Trung tâm
Vị sư đi xuồng qua những cơ sở của ngôi chùa bị ngập nước ở Bangkok
Tình trạng khắp nơi bị ngập nước đã đình chỉ tất cả mọi nghi thức trong chùa. Chánh điện bị ngập nước, vì thế mọi người phải ngồi thiền hoặc thực hiện những lễ nghi tụng niệm thành từng nhóm nhỏ ở bất kỳ nơi nào có thể. Nhiều Sa-di (thanh niên PG Thái Lan luôn được thọ giới vào thời điểm nào đó trong đời) phải hoãn lại buổi lễ truyền giới, tạm gát công việc ở chùa để giúp gia đình chạy lũ. Tám vị sư đã phải rời chùa để tìm đến nơi khô ráo hơn.
Đáng buồn nhất là việc xử lý tử thi mỗi ngày. Nước lũ dai dẳng liên tục khiến việc hỏa táng thi thể - một tập tục của địa phương - không thực hiện được.
Sư Phra Kriengkri Nakmi, 47 tuổi, là tu sĩ tại ở chùa Glass Lotus cho biết: “Khi nước rút sẽ có nhiều việc để làm. Riêng đối với các sư, đó chính là việc xứ lý tồn đọng rất nhiều những thi thể cần phải được hỏa thiêu”.
Ngôi chùa giờ đây rất ẩm thấp và đầy muỗi mòng, khác xa những phố thị mua sắm mà chính phủ Thái Lan đang cố gắng giữ gìn để không bị ảnh hưởng cơn lũ. Người dân Thái khó mà chấp nhận hình ảnh những đền chùa bị chìm ngập trong lũ như Glass Lotus. Theo truyền thống, đền chùa địa phương là trung tâm sinh hoạt của dân Thái. Người dân Thái “quy y” theo ngôi chùa làng của mình từ lúc mới sinh ra cho đến khi lìa đời. Mọi sự kiện quan trọng trong đời đều diễn ra nơi đây, sư Phra Kriengkri nói.
Khi một người mất, các vị sư đến nhà tụng kinh nhiều đêm trước khi mang thi hài đến chùa để hỏa thiêu. Nhưng lũ lụt như thế này thì việc hỏa thiêu không thực hiện được. Gia đình phải hoãn lại mọi việc vì họ muốn có một nghi lễ hỏa táng thực hiện đúng cách thức để hồi hướng công đức tối thượng cho người thân yêu đã khuất.
Những nghi lễ khác, như di quan tài quanh giàn thiêu cũng bị gián đoạn bởi nước lũ. Những thi hài từ những cộng đồng xung quanh được mang đến, nên các sư phải cất giữ thi hài nơi cao nhất, khô ráo nhất trong đền. Tuy nhiên, không có thi hài nào thuộc về 530 người đã chết trong cơn lũ.
Càng phức tạp hơn, một số rất đông người dân tìm chỗ trú tại đền khi nước lũ tràn ngập khắp mọi nơi. Hơn 30 gia đình nhét vào những khu nhà ngủ tập thể và một ngôi trường Phật học gần đó, trong khi các nhà sư quấn y vàng di chuyển khắp nơi bằng xuồng.
Chúng tôi đã ở đây được bốn ngày rồi, bà Tu Poesut 62 tuổi nói. Bà đến nương nhờ cửa Phật cùng với bốn người trong gia đình vì mực nước cao đến cổ đã dần dần nhấn chìm ngôi nhà của bà. Ban đầu họ muốn trú tại ngôi trường gần đó, nhưng người ta đã quá đông nên họ đến đây. Bà nghĩ đó cũng là một ý hay, vì bà đã quen thuộc với ngôi đền này, cho dù lũ lụt cũng đã làm ngập cả ngôi đền.
Một người sơ tán khác, ông Sarawut Chaikamdi, 54 tuổi, tâm sự rằng ông sẽ ở lại ngôi chùa này cho dù chân phải của ông đã bị cưa mất và đang ngả sang màu vàng, dấu hiệu của sự nhiễm trùng. Không thể làm gì nữa cả, chỉ chờ đợi mà thôi. Không thể đi đâu được rồi, ông nói thêm.
Sư Phra Kriengkri quyết định làm bất cứ cách nào để không đóng cửa chùa. Mỗi ngày các sư cùng với một người thợ đắp thêm nhiều lớp ngoài của những bức tường bảo vệ. Họ cũng dựng những lối đi bằng gỗ tạm bợ giữa những cơ sở trong chùa để người qua lại thận trọng tránh đường khi đi ngang những chú chó hoang cũng “tạm trú” ở đền.
Vài tuần trở lại đây, sư Phra Kriengkri chỉ trông coi một lần hỏa táng, chẳng qua bởi vì gia đình của người quá cố ở Mỹ nhưng đang đi du lịch đến Thái. Họ phải trở về Mỹ vì không thể đổi vé máy bay.
Những ngày này, nước ở Bangkok đang rút dần, người dân và các tu sĩ Phật giáo, những ngôi chùa bị ảnh hưởng của lũ lụt đang cố gắng khắc phục hậu quả của lũ. Trên bài
|