GN - Khởi nguyên tư tưởng Tịnh độ và tha lực
Vào thời kỳ đầu của Phật giáo Phát triển, yếu tố tha lực (Phật lực, Bồ-tát lực) được đề cập đến khá sớm trong kinh Na-tiên Tỳ-kheo. Kinh này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I (Tây lịch), sau đó được truyền sang Tích Lan và các nước Nam phương Phật giáo với tên gọi là Milindapanhà (thuộc văn hệ Pàli); bản được truyền sang Trung Hoa và dịch sang chữ Hán tên là Na-tiên Tỳ-kheo. Nội dung kinh là giáo nghĩa Phật giáo Nguyên thủy, tuy nhiên có đề cập đến vấn đề tha lực, nên được xem là tư tưởng chuyển tiếp giữa thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy (thời Đức Phật tại thế cho đến sau khi Phật Niết-bàn 100 năm) và Phật giáo Phát triển (khoảng từ thế kỷ thứ I đến cuối thế kỷ thứ VIII Tây lịch).
Sau Na-tiên Tỳ-kheo còn nhiều bản kinh của Phật giáo Phát triển đề cập đến cảnh giới của chư Phật (các cõi Tịnh độ) và tha lực mà hành giả tu tập có được nhờ dựa vào tín tâm, công phu tu tập và nguyện lực của mình (tự lực). Nhờ chí nguyện của hành giả tương ưng với bản nguyện của chư Phật, nhờ tự lực kết hợp với tha lực (sự hộ trì, tiếp dẫn của chư Phật), hành giả có thể vãng sinh về các cõi Tịnh độ của chư Phật.
Khoảng cuối thế kỷ thứ II Tây lịch, sau khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa chưa bao lâu (Phật giáo đến Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ I Tây lịch), có Đại sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Đại-nhục-chi đến kinh thành Lạc Dương (khoảng từ năm 178-189) tham gia vào công việc phiên dịch kinh điển. Với hai bản dịch Phật thuyết ban chu tam muội kinh và Ban chu tam muội kinh, Đại sư được xem là người đầu tiên phổ biến tư tưởng niệm Phật A Di Đà và thế giới Tây phương Cực lạc, làm cơ sở cho tín ngưỡng Tịnh độ sau này (theo Phật Quang đại từ điển).
Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thư VI, các cao tăng và cư sĩ Tây Vực tiếp tục đến Trung Hoa, dịch các bộ kinh như: Phật thuyết Vô Lượng Thọ, Đại A Di Đà kinh, Phật thuyết A Di Đà kinh, Phật thuyết quán Vô Lượng Thọ kinh, Vãng sinh Tịnh độ luận v.v... là những kinh về tư tưởng Tịnh độ và Đức Phật A Di Đà ở phương Tây.
Ở Ấn Độ, thời ngài Long Thọ (thế kỷ thứ III Tây lịch) đã phổ biến ba dòng tư tưởng vãng sinh Tịnh độ: Thứ nhất là cầu sinh về Tịnh độ Đâu-suất, nơi Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ là Di Lặc đang giáo hóa chúng sinh. Thứ hai là cầu sinh về cõi Tịnh độ Diệu hỷ của Phật A Sơ (Aksobhya-Bất Động Phật) ở phương Đông. Thứ ba là cầu sinh về cõi Tịnh độ Cực lạc của Phật A Di Đà ở phương Tây.
Tư tưởng tha lực trong kinh Na-tiên Tỳ-kheo
Tư tưởng Phật lực trong kinh Na-tiên Tỳ-kheo được xem là khởi nguyên tư tưởng tha lực trong các kinh của Phật giáo Phát triển sau này. Kinh ghi lại những lời vấn đáp giữa Tỳ-kheo Na-tiên (Nàgasena, người Trung Ấn, thế kỷ thứ II trước Tây lịch) và vua Di-lan-đà (Milinda). Trong phần luận về “Nhân ít, quả nhiều”, vua Di-lan-đà hỏi Tỳ-kheo Na-tiên như sau:
- Bạch Đại đức, các Sa-môn trong hàng ngũ của Đại đức bảo rằng những kẻ có quá khứ không tốt, đã từng làm ác, nhưng đến khi lâm chung biết nghĩ tưởng đến Phật thì được sinh lên các cõi trời. Quả thật trẫm không tin được điều đó.
Tỳ-kheo Na Tiên hỏi ngược lại nhà vua:
- Giả sử có kẻ cầm một hòn đá nhỏ ném xuống nước, hòn đá ấy nổi hay chìm?
- Thưa, chìm.
- Bây giờ, có kẻ đem một trăm hòn đá lớn chất vào một chiếc ghe lớn (đủ sức chở) thì trăm hòn đá ấy có chìm không?
- Thưa, không!
- Đá không chìm là nhờ ghe chở. Cũng giống như thế, người làm ác khi chết biết tưởng nhớ đến Phật, được Phật lực nâng đỡ nên không đọa vào địa ngục mà lại sinh lên các cõi trời. Hễ ai tin Phật và tưởng nhớ đến Phật thì khi lâm chung đều được Phật tiếp độ (Kinh Na-tiên Tỳ-kheo, Cao Hữu Đính soạn thuật).
Nếu người học Phật không hiểu rõ bản ý kinh, qua mẩu đối thoại trên có thể dẫn đến sự ngộ nhận: Một người cho dù không sống đạo đức, chẳng tạo công đức phước báo gì, thậm chí làm ác (nghiệp bất thiện), nhưng trước khi chết nhớ đến Phật, nghĩ tưởng đến Phật, sẽ được Phật lực nâng đỡ, chẳng những người đó không đọa vào cảnh khổ mà còn được sinh lên cõi trời. Như thế thì chỉ cần có Phật lực hộ trì, tiếp dẫn là được, cần chi tu tập, tích phước, rèn tâm dưỡng tính? Chắc chắn là không phải vậy. Bởi một người không thường nghĩ đến điều thiện, không thường làm việc thiện, không từng niệm Phật, tưởng nhớ Phật, lại còn làm việc ác, tạo nghiệp bất thiện, đến giờ phút lâm chung tâm người đó không thể nhớ tưởng đến Phật (chỉ nhớ đến những việc xấu, việc ác đã làm).
Theo các kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Đại nghiệp phân biệt (thuộc Kinh tạng Pàli) và thuyết Cận tử nghiệp thì có những người đến giờ phút lâm chung họ thay đổi ý niệm. Có người cả đời làm nhiều việc lành, nhưng trong giờ phút lâm chung lại sinh tâm hối tiếc, hoặc sinh tâm sân hận, nghĩ đến điều ác. Có người cả đời làm ác, nhưng trong giờ phút lâm chung lại phát khởi tâm lành, nghĩ tưởng điều lành, nghĩ tưởng đến Phật. Những trường hợp trước lúc lâm chung sinh tâm ăn năn sám hối sẽ giảm được phần nào tội nghiệp; nếu khi ấy nhớ tưởng đến Phật, Pháp, Tăng, nhớ đến các thiện pháp thì có thể sinh về cõi lành. Có những trường hợp người sắp lâm chung nhớ đến Phật, niệm Phật do đã có lúc nào đó trong quá khứ gần hoặc lâu xa, họ đã từng gieo nhân duyên lành với Phật pháp, cho nên chủng tử thiện (hạt giống lành) sinh khởi. Khi ấy, tùy theo Cận tử nghiệp thiện hay ác mà họ tái sinh về cõi lành hay dữ. Tuy nhiên việc đó không có nghĩa là trong tương lai họ sẽ không thọ lãnh quả báo của những nghiệp bất thiện mà họ đã tạo ra. Dù họ có được tái sinh vào nhàn cảnh, lạc cảnh nhờ cận tử nghiệp lúc lâm chung, nhưng khi đủ điều kiện nhân duyên sinh khởi thì các bất thiện nghiệp mà họ đã tạo lại trỗi dậy, quả báo của những nghiệp xấu, ác sẽ kéo đến và làm cho họ sa đọa. Vì thế cần phải tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tâm trí, cả cuộc đời phải là những ngày tháng sống tốt, chăm tạo nghiệp lành, tránh tạo nghiệp bất thiện. Phải thường nhớ tưởng đến hình ảnh của Đức Phật và những công đức, hạnh nguyện của Ngài, phải noi theo gương sáng đó và tu tập theo giáo pháp mà Ngài đã chỉ dạy. Đừng đợi đến lúc lâm chung mới hồi đầu.
Tha lực tương ưng với tự lực
Các kinh về Tịnh độ đều dạy không chỉ có niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và cõi Cực lạc, mà còn dạy hành giả thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện, phát Bồ-đề tâm, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp, tu tạo các công đức phước lành như hộ trì Tam bảo, hoằng truyền Chánh pháp, cúng dường, từ thiện-bố thí, phóng sinh v.v.. Nếu nội dung tu tập của hành giả Tịnh độ không đúng những gì kinh điển đã dạy thì chỉ có danh chứ không thực, hành giả đã đi sai đường. Phần lớn người tu Tịnh độ ngày nay chỉ y cứ theo một số luận giải của chư vị Tổ sư Trung Quốc, hay học và hành theo vị thầy mình ngưỡng mộ mà ít lưu tâm đối chiếu đến kinh luận căn bản của tông Tịnh Độ. Nếu so sánh, đối chiếu chỗ thực hành và truyền thụ của một số trào lưu Tịnh độ ngày nay với các kinh điển Tịnh độ nguyên bản thì cách xa nhau nhiều. Đáng nói là một số giáo lý từ các kinh luận Tịnh độ gốc đã bị thêm bớt, sửa đổi và nhào nặn theo trình độ tu học của mỗi vị thầy, mỗi vị giảng sư và theo quan điểm chủ quan của họ, từ đó sở học và sở hành của một số hành giả Tịnh độ có nhiều thiếu sót.
Một bộ phận không nhỏ các hành giả Tịnh độ ngày nay tu học theo cảm tính, cảm tình, chạy theo phong trào vì số đông hoặc vì nhận thấy lối tu học đó phù hợp với sở thích, quan điểm, nhận thức của mình, và nhất là bị hấp dẫn bởi yếu tố tha lực. Họ không ý thức được rằng, trong Phật pháp không có lối nhận thức chủ quan và cảm tính. Nhận thức, tư duy và hành động theo thế gian thường tình không phải là con đường của đạo Phật. Phật pháp không chìu theo thị dục của chúng sinh. Từ bi và trí tuệ của đạo Phật không phải là những tình cảm và nhận thức bình thường của thế nhân, người tu học Phật cần phải nêu cao Chánh kiến, phân biệt rõ, nhận thức đúng.
Trở lại vấn đề tha lực và tự lực. Tha lực, lực gia trì, hộ niệm của chư Phật chỉ có khi có sự tinh tấn, nỗ lực hành trì, tu tập của hành giả. Bất cứ lúc nào hành giả có sự tu tập, tâm tưởng nhớ đến Phật, đến giáo pháp, đến các bậc tu hành, noi theo hạnh nguyện của chư Phật, thì khi ấy hành giả có được lực gia trì, có được sự hộ niệm của chư Phật. Tha lực không phải từ đâu đến, mà từ chính tự lực của chúng ta. Khi có đầy đủ đạo đức, phạm hạnh (Giới), nhất tâm (Định) và giác ngộ (Tuệ), dứt trừ được vô minh, tham ái và chấp thủ thì Tịnh độ hiện tiền, hành giả không còn ý niệm bỏ đây sinh kia, bỏ Ta-bà cầu về Cực lạc, lúc đó không còn vấn đề gì được đặt ra.