Đường An Phước tại xã Phú An; Tuệ Tĩnh Đường Thiện Sanh tại Bao Vinh; Tuệ Tĩnh Đường Nam Phổ xã Phú Thượng; Tuệ Tĩnh Đường Cự Lại tại thôn Cự Lại, Tuệ Tĩnh Đường Tịnh Đức, tại chùa Tính Đức, Tuệ Tĩnh Đường Pháp Lạc tại Phú Vang. Ngoài ra hàng tháng Ban Điều hành đã thành lập đoàn Y tế lưu động về tận các địa phương để khám và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào của hơn 105 xã với kinh phí hàng trăm triệu đồng/năm.

dieuduc-2.gif

Phòng Răng Hàm Mặt

Để bổ sung nhân sự chuyên môn cho cơ sở, hàng năm Ban Điều hành Tuệ Tĩnh Đường thường xuyên mở nhiều lớp Y học dân tộc để bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Lương y gồm các học phần: Phương tể học, Dược tính học, châm cứu học, lý luận cơ bản bệnh học, châm cứu thực hành và đã có hơn 230 học viên mãn khoá đang làm việc tại các cơ sở. Hiện đang có 63 học viên là Tăng, Ni Phật tử đang theo học khoá Y Học cổ truyền.

dieuduc-3.gif

Đại diện tổ chức Phi chính phủ đến thăm

Ngoài  các phòng chuyên môn Đông Tây Y, từ năm 1996, được sự giới thiệu của UBMTTQ tỉnh, Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Thừa Thiên Huế, UBPC HIV/AIDS tỉnh và các tổ chức từ thiện phi chính phủ, Tuệ Tĩnh Đường đã mở thêm phòng Tư vấn sức khoẻ thực hiện dự án "sáng kiến lãnh đạo Phật giáo" do Trung Ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và UNICEF đề ra. Tiếp theo sau đó trong hàng năm Phòng Tư vấn phối hợp với UNICEF, NAV , UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức thường xuyên các khoá tập huấn về các kỷ năng tư vấn, chăm sóc chuyên đề sử dụng thuốc Nam trong điều trị HIV/AIDS, kỷ năng truyền thông...cho các tình nguyên viên, và bịnh nhân có HIV/AIDS tại địa phương. Hiện nay phòng Tư vấn sứ khoẻ và Ban Điều phối dự án Phật giáo tham gia phòng chống HIV/AIDS Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức do USAID tài trợ với cơ sở và trang thiết bị khá hoàn chỉnh, mạng lưới Tăng, Ni, Phật tử Tình nguyện viên lên đến hàng chục người, và mở rộng ra các huyện.

dieuduc-4.gif

Các nhà hảo tâm tặng máy khám mắt

Mặc dầu đạt được những kết quả to lớn như vậy và thực sự đã đem lại nhiều lợi ích cùng nhiều sự bình an cho hàng triệu lượt bịnh nhân nghèo, nhưng trong gần 20 năm qua, các Tăng, Ni và Phật tử là Y Bác sĩ, Lương y của Tuệ Tĩnh Đường Hải Đức vẫn thể hiện tinh thần khiêm tốn của người con Phật chỉ nhận về mình sự động viên «người thầy thuốc từ thiện của Phật giáo» hết lòng phục vụ bịnh nhân với phương châm « phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật » nên phải thực hiện tốt một lúc hai nhiệm vụ « lương y như từ mẫu » của ngành Y đã đặt ra và từng bước học tập, đem hạnh nguyện «Vô Thượng Y Vương » của Đức Thế Tôn cùng với tinh thần « y phương minh » mà Ngài đã dạy vào đời để đem lại hạnh phúc và an lạc cho bệnh nhân nghèo trên quê hương Thừa Thiên Huế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.