Đối tượng áp dụng gồm người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người.
Theo đó, các địa điểm kinh doanh, làm việc gồm: Trụ sở làm việc, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp. Nơi tập trung đông người gồm: Bệnh viện, cơ sở y tế, chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu...
UBND TP.HCM yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) tổ chức hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện sử dụng Hệ thống khai báo y tế điện tử, bảo đảm hạ tầng, an toàn thông tin cho hệ thống; Vận động người dân cài đặt ứng dụng khai báo y tế trên thiết bị di động.
UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Đối với các doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất phải đáp ứng một số điều kiện như đã ký bản cam kết bảo đảm thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch; đã đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc với kết quả là “rất ít nguy cơ lây nhiễm”, hoặc “nguy cơ lây nhiễm thấp”.
Đồng thời, doanh nghiệp phải bảo đảm nơi ở tập trung (nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến tại doanh nghiệp) cho người lao động; bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Thành phố cũng yêu cầu tất cả người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung, nơi làm việc trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất.