Một thời Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa. Bấy giờ Tỳ-kheo Cù-ni-sư vì có chút việc nên đến thành Vương Xá, ở tại Vô sự thất, cười đùa kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm như khỉ vượn.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê Tử cùng với chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lê Tử từ đằng xa trông thấy Cù-ni-sư đi đến. Nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo rằng:
…
- Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết thời và đúng thời; không đi vào thôn khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà vào thôn khất thực quá sớm và trở về quá trễ’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.
- Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ; không lấn chỗ ngồi của vị Trưởng lão, bị Tỳ-kheo nhỏ khiển trách. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc Trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách, sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích cật vấn: ‘Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của các bậc Trưởng lão, bị các Tỳ-kheo nhỏ quở trách’. Nếu đến ở trong đại chúng, cũng bị các Tỳ-kheo thường hay chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự, sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Xá-lê Tử tương ưng, kinh Cù-ni-sư, số 26 [trích])
Biết thời tức biết rõ giờ giấc thích hợp cho các công việc như tu tập, khất thực, hoằng pháp, vào làng xóm. Biết thời thì không mấy khó nhưng để đúng thời phải có ý thức và tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhất là, khi vị Tỳ-kheo không sống cùng đại chúng, có thể chủ động thời gian đi về trụ xứ của mình thì sự đúng giờ đòi hỏi phải tỉnh giác, chiến thắng sự dể duôi, tùy tiện. Trừ các sự cố xảy ra ngoài ý muốn, người tu cần tránh đi sớm về khuya. Bởi riêng cái việc đầu tắt mặt tối đi sớm về khuya tự thân đã có cái gì đó không sáng sủa, là nguyên nhân của đàm tiếu, dị nghị của nhiều người.
Khi đi vào hội chúng, vị Tỳ-kheo phải học biết chỗ và tập ngồi đúng nơi. Khi sống độc cư nơi núi rừng hang thất (làm người vô sự) thì muốn đâu ta ngồi đó. Còn khi vào trong hội chúng, tìm được chỗ ngồi phù hợp là biểu hiện luật nghi, đạo đức, văn hóa của người ngồi. Có ba vị trí, thượng tọa là ngồi trên, trung tọa là ngồi lưng chừng, hạ tọa là ngồi sau cuối. Trong nhà đạo thì căn cứ vào hạ lạp (tuổi đạo) lớn hay vừa hoặc nhỏ để tìm chỗ ngồi. Chỉ cần quan sát một Tỳ-kheo tìm chỗ ngồi và quyết định ngồi xuống trong các họp hội đông đảo thì dễ dàng thấy ra cái nhân cách, đạo đức, khả năng tu học của vị ấy.
Mới hay, đúng giờ và biết ngồi tưởng chừng như không có gì quan trọng nhưng nó phản ánh rất rõ tính cách đoan chính cũng như sự chuẩn mực bên trong của một người tu. Thế nên, trước khi nói đến những vấn đề cao xa như giác ngộ, giải thoát, chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc bình thường, đó là học đúng giờ, tập biết ngồi.