GN - Thêm một lần nữa, thế giới rúng động vì tin dữ, máy bay mất tích và lại là máy bay của Malaysia, thuộc Hãng hàng không giá rẻ AirAsia. Có 162 hành khách trên chuyến bay QZ8501 đi từ Indonesia tới Singapore trong ngày cuối năm, 28-12-2014 đã tử nạn, đến nay, vị trí máy bay rơi đã xác định thuộc vùng biển Java của Indonesia.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người Phật tử cũng phải
tử tế với bản thân bằng cách thắp sáng tình thương, tuệ giác - Ảnh minh họa
Sống giữa nỗi lo
Ở Việt Nam, cũng trong những ngày cuối năm 2014, nhiều tin dữ được đăng tải, trong đó có hỏa hoạn ở Hải Phòng làm 6 người trong một gia đình bị chết, ở Sài Gòn thì 8 căn nhà ở đường Lê Văn Sỹ (Q.3) cháy rụi trong một đêm, có một nạn nhân tử vong. Dịp lễ qua, mỗi ngày có hàng trăm vụ tai nạn giao thông, cao điểm như ngày 3-1-2015, có tới 38 người chết, đồng nghĩa với chừng đó gia đình rơi vào cảnh tang tóc, mất mát khó nguôi ngoai.
Ở Canada, một gia đình người Việt bị chính người thân dùng súng bắn chết và hung thủ cũng tự sát sau đó trong nỗi bất an về bạo hành gia đình. Ngay trong đêm giao thừa 2015, ở Thượng Hải xảy ra vụ giẫm đạp lên nhau chết mấy chục người và gần 100 người bị thương. Theo dòng thời sự thì ở Úc, nạn khủng bố làm nhiều người hoang mang trước thềm năm mới, trong khi đó, một diễn biến mới nhất, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lại di chuyển tiến sát vùng biển Việt Nam...
Bức tranh cuộc sống rất ảm đạm ở một góc nào đó nhưng những góc khác, mảng sáng vẫn hé lộ, như tình người vẫn còn đó giữa ngổn ngang lo lắng, những sẻ chia ấm nồng, dù chỉ là một cái ôm ngay sân bay - khi hay tin máy bay QZ8501 đã tìm thấy và nhà chức trách đang tiến hành vớt các thi thể nạn nhân. Năm mới, người ta bỏ qua hay làm mới lại suy nghĩ, cách sống để sống tốt hơn, trong tư duy mỗi người tự nhích mình về phía trước theo hướng niềm tin, ánh sáng để đóng góp cho cuộc sống mình đang trải qua. Đừng chờ đợi một sự thay đổi từ người khác hay từ cơ chế mà hãy bung mình ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của cuộc sống chính là chúng ta biết vượt lên chính mình.
Nương tựa “hải đảo tự thân”
Cuộc sống bấp bênh, mạng người mong manh, bé mọn trong kiếp sống nơi Ta-bà thế giới. Học Phật, ai cũng nằm lòng điều đó nhưng thi thoảng vẫn quên nên vẫn thường lấn lướt, tranh giành, hơn thua nhau từng chút, trong nhiều mối quan hệ, khiến ngành công an, tòa án vẫn có việc đều đều. Báo chí cũng vì thế mà “sống” được trong nỗi ngậm ngùi của người cầm bút có tâm.
Nếu nghĩ được rằng mình sẽ chết trong hôm nay thì có lẽ con người ta sẽ không còn tham gì thêm nữa. Sống được với triết lý: khi mình chết, những gì đã xài thì không còn nữa, những gì còn lại thì người khác xài, ta chỉ mang theo những gì đã cho đi - thì con người sẽ biết “thiểu dục tri túc”, để có nghèo cỡ nào cũng có thể cho đi một thứ gì đó.
Không cần cho một điều gì đó lớn lao, và cho không chỉ khái niệm để chỉ cho mỗi việc bố thí tài vật (tài thí) mà nghĩ một điều lành, nói một điều hay, chùn tay trước một điều ác đã là dâng tặng hoa trái cho đời, thêm một lần ghi khắc vào lòng mình lời Phật dạy, nhớ và ứng dụng một cách thiết thực giáo lý, chuyển hóa tự thân trở nên an lạc.
Người học Phật thường tư duy tích cực, thấy biểu hiện cuộc sống có màu bất an thì sẽ biết trở lại tu tập nhiều hơn trong khả năng có thể, bằng cách dừng lại chiêm nghiệm những điều đang diễn ra qua mắt thương (gồm cả tâm bi và trí sáng) - để có thể thấu hiểu và chia sẻ một cách đúng đắn. Khi nghe, thấy những điều chưa hay trong đạo - biểu hiện đây đó ở một vài cá nhân dù là tu sĩ hay cư sĩ mà mình còn buồn thì biết mình còn quan tâm tới đạo pháp, còn thương Phật. Nhưng nếu nỗi buồn đó thành sự bất mãn rồi bỏ chùa, chống phá đạo thì thành ra đồng lõa với cái sai, câu “y pháp bất y nhân” khi đó đã bị quên và đồng thời mình cũng quên ai tu nấy chứng, bản thân mình có thể là ngọn lửa nhỏ thay vì hờn dỗi bóng đêm...
Tức là, khi đó, mỗi người sẽ biết tỉnh táo hơn trong cách nhìn sự kiện, không để dòng thời sự lôi cuốn, dắt dẫn mình quàng xiên vào chỗ mê, chỗ trách hờn, lo sợ. Việc “phản quan tự kỷ” cần sự tinh tế trong cái nhìn và hồi ứng lại với cái xấu diễn ra, bên ngoài lẫn bên trong đạo, làm sao cho lòng mình lúc nào cũng tĩnh lặng, thấy đó là cơ hội tu tập, rèn luyện chứ không phải là nguyên nhân khiến mình buồn hay vui một cách hời hợt.
Người hiền bỏ tất cả,
người lành không bàn dục
Dầu cảm thọ lạc khổ,
bậc trí không vui buồn.
(Kinh Pháp cú số 83)
Nhớ lời dạy con của ông Tôn Vận Tuyền
Tôn Vận Tuyền, nhà chính trị, là một trong những người từng đứng đầu chính quyền Đài Loan (từ 1978-1984) và 12 lời dạy con của ông trở thành mẫu mực về lời dạy con một cách nhân văn được nhiều bậc làm cha mẹ nhắc lại sau này. Trong những lời dạy được xem là “chấn động” đó, ông Tôn Vận Tuyền khéo léo khuyên con trân quý hiện tại: “Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn”.
Trân quý mạng sống mình thì khi gặp khổ đau ta sẽ biết cách vượt qua mà không tự kết liễu như cách nhiều người đã chọn. Trân quý sinh mạng mình thì ta sẽ biết sống cho hiện tại hơn là chạy về quá khứ hoặc tương lai, lao về phía mục đích xa xôi nào đó thay vì tận hưởng công việc mình đang làm mỗi ngày. “Hạnh phúc là con đường” chính là thiền ngữ dặn mình trân quý hiện tại, kiến tạo an vui ngay hiện tại dù hiện tại có thể có những biểu hiện không hay, không đẹp, thậm chí là màu xám.
Cũng giống như ông Tôn Vận Tuyền nhắn nhủ con mình: “Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ tín với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử tốt với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với mình”. Thực ra, đó cũng là cách sống tử tế với tự thân, tự thắp đuốc lên mà đi chứ không trông chờ vào bên ngoài. Tinh thần đó gần gũi và nhân văn, không khác lời dạy của Đức Thế Tôn, bẻ gãy được suy nghĩ dựa dẫm mà đa số chúng ta mắc phải để rồi chính mình không thể ngoi lên được, cứ chìm hoài trong nỗi khổ đau vì những tác động bên ngoài.
Khái niệm tử tế với chính mình được xác lập trong ý nghĩa hiểu mình, thương mình, sống tốt với người để không gieo nhân xấu, nhìn cuộc sống nhẹ nhàng trong hiểu biết sâu chắc về nhân-duyên-quả chính là một lựa chọn sống tích cực. Làm được vậy thì khái niệm tử tế với người mới có thể thực thi một cách bền vững, trọn vẹn, nó cũng tương đồng với lời dạy “tự độ” rồi mới “độ tha”, như nguyên lý khi biết bơi rồi ta mới có thể cứu người chết đuối vậy!
“- Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý này, thì sau này trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập. - Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. - Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. - Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều này chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được”. (Trích những điều ông Tôn Vận Tuyền dạy con nên ghi nhớ trong đời) |
Lưu Đình Long