Từ mái chùa tuổi thơ nghĩ về giáo dục Phật giáo

GN - Ngôi chùa là một trong những hình ảnh xa xưa nhất của tuổi thơ tôi.

Đó là những năm tôi còn chưa đến trường, mỗi tối 14 và 30, ba thường chở tôi đến chùa tham dự lễ sám hối. Sau khóa lễ, thầy trụ trì thường dành 15-20 phút để thuyết giảng. Tôi không thể nhớ thầy đã giảng gì, nhưng thầy ngồi đó, bên ngọn đèn manchon, vây quanh là chúng Phật tử - hình ảnh đó vẫn luôn tỏa sáng lung linh trong ký ức tuổi thơ tôi.

 
a vd 4.jpg


Thầy Nhuận Đức hướng dẫn các em vui - học và tu - Ảnh: NVCC

Ít lâu sau, do không thuận duyên, thầy phải rời đi. Ngôi chùa, không chắc vì lý do gì, đã bị cháy rụi. Tôi dần lớn lên, gia nhập Gia đình Phật tử sinh hoạt trong chúng Oanh vũ dưới mái chùa che tạm bằng tole nhỏ bé, nóng bức.

Lên cấp hai, tôi được học tại ngôi trường ngay cạnh chùa. Mỗi giờ ra chơi, lũ trẻ chúng tôi thường băng qua bờ rào dâm bụt của trường để sang chùa. Chùa vắng vẻ, không thầy nên càng vắng vẻ hơn. Chúng tôi loanh quanh leo trèo, chạy nhảy, thỉnh thoảng dòm vào bên trong chánh điện, thấy Đức Quán Thế Âm Bồ-tát đứng đó, một mình, yên lặng, kham nhẫn. Ngài không nói gì, lũ trẻ chúng tôi cũng bặt nói cười; nhưng, bài pháp của sự lặng yên đó vẫn lắng mãi trong tôi băng qua những tháng năm dài…

1. Với những ký ức làm hành trang đó, nên khi thấy hình ảnh gần ba chục đứa trẻ ngồi quây quần dưới nền ngôi tịnh thất không tên của thầy Nhuận Đức tại huyện Đất Đỏ để học vẽ và nặn tượng, tôi thấy lòng mình bồi hồi, xúc động khôn xiết tả.

Thầy Nhuận Đức còn khá trẻ, ngoài 40, nhưng đã có gần ngần ấy năm sống dưới mái chùa và gần 20 năm cầm cọ, sau chuyên về tạc tượng. Những pho tượng được thầy nặn nên từ đất sét luôn có gương mặt từ bi, thánh thiện, thoáng nhẹ một nụ cười “vô ngôn”. Nụ cười đó đã làm xao lòng bao nhiêu đứa trẻ, và cả người lớn? - tôi không biết! Nhưng, chắc chắn tôi biết thầy đã đem lại hạnh phúc cho nhiều người, mà cụ thể là những đứa trẻ mỗi Chủ nhật được đến chỗ thầy chơi và học - cùng với phụ huynh của chúng.

Thầy kể, có mấy em nhỏ, khi được ba mẹ bảo chở đến chùa, chúng liền lưỡng lự, bảo đến chùa “chán chết”. Vậy mà đến được rồi, khi ra về thì khuôn mặt em nào cũng rạng ngời, phấn khởi, trông mau đến ngày Chủ nhật để nhắc mẹ “chở con vào thầy”.

Thầy Nhuận Đức về dựng ngôi tịnh thất “Không Tên” này được 10 năm, với mục đích làm nơi tịnh tu và là nơi để thầy chuyên tâm tạc tượng. Nhiều năm liền, tịnh thất không tên vắng vẻ, bình yên như mong muốn ban đầu của thầy. Nhưng sau chuyến hành hương, Phật sự tại Ấn Độ trở về, xúc động với mô hình giáo dục trẻ em Ấn Độ của một số Tăng Ni người Việt bên đó, thầy bắt đầu nghĩ đến việc giáo dục trẻ em tại địa phương nghèo này bằng phương pháp vui - học - và tu. Do đó, tịnh thất không tên của thầy trở nên rộn rã tiếng cười của trẻ em vào mỗi ngày Chủ nhật.

Trong một thông báo trên Facebook, thầy viết: “Nhằm tạo điều kiện cho các em có một sân chơi lành mạnh và bổ ích, mùa hè năm nay thầy sẽ hướng dẫn cho các em vẽ tranh và nặn tượng. Vì không gian giới hạn, thầy chỉ hướng dẫn được khoảng 20 em. Ưu tiên cho các em có sở thích và đam mê hội họa. Thời gian học từ 8h sáng đến 4h chiều Chủ nhật hàng tuần. Chủ nhật ngày 28-5-2017 sẽ bắt đầu ngày học đầu tiên. Buổi sáng các em được vẽ tranh, buổi chiều nặn tượng. Quý phụ huynh nào muốn đăng ký cho con em mình theo học thì liên lạc với thầy nhé”.

Trong một thời gian ngắn, lớp học của thầy đã quá tải. Thầy phải cố gắng sắp xếp không gian cho 30 em theo học; ngoài việc miễn học phí, dụng cụ và vật liệu, thầy còn bao luôn cả buổi ăn trưa. Có phụ huynh ở xa than thở trên “tường nhà Facebook” của thầy rằng: “Phải chi con ở gần thầy thì hay biết mấy. Con gái út của con mới 5 tuổi nhưng rất thích vẽ”.

a vd 2.jpg


Tác phẩm tô màu của các em

Nhìn những tác phẩm “đầu đời” của các em được thầy “khoe” trên mạng, nhiều phụ huynh tấm tắc: “Nét vẽ và tính sáng tạo của các bé thật tuyệt thầy ạ! Hy vọng rồi đây không chỉ ở trường, mà ở nhiều chùa, tự viện nơi có những em nhỏ sinh hoạt, các em có cơ hội được thổi hồn vào tranh và tượng”.

“Vậy là các con may mắn đã có kỳ nghỉ hè thật ý nghĩa!” - một phụ huynh cảm thán. Ý nghĩa vì “các con được học vẽ, được nặn tượng Phật, được đọc những câu kinh ý nghĩa và ăn chay cùng thầy. Hy vọng những hạt mầm thiện lành này sẽ sinh sôi nẩy nở ngày một lớn mạnh trong các con!” - lời thầy Nhuận Đức.

Thầy còn cho biết thêm, ngoài việc hướng dẫn vẽ và nặn tượng, thầy còn bày cho các em chơi trò chơi nhỏ, đặc biệt dạy các em những câu kinh ngắn hết sức ý nghĩa. Thầy còn soạn một tập tranh về “Đức Phật với tuổi thơ” rất dễ thương, sinh động để các em tô màu. Nhìn các em ngồi học với nhau, “nhắc nhở” nhau việc thực hành “không làm các việc ác” khi nghịch ngợm chơi đùa, thầy cảm nhận được những niềm vui tuy nhỏ mà ích lợi rất lớn trong việc giáo dục trẻ thơ.

2. Trẻ thơ là mầm non tươi sáng, là tương lai của xã hội. Những mầm non ấy có thể trở thành đại thụ cho hoa lành quả ngọt, có thể tỏa bóng mát cho đời hay không... phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục.

Trong kinh điển Phật giáo, những bài kinh dạy về giáo dục trẻ thơ tuy không nhiều, song không có nghĩa Đức Phật không chú trọng đến những mầm non này.

Chuyện kể rằng, khi Đức Phật cùng Tăng đoàn trở về hoàng cung Ca-tỳ-la-vệ, Da-du-đà-la cầm tay con trai bé nhỏ của mình đứng trên lầu cao nhìn xuống. Nàng chỉ vào Đức Phật và bảo rằng “người đi đầu là cha của con đó”, và “con hãy đến xin tài sản của cha đi”. La-hầu-la hồn nhiên nghe lời mẹ, đến xin Phật. Phật hứa sẽ trao cho cậu một “loại tài sản đặc biệt, siêu thế”, đó chính là “thánh sản”. Kết quả là La-hầu-la theo Phật tập sự xuất gia.

Bấy giờ cậu bé mới 7 tuổi. Do còn nhỏ, La-hầu-la nghịch ngợm và thỉnh thoảng còn nói dối, lừa gạt những người đến viếng Phật. Nhiều bài kinh mô tả sinh động cách Đức Phật đã dạy La-hầu-la như thế nào.

Một hôm, Đức Phật nói với La-hầu-la: “Con hãy mang cho ta một chậu nước. Ta muốn rửa chân”. Rửa xong, Ngài hỏi La-hầu-la: “Con có uống được nước này không?”. “Thưa không, vì nước đã bẩn!”, La-hầu-la trả lời. Phật bèn bảo La-hầu-la đổ nước đi. “Khi nước đã bị bẩn, không ai muốn dùng nước đó. Cũng tương tự như những người nói gian dối, không ai ưa thích chúng nữa”, Ngài dạy. Những giọt nước mắt xấu hổ đã ứa ra trong đôi mắt của La-hầu-la, cậu Sa-di tự hứa sẽ không bao giờ nói điều gì gian dối nữa.

a vd 1.jpg


Tác phẩm được các em thể hiện bằng đất sét - Ảnh: NVCC

Trong kinh A Dục vương nhân duyên (Tạp A-hàm), chúng ta có thể thấy một hình ảnh tuyệt vời khác của Đức Phật. Hôm nọ, Phật và A-nan vào thành khất thực. Các Ngài bắt gặp hai cậu bé đang nghịch bên đường, lấy cát mịn giả làm thức ăn. Trông thấy Phật, một cậu bé khởi lòng kính ngưỡng lớn, vội vốc một nắm cát (thức ăn) đặt vào bát Ngài. Đức Phật mỉm cười thọ nhận trước ánh mắt ngạc nhiên của ngài A-nan. Ngài bảo: “A-nan! Hãy lấy nắm cát được bố thí trong bát đổ ra nơi chỗ Như Lai kinh hành. Ta sẽ đi nơi đó”. Ngài dạy, nhờ niềm tin và lòng kính ngưỡng ấy mà cậu bé được phước rất lớn, 100 năm sau ngày Phật nhập diệt, cậu sẽ tái sanh làm một đại vương, làm hưng thịnh Chánh pháp trên toàn cõi Ấn Độ. Cậu bé ấy chính là A Dục vương sau này!

Trong kinh Pháp hoa cũng có những hình ảnh rất dễ thương về trẻ em. Đó là hình ảnh những đứa trẻ chơi đùa, lấy đất đá xây chùa miễu để chơi, hoặc là bẻ “cỏ cây làm bút, hoặc lấy móng tay mình, mà vẽ làm tượng Phật. Những hạng người như thế, lần lần chứa công đức, đầy đủ tâm đại bi, đều đã thành Phật đạo”.

Cho nên trẻ có thể học mà chơi, chơi mà học, và cũng có thể nói “chơi mà tu”. Các phép tu dành cho trẻ em luôn giản dị và vui như thế, song không thể coi thường được.

3. Phật giáo Việt Nam hiện nay đã chú trọng hơn trong việc giáo dục trẻ em thông qua nhiều khóa tu mùa hè sinh động; bên cạnh đó là hoạt động giáo dục của Gia đình Phật tử lâu nay. Tuy vậy, so với một số tôn giáo khác, giáo dục trẻ em của Phật giáo nói chung và Phật giáo nước ta nói riêng dường như chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư thích đáng.

a vd 3.jpg


Từ lớp học của thầy Nhuận Đức - sẽ ít nhiều gieo vào trong lòng các em nếp sống thiện lành - Ảnh: NVCC

Nhìn vào thành quả hoạt động của Phật giáo VN, chúng ta có thể bắt gặp nhiều con số khả quan. Giáo dục Phật giáo VN cũng có những kết quả tích cực. Song, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Phật giáo nói riêng hiện như thế nào? Những sinh hoạt tại tự viện, nơi có thể trở thành “sân chơi” - chơi mà tu - cho các em hiện ra sao? Những câu hỏi đó vẫn luôn là nỗi trăn trở của những người quan tâm đến giáo dục Phật giáo.

Đành rằng Phật giáo nước ta hiện có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy vậy, những con số không phải lúc nào cũng có thể lấy làm thước đo cho sự thành tựu. Nếu chỉ khởi sắc về hình thức, nghi lễ thì chưa hẳn đủ cho nội dung phát triển của một tôn giáo. Nhiều tôn giáo trên thế giới hiện nhận ra sự xuống dốc, sự tụt giảm tín đồ trung thành và họ tích cực đi tìm phương pháp thực hành thích hợp để tăng trưởng sức mạnh nội tại, là sức mạnh bền vững, lâu dài. Do đó, Phật giáo cũng nên lấy đó làm bài học, và bài học đó rất nên được áp dụng cho những mầm non, là tương lai của cộng đồng, xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.