GN - Các cơ sở tự viện truyền thống Nhật Bản đang nỗ lực kiến tạo các mô hình sinh hoạt văn hóa, tri thức cộng đồng nhằm thu hút giới trẻ đến chùa nhiều hơn.
Phật tử đến chùa tìm hiểu về thiên văn học
Chùa Kosenj ở trung tâm thành phố Fukuoka đã dành hẳn một không gian phù hợp để người trẻ có thể đến tham gia các lớp múa, các chương trình văn nghệ, giúp các bạn giải tỏa căng thẳng. Trong gian phòng dành cho văn nghệ có cả một hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại như một sân khấu chuyên nghiệp.
Ý tưởng này là của vị thầy trụ trì, TT.Koji Jo, 55 tuổi. Theo thầy, cách làm này giúp cho ngôi chùa trở nên tươi mới, đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể thu hút được những người trẻ. Ngoài ra, trong chùa Kosenj còn trưng bày nhiều bia tưởng niệm, trong đó có bia tưởng niệm nhà thơ nổi tiếng Edo, vị thi sĩ hiện thân cho phong trào thơ Haiku, người đã từng đến Tokyo 3 lần vào thế kỷ XIX.
“Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi chúng tôi nhận thấy các bạn đến chùa chỉ có thể tiếp cận được phương pháp viết chữ cái Nhật Bản. Và cũng có điều dễ nhận thấy giữa cuộc sống bận rộn ngày nay, người ta sẽ không viếng chùa trừ khi đến để dự lễ tang hoặc lễ tưởng niệm”, thầy Jo chia sẻ.
Những nỗ lực điều chỉnh sinh hoạt của thầy Jo phần nào thành công khi ngày càng có nhiều Phật tử trẻ đến với chùa Kosenj tham dự câu lạc bộ văn nghệ, múa hoặc thiên văn. Tuy nhiên, để ngôi chùa thực sự thiết thực và hữu ích với cộng đồng, vị trụ trì chùa Kosenj cũng mong muốn các Phật tử trẻ mỗi khi đến chùa còn có thể chia sẻ với chư Tăng những vấn đề gặp phải trong cuộc sống và nhận những tư vấn khi cần.
Fukuoka là thành phố thủ phủ, tọa lạc tại trung tâm tỉnh Fukuoka, phía Bắc đảo Kyushu. Hàng năm, thành phố nổi tiếng này chào đón hơn 2 triệu du khách nước ngoài, đa số đến từ các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài ra, theo các nhà chức trách địa phương, có khoảng 200 cuộc hội thảo với nhiều nội dung khác nhau được tổ chức tại Fukuoka mỗi năm. Theo đó, nếu sinh hoạt tự viện Phật giáo tại thành phố này khởi sắc, đáp ứng nhu cầu xã hội thì cũng sẽ góp phần giới thiệu đời sống văn hóa tâm linh đến với du khách.
Trong khi đó, chùa Bodaiji, cũng ở Fukuoka, vừa chính thức khởi động các sinh hoạt học thuật tìm hiểu thiên văn. Theo ước tính, mỗi kỳ sinh hoạt, chương trình này thu hút hơn 1.000 người dân địa phương đến dự và tìm hiểu. Khách đến chùa có thể thoải mái ngồi trên các hàng ghế dài trong một khán phòng và nhìn ngắm các vì sao. Bên trên trần nhà của khán phòng được thiết kế theo hình vòng cung, thắp sáng bởi biểu tượng của các cung hoàng đạo.
Shinji Tsubaki, nguyên cảnh sát tại đồn cảnh sát Kyoto, đã từ bỏ công việc, xuất gia tu học trong môi trường Phật giáo và trở thành người quản lý ngôi chùa này từ hai thập niên trước.
Với mô hình tìm hiểu về thiên văn, thầy Tsubaki mong muốn ngôi chùa sẽ trở thành địa điểm lý tưởng để mọi người gặp gỡ và kết bạn. “Nếu không làm thế, ngôi chùa sẽ thiếu sức sống, không phục vụ tốt các nhu cầu của cộng đồng và có thể sẽ phải đóng cửa trong thời gian đến”, thầy Tsubaki cho biết.
Ở một bối cảnh khác, chùa Outenin ở Osaka cũng vừa xây dựng một nhà hát Phật giáo tại sảnh chính để có thể chào đón gần 30.000 du khách hàng năm.
“Ngôi chùa được xem là nơi có nhiều tiềm năng để có thể trở thành một trung tâm kết nối mọi người trong xã hội”, TT. Mitsuhiko Akita, trụ trì chùa Outenin cho biết.
“Các cơ sở thờ tự Phật giáo không chỉ là nơi gởi gắm các tâm nguyện thiện lành hướng đến điều tốt đẹp mà còn có khả năng đóng góp cho cộng đồng xã hội bằng cách kết nối và mở rộng sự hiểu biết của mọi người”, thầy Mitsuhiko Akita khẳng định.
Tâm Nhiên - Bảo An (theo The Richest)