Mai tô điểm thêm cho không gian ngôi nhà dịp xuân về Tết đến
Tuy gọi là mai, nhưng người dân Nam bộ phân biệt chúng thành nhiều loại khác nhau. Mai vàng thông thường nhất là loại mai trổ hoa 5 cánh, màu vàng. Nhưng chịu khó tìm hiểu thì thấy có loại mai châu hay còn có tên gọi khác là mai trâu vì hoa của nó to, mọc rất nhiều. Hoặc là giống mai sẻ thường cho hoa đầy cành, giống mai thơm (mai ngự) có đặc điểm trổ hoa rất thơm, cánh dày, lâu tàn, được các bậc vua chúa quý tộc xưa ở Huế rất thích và xuất hiện nhiều ở vùng Bến Tre.
Ngoài ra, còn có giống mai chủy, mai huỳnh tỉ, mai cánh nhọn, mai cánh tròn, mai chùm gửi, mai liễu,… cũng có mặt trên vùng đất phương Nam. Dựa vào cánh hoa, người chơi còn phân biệt thành mai 5 cánh, mai 8 cánh, mai 12 cánh, mai 18 cánh, mai 24 cánh,… thậm chí đến 120-150 cánh.
Mai trổ hoa càng nhiều cánh thì càng quý, càng có giá. Dân sành điệu còn có thú chơi mai ghép. Đó là gốc mai được ghép cành của nhiều loại khác nhau như mai huỳnh tỉ, mai sẻ, mai cam, mai giảo,… với giống mai trắng trông rất đẹp mắt và đắt tiền, đòi hỏi chăm sóc công phu, tỉ mỉ.
Với người dân Nam bộ, người ta hay trồng vài ba cây mai trước sân hay bên hiên nhà không chỉ để chưng mà còn tô điểm thêm cho không gian ngôi nhà dịp xuân về Tết đến.
Mai là loại cây dễ trồng, tuy bị bỏ mặc cả năm nhưng cứ lớn dần, gốc càng to thì càng có giá trị, được gọi là lão mai, cội mai. Nhiều ngôi nhà xưa, có không gian rộng, vườn tược thoáng đãng, phía trước sân thường có cội mai là niềm tự hào lớn của gia đình.
Thông thường, độ giữa tháng Chạp, khoảng sau ngày 10 đến trước ngày 20 tháng Chạp, tùy theo búp của từng cây mai, chủ nhân cẩn thận lặt từng lá một để hoa trổ đúng dịp Tết. Cây mai giờ trơ trụi lá, cành khẳng khiu và cũng là lúc búp mai bắt đầu lớn dần và bung ra từng chụm nụ xanh trong thời tiết se se lạnh, trong sự rộn ràng chuẩn bị tết của bà con xóm, thôn. Lúc này, người ta chăm sóc đặc biệt mỗi ngày, nhất là việc gia giảm nước để mai trổ hoa đúng lúc.
Mấy cụ già xưa, cứ mỗi sáng sớm, bên tách trà nóng, hay ngồi một mình ngắm nghía sự lớn dần của nụ hoa từng ngày, tấm tắc trước những đóa mai đầu tiên vừa trổ với đàn ong bướm lượn quanh.
Hoa mai tuy đẹp nhưng lại nhanh tàn, độ chừng 3 ngày là cánh hoa rơi lả tả theo gió. Vì vậy, vẻ đẹp của hoa này còn là sự mong manh, thể hiện triết lý vô thường của nhà Phật. Ở chốn Thiền môn, ngày xuân, người tu hành ngắm hoa mai để tỉnh thức về tự nhiên, về kiếp nhân sinh hữu hạn thật khó lường trước được. |
2. Thông thường, mai chưng Tết có hai cách. Dân sành điệu, khá giả thì chưng trong nhà một chậu mai, gốc càng to càng tốt, thể hiện tính sang trọng, biết thưởng thức và gửi gắm sự mong ước của chủ nhân. Nhưng với phần đông, chưng mai bằng cách chặt thành từng nhánh lớn, rồi đem thui gốc để nụ đừng rụng, sau đó cắm vào cái bình lớn đặt ở bàn tiếp khách. Người ta còn cắt thêm nhánh mai cắm bình hoa ở bàn thờ tổ tiên để cho các cụ thêm vui ngày Tết, phù hộ con cháu được may mắn và sung túc cả năm.
Ngày Tết, trong trang trí ở gia đình người dân Nam bộ, hoa mai còn làm bạn với hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mồng gà, hoa đồng tiền,… tạo nên vẻ rạng rỡ, tươi tắn cho ngôi nhà với những sắc vàng, sắc đỏ quyện vào nhau.
Ở vùng Ba Tri của tỉnh Bến Tre, người dân ở đây hay chặt mai thành từng nhánh đem ra chợ bán để kiếm thêm tiền sắm sửa cho Tết. Chiều ngày 29, chợ dần đông, trên tay mỗi người bán là nhiều nhánh mai, giá cả đủ loại và thuận mua vừa bán, tạo nên một không khí Tết đặc biệt cho nơi này.
Theo phát âm của địa phương Nam bộ, tên gọi của hoa mai còn đồng âm với sự may mắn của con người (mai/may), rất cần cho sự khởi đầu một năm mới. Vì vậy, những người ăn nên làm ra, khi chơi mai, họ chọn lựa rất kỹ, đó là những gốc mai to, da sần sùi, lốm đốm rêu xanh phủ, nhất là sao cho hoa trổ bung, vàng rực cả cây vào đúng ngày mùng một Tết. Theo quan niệm dân gian thì, năm đó chắc chắn công việc làm ăn sẽ thuận lợi, thành công và sự nghiệp thịnh vượng.
Dân Nam bộ vốn tính rộng rãi và hào phóng, cho nên nhà nào trồng mai nhiều thì cuối năm chặt nhánh cây mai to trước sân biếu cho anh em, bạn bè, lối xóm về chưng ba ngày Tết thêm vui, thắt chặt tình nghĩa với nhau. Nhưng, với một số gia đình khó tính, họ giữ gìn mai rất cẩn thận, tuyệt nhiên không cho ai xin cành, bẻ nhánh vì tin rằng sẽ bị lấy đi sự may mắn cả năm của chủ nhà.
3. Ngày xuân, người ta hay ngồi tâm tình bên nhau sau một năm dài bận rộn, vất vả. Trên bàn tiếp khách giữa nhà, họ ăn một ít bánh mứt, nhấp chút trà nóng và ngắm hoa mai được cắm ở bình hay trên cây ở trước sân. Hoa mai tỏa ra một mùi hương nhè nhẹ, thơm và thanh khiết vô cùng, khiến tâm hồn con người dịu bớt hẳn những lo toan, trăn trở. Hương mai quyện cùng mùi thơm lừng của bánh mứt, hòa lẫn mùi của nhang trầm tỏa ra, thậm chí kết cùng mùi ngai ngái của hoa vạn thọ tạo nên thứ mùi đặc biệt, đó là mùi Tết thật khó lẫn vào đâu được!
Mai còn được ví với đức thanh tao, cao khiết của người quân tử. Các cụ già xưa, vốn thấm nhuần đạo lý thánh hiền, nên khi ngồi ngắm chậu mai vàng còn là dịp để chiêm nghiệm phẩm chất, tiết tháo của kẻ sĩ. Vì thế, các nghệ nhân khi tạo dáng cho mai thường hướng đến ý nghĩa thanh cao, đạo đức và trách nhiệm xã hội của con người. Trong cái đẹp luôn ẩn chứa cái thiện, cái chân là vậy!
Hoa mai tuy đẹp nhưng lại nhanh tàn, độ chừng 3 ngày là cánh hoa rơi lả tả theo gió. Vì vậy, vẻ đẹp của hoa này còn là sự mong manh, thể hiện triết lý vô thường của nhà Phật. Ở chốn Thiền môn, ngày xuân, người tu hành ngắm hoa mai để tỉnh thức về tự nhiên, về kiếp nhân sinh hữu hạn thật khó lường trước được.
Hoa mai còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và thổ ngơi sông nước Nam bộ mỗi dịp xuân về. Mai trổ hoa đến độ qua mùng của tháng Giêng thì mới tàn dần và được thay bằng những lá non xanh mướt.
4. Về làng hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, ở thời điểm Tết là lúc được ngắm những chậu mai trổ hoa vàng rực bên chậu tắc sai trĩu quả chín vàng cam cùng dáng kiểng cổ quái của cây sung, cây nguyệt quế, mai chiếu thủy, hoa giấy,…
Ai về làng hoa Sa Đéc thì thấy giữa một không gian sắc màu của muôn hoa, mai làm bạn với cúc, vạn thọ đơm hoa vàng rực, giữa những chậu hồng nhung đỏ thẳm, những chậu mười giờ sắc hường sắc tím,… Chúng đã tạo nên một bức tranh với nhiều màu sắc rực rỡ cho “vương quốc hoa” nổi danh của miền sông nước Cửu Long.
Với những miệt vườn Lái Thiêu (Bình Dương) cho đến An Bình (Vĩnh Long), hoa mai còn đem lại một vẻ đẹp trù phú riêng có cho những nơi này. Khách ghé thăm những nhà vườn Lái Thiêu (Bình Dương), sẽ nhìn thấy những chậu mai vàng rực rỡ trước ngõ, hoặc nối dài bên những dòng kênh xanh, thấp thoáng bên vườn mít chi chít trái, những buồng chuối đung đưa…
Hay có dịp đi về Vĩnh Long, ghé lại cù lao An Bình giữa bốn bề sông nước, trùng với dịp mận ra trái thành từng chùm làm oằn cả cây, sắc mai vàng cùng với sắc đỏ của mận ở xứ này quyện vào nhau, làm rạng ngời vẻ xuân nơi đất cù lao nổi tiếng bình dị, hiền hòa.
Mai Tết về Sài Gòn - Ảnh: Vũ Giang
Hoa mai còn đi vào nơi thị thành, chợ búa làm đẹp thêm cho phố phường mỗi khi xuân về. Ở Sài Gòn, giữa dòng xe hối hả, tấp nập của những ngày cuối năm bận bịu, mọi thứ đều vội vã, những chậu mai vàng lớn, nhỏ được bày trên lề khá đẹp mắt, nhất là buổi nắng sáng vừa lên, cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng, trầm trồ. Dù thời gian gấp gáp, nhưng người ta vẫn cho xe chậm lại và ngắm nhìn, hỏi han giá cả, chọn mua một gốc ưng ý, hợp túi tiền về chưng ở nhà hay cơ quan.
Dân nhà giàu Sài Gòn thì có vài cây mai gốc to, thường được gửi cho các nhà vườn ở Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Dương,… chăm sóc cẩn thận, rồi trả lại cho chính chủ vào dịp cuối năm. Những gốc mai này rất đẹp, với nhiều kiểu dáng khác nhau, có hoa to và dày, nhiều cánh, thường là từ 8 đến 24 cánh, thể hiện rõ gia thế của chủ nhà.
Dân chơi sành sõi thì chưng trong nhà chậu mai vàng ghép với mai trắng để lạ mắt, tạo nên sự độc đáo cho gia chủ, ai thấy cũng phải khen. Ở Sài Gòn, dân cố cựu hoặc thông thạo hay đi chọn mua những chậu mai lớn từ các chủ vườn ở miền Tây chở ghe lên đậu tấp nập ở Bến Bình Đông, quận 8. Giá cả ở đây phải chăng và có thể chọn được những chậu mai ưng ý về chưng trong nhà. Như vậy, hoa mai là một nét đẹp của ngày xuân ở Nam bộ từ miền quê cho đến thành thị.
5. Trong quan niệm ngũ hành của Á Đông, hoa mai có màu vàng, tượng trưng cho hành thổ-trung tâm của ngũ hành. Thổ là đất đai, là sự sống, đặc biệt với cư dân nông nghiệp còn là phương tiện nuôi sống con người, nhờ đất mà con người ngày càng phát triển, sung túc và thịnh vượng. Vì vậy, những đóa mai vàng khoe sắc không chỉ báo hiệu cho thời điểm năm hết Tết đến mà còn phản ánh những khát vọng về cuộc sống của cư dân trên vùng đất phương Nam qua hàng trăm năm.
Hoa mai đã trở thành một trong những biểu tượng độc đáo cho văn hóa Tết, gắn liền tính cách vừa mộc mạc, giản dị vừa coi trọng nhân nghĩa, đạo lý ở đời của con người Nam bộ.
Dương Hoàng Lộc
Giác Ngộ online xuân Ất Mùi 2015 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.