GN - Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã ghép chung hai chữ “từ” và “thiện” lại thành một cụm từ “từ thiện”. Người không có lòng từ thì chẳng bao giờ làm được việc thiện.
Sẻ chia
Truyện cổ Phật giáo kể rằng có một thanh niên lên núi tìm thầy học đạo. Sau khi thành tài, thầy cho một chiếc áo đen để xuống núi hành hiệp trượng nghĩa, bảo rằng: “Khi nào chiếc áo đen hóa trắng ấy là lúc con đã đạt thành chánh quả”. Người thanh niên đi khắp giang hồ cứu khổ phò nguy không biết bao nhiêu lần, mỗi lần làm được một việc tốt như thế anh đều ghi nhớ trong tâm. Nhưng đã suốt ba năm trời, khi nhìn lại chiếc áo cũng chỉ thấy là một màu đen.
Chán nản, người thanh niên quyết tâm trở về núi để mong được sự giải thích của thầy. Khi vừa đến chân núi, bất chợt anh thấy một người đàn bà sắp bị hổ vồ. Không nghĩ ngợi, anh liền ra tay đánh đuổi hổ, cứu người đàn bà thoát nguy rồi thản nhiên lên núi cầu thầy, không còn nghĩ gì đến việc đã làm. Đến lúc gặp được thầy, chưa kịp hỏi rõ nguyên nhân thì đã nghe thầy bảo: “Chúc mừng con đã thành công”. Người thanh niên ngạc nhiên nhìn lại thì đã thấy chiếc áo đen đang mặc trong người hóa trắng tự bao giờ.
Làm trăm điều thiện mà lúc nào cũng nghĩ đến điều thiện đã làm không bằng chỉ làm một điều thiện mà với tấm lòng vị tha không nghĩ tưởng tới.
Quê tôi ngày trước đất rộng người thưa, đường đất nhỏ hẹp, nhà cửa cách nhau đôi khi có đến năm ba trăm mét. Không có phương tiện vận chuyển nên việc đi lại chỉ bằng đôi chân trần giẫm đất. Đương nhiên cũng không có hàng ăn quán nước như bây giờ. Người dân sống một cuộc đời chân quê mộc mạc nhưng lại có tấm lòng nhân hậu lương thiện. Gần như tất cả các gia đình sống dọc theo hai bên đường nhà nào ngay nơi trước cổng cũng để sẵn một giò nước sạch múc từ giếng lên, bên cạnh có cây cọc tre gáo nước làm bằng gáo dừa tra cán dài, dùng múc nước từ trong giò ra để uống. Trước khi đi làm buổi sáng, họ đều cẩn thận súc rửa sạch sẽ giò nước rồi xách nước từ giếng lên để cho đầy vào, có nắp đậy cẩn thận. Bất cứ người khách nào qua đường, nếu thấy khát nước thì cứ tự nhiên bước vào múc uống, vì ai cũng biết ấy là nước của gia chủ dùng để đãi khách đi đường.
Làng có ngôi chùa để khách thập phương về lễ bái vào những ngày rằm, mùng một, ngày lễ ngày vía. “Vô thập phương bất thành Tam bảo” nên sự cúng dường của bá tánh, của thiện nam tín nữ là điều không thể thiếu. Người dân quê cúng dường không vì mục đích cầu danh cầu lợi mà phát xuất từ sự thành tâm. Họ âm thầm dâng cúng tài vật vào thùng công đức hoặc để trên chiếc bàn gỗ kê nơi nhà Đông mà không hề lưu danh lại. Người không có điều kiện thấy người có điều kiện cúng dường đều mang tấm lòng hoan hỷ như nhau.
Chuyện tưởng là nhỏ nhưng thật ra không nhỏ chút nào vì họ đã sống thật tâm với lòng từ thiện có được mà không nghĩ tưởng đến lợi lộc về sau hay từ tha nhân đưa tới.
Cuộc sống càng đi dần lên văn minh tiến bộ thì con người dường như cũng nghiêng theo về vật chất, coi nhẹ tinh thần nhưng lòng từ thiện cũng không vì thế mà bị mất đi. Ở đâu đó, trên các thành phố vẫn thấy xuất hiện những thùng trà đá miễn phí, những quán cơm hai ngàn dành cho những người cơ nhỡ, những bà con thiếu ăn thiếu mặc. Ở đâu đó có những người cưu mang nuôi dưỡng tự nguyện đối với những người tàn tật, già yếu neo đơn, những trẻ mồ côi… Ở đâu đó vẫn có những người đóng góp vào các quỹ từ thiện một số tài vật dù khá lớn nhưng lại đề nghị không nêu tên tuổi… Họ tự nguyện làm việc thiện bằng cái tâm từ chứ không phải để mua danh cầu lợi.
Từ thiện, không chỉ giữa người với người, mà còn cả giữa người với loài vật, vì loài vật cũng là chúng sanh, cũng có sự sống với những cảm giác đói no đau đớn… Câu chuyện “Gia đình của bé” do một nhóm bạn trẻ yêu động vật của thành phố Hồ Chí Minh gồm hơn ba mươi thành viên với sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên đang nuôi hơn hai mươi con mèo, hơn mười con chó trong tình trạng ốm yếu, bị bệnh hoặc bị bỏ rơi đã tận tâm hợp lực với bạn Nguyễn Thanh Hiền ở Ba Tri (Bến Tre) tìm cách cứu một con chó bị băng keo buộc mồm để giết thịt nhưng đã thoát được khỏi lò mổ, đói khát mấy ngày liền, gây không ít cảm xúc trong dư luận xã hội.
Trong khi đó, đã và đang có không ít những người lấy hình thức từ thiện ra làm bình phong để che giấu những toan tính bất chính của mình. Cúng dường các tự viện, họ yêu cầu phải khắc tên, ghi hình ảnh của chính bản thân hoặc thân nhân vào nơi mọi người dễ nhìn thấy nhất, thậm chí là nơi trang trọng nhất tùy theo giá trị cúng dường; góp quỹ từ thiện nhất thiết không thể không ghi tên tuổi, cả đến nghề nghiệp, chức vụ. Mượn danh nghĩa cơ sở từ thiện để ăn cắp sự hảo tâm của người để làm đầy túi tham… Những chiếc áo đen ấy có bao giờ lại có thể trở thành trắng được?