Từ kinh Pháp hoa nhìn về kinh Nguyên thủy

(Tiếp theo GN 875 - Từ kinh Pháp hoa nhìn về kinh Nguyên thủy)

GN - Phật giáo Đại thừa nhìn về Phật giáo Nguyên thủy, lấy kinh Pháp hoa làm chuẩn, vì kinh Pháp hoa thể hiện được tính cách cao nhất trong tinh thần nhất quán. Trong khi các kinh khác chuyên Đại thừa, hay thuần Đại thừa thì dễ rơi vô cực đoan.

buddha.jpg

Theo Trí Giả, trước tiên Phật nói kinh Hoa nghiêm, rồi đến kinh A-hàm, kinh Phương đẳng, kinh Bát-nhã, kinh Pháp hoa và kinh Niết-bàn. Ngài phán định như vậy, đương nhiên về mặt tín ngưỡng, mặt tu chứng chấp nhận được. Nhưng về mặt lịch sử thì khác với lãnh vực tu hành, nên cách nhìn theo ngài Trí Giả không được chấp nhận.

Thật vậy, nếu nhìn theo lịch sử thì giống nhau, nhưng về tôn giáo, mỗi người có một cách nhìn khác nhau và về tu chứng còn thay đổi theo từng giai đoạn tu hành.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta học Phật, làm sao phải thấy xuyên suốt là Phật thừa, tức thấy theo Phật thì tất cả Phật đều thấy giống nhau, gọi là Phật Phật đạo đồng.

Chúng ta chọn kinh Pháp hoa là đứng lập trường Phật thấy có 84.000 pháp môn khác nhau, mà pháp môn nào cũng đúng, cho nên đương nhiên có 84.000 chân lý khác nhau của người tu. Nói dễ hiểu, ngay bản thân chúng ta khi mới xuất gia có cái thấy khác với khi đã trải qua thời gian dài tu hành và cái thấy còn khác hơn nữa khi chúng ta thành đạo.

Mở đầu kinh Pháp hoa có kinh Vô lượng nghĩa và kinh Vô lượng nghĩa thống nhiếp từ kinh Nguyên thủy đến kinh Đại thừa, hay một đời thuyết pháp của Phật, đó là cách nhìn của Pháp hoa.

Tại sao gọi là Vô lượng nghĩa. Vì Phật tùy duyên thuyết pháp. Các anh em theo Phật, nhớ tùy duyên là tùy hoàn cảnh, tùy trình độ, tùy thời kỳ, tùy quốc độ khác nhau mà có cách ứng xử tương ưng. Điều này rất quan trọng. Nếu chúng ta vào vùng ngoại đạo, biết tùy duyên như Xá Lợi Phất sẽ không chết, hay cao hơn, như Phật chuyển ngoại đạo thành Phật đạo.

Kinh Nguyên thủy nói về cuộc đời của Đức Phật từ Phật Đản sanh đến Phật Niết-bàn. Nhưng theo Trí Giả, Phật chỉ nói kinh A-hàm trong 12 năm đầu, về sau còn có kinh Phương đẳng (Thông giáo-Quyền thừa), Bát-nhã (Biệt giáo-Đại thừa), Pháp hoa (Viên giáo-Thượng thừa).

 Kinh A-hàm theo Trí Giả là thực tế cuộc sống, thực tế lịch sử. Nói cách khác, là Bát Chánh đạo (Thanh văn tạng).

Vì vậy, kinh Nguyên thủy nói rằng Phật dạy các Tỳ-kheo thành tựu Bát Chánh đạo, tức hoàn tất 37 Trợ đạo phẩm, bấy giờ đứng trên lập trường Bát Chánh đạo giáo hóa chúng sanh sẽ không trở ngại.

Và đỉnh cao của Bát Chánh đạo là kinh Bát-nhã, tức qua thời kỳ thứ ba theo ngài Thiên Thai là Bát-nhã thể hiện giới, định, huệ. Huệ này do tu mà có.

Tăng Ni phải học và tu Bát Chánh đạo, trước nhất bề ngoài quan trọng cần thực hiện là bốn oai nghi. Và Tỳ-kheo phải thường sống trong chánh định, tức do tâm ổn định thì tướng bên ngoài mới trang nghiêm. Nhưng đạt được chánh niệm, tâm hoàn toàn vắng lặng thì vào định mới có chánh định. Nghĩ lung tung mà vô Thiền là tà định.

Sở đắc đầu tiên của người tu Thiền là không bị xã hội và thiên nhiên chi phối, không biết đói khát nóng lạnh. Tôi gặp một thiền sư nói rằng con người có cơ thể kỳ diệu, phải nuôi lớn điều kỳ diệu đó để thành Phật, thành Thánh; đừng  phá hỏng lực kỳ diệu này mà trở thành tàn phế.

Tôi thấy nhận xét này rất đúng, vì Phật dạy rằng các loài hữu tình như súc vật, hay quỷ thần không có cơ thể kỳ diệu, nói theo ngày nay là chúng không có cấu trúc cơ thể và hệ thần kinh đặc biệt như chúng ta, nên không tu thành Phật được.

Theo thiền sư này, trời lạnh thì tế bào da của chúng ta có khả năng tự đóng kín lỗ chân lông để bảo vệ sức nóng trong cơ thể. Vị này áp dụng Thiền, có thể nhịn đói cả tuần, hay cả tháng, cho thấy cơ thể có khả năng   kỳ diệu, tự điều tiết để không sanh bệnh. Nhưng con người đánh mất lực kỳ diệu, vì cơ thể chưa cần, lại tìm ăn cho dư thừa. Thừa đạm thì bị thấp khớp, hay thừa chất béo, chất bột, chất đường… gây ra bệnh, vì nghiệp ăn, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tôi có người bạn ăn đến béo phì, bụng to, phải đi bác sĩ quanh năm.

Nói tới chánh định, phải biết kết hợp chánh định của A-la-hán với Vô lượng nghĩa xứ định trong kinh Pháp hoa, hoặc lấy Thủ lăng nghiêm tam muội để đối chiếu với chánh định.

Chánh định của A-la-hán mới diệt được kiến hoặc và tư hoặc, tức không bị tình cảm chi phối, không bị xã hội và thiên nhiên chi phối. Trên bước đường tu học, một số người cố nhồi nhét nhiều dữ kiện làm cho cái đầu muốn vỡ ra, như vậy là hỏng. Giai đoạn một, phải học, nhưng học xong, phải xả. Riêng tôi, học tất cả kinh Nguyên thủy cho đến kinh Đại thừa, không bỏ sót kinh nào; nhưng thực tập pháp tu, tôi xả lần, cho đến giảng kinh, tôi không cần tư liệu gì cả.

Chánh định của Bồ-tát là phá được trần sa hoặc. A-la-hán phá kiến hoặc là sai lầm về nhận thức theo xã hội. Không tu, cứ nói rằng lịch sử như thế này, xã hội như thế này… và khi nghe nói khác, liền bực tức cho rằng người ta sai. Đây là bệnh của người học nhiều quá, ôm chặt một mớ kiến thức xã hội, nhưng không dùng vô đâu được.

Tu hành, chúng ta phải phá bỏ kiến hoặc là phá bỏ kiến thức xã hội và phá bỏ cả kiến thức về giáo pháp. Học đủ, nhưng tu phải xả bỏ. Trước kia, tôi gặp một thiền sư rất đặc biệt. Ông có một tủ sách quý, tôi đến hỏi về kinh Duy ma, thì ông lấy cuốn kinh Duy ma xé, hỏi kinh Hoa nghiêm thì ông xé kinh Hoa nghiêm, hỏi đến đâu, ông xé đến đó. Tôi nói vậy, anh em chưa đắc Thiền, nhớ đừng xé kinh, bắt chước không được.

Ngày nay tu hành phải thường xuyên kiểm tra cuộc sống mình có thực đứng ở Bát Chánh đạo hay không. Đứng ở Bát Chánh đạo, mỗi thầy đi một hướng, vì Bồ-tát đa hạnh, mỗi thầy có một hạnh. Kinh Nguyên thủy ghi rằng đắc La-hán, mỗi người mới đi một hướng.

Và kinh Đại thừa khai thác mảng này, mỗi người đi một hướng khiến chúng ta nghĩ là không đi chung, nhưng người chưa đắc La-hán thuộc hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo đi một hướng khác nhau, rồi bị nạn, bị chết. Từ đó, Phật dạy rằng hai thầy phải đi chung.

Lúc trước Phật bảo mỗi người đi một hướng, nay lại bảo phải đi chung. Điều này cho thấy rõ Phật thuyết pháp phương tiện không giống nhau, cho nên chúng ta cố chấp là sai.

Và mỗi thầy đi một hướng còn có nghĩa thứ hai quan trọng là Tỳ-kheo đắc La-hán thấy nhân duyên, nên không đi chung, vì phải tìm người có duyên để giáo hóa. Thí dụ, Mã Thắng đi đến Vương Xá thành, vì Ngài biết mình có duyên với Xá Lợi Phất, nên âm thầm đi đến đó khất thực cho Xá Lợi Phất trông thấy, theo tu.

Đắc A-la-hán, có trí tuệ, thấy nhân duyên sanh thì đi theo nhân duyên này. Trong tám cửa bát quái, đi vô cửa sanh thì sanh, đi vô cửa tử, nhưng không nghĩ đến chết, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi, thì vô đây phải chết. Cửa tử là chỗ có người thù nghịch, đút đầu vô làm sao sống nổi.

Phật đến thôn Ưu Lầu Tần Loa độ ba anh em Ca Diếp thành A-la-hán. Vì Phật biết rõ nhân duyên của Ngài với những người ngoại đạo này. Thứ hai là Phật cũng biết sự bế tắc trong việc tu hành của họ. Chúng ta không biết hai điều này, bắt chước Phật vô làng ngoại đạo là ta đến với người thù, tất nhiên không thể sống được. Và nhu cầu của họ cũng khác, ta không thể đáp ứng là hỏng việc. Nói cách khác, cho cái họ cần, đừng cho cái chúng ta có.

Vì vậy, nguyện thứ nhất của Phật Dược Sư là hào quang của Ngài chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, nghĩa là muốn giáo hóa chúng sanh, phải có hào quang, tức trí tuệ để thấy tâm tư, nguyện vọng của chúng sanh; không thấy như vậy, làm sao giáo hóa. 

Kinh Nguyên thủy cũng dạy rằng đối với người bị trúng mũi tên độc, phải lo rút mũi tên ra và băng bó vết thương; những điều cao siêu khác không cần thiết.

Và nguyện thứ 11 của Phật Dược Sư, nếu có người nào nghèo cùng đói khát vì cầu thức ăn mà tạo nghiệp ác, thì Ngài cho họ có đủ vật thực và dạy pháp Phật khiến cho họ được Vô thượng Bồ-đề.

Bảo họ đừng làm ác, phải cho thức ăn, họ mới không làm ác nữa. Có trí tuệ, chúng ta cho thức ăn trước, dạy Phật pháp sau.

Mỗi người đi một hướng để hành đạo Bồ-tát, nhưng trăm sông đều đổ về biển cả. Tu hành các pháp môn không giống nhau, nhưng thành Phật là một. Đó là kiến giải của Đại thừa, phá trần sa hoặc, nhìn thẳng vào nghiệp của chúng sanh và thấy nhân duyên độ được chúng sanh, chắc chắn giúp họ an vui, giải thoát.

Kinh Nguyên thủy nhìn kinh Đại thừa qua kinh Pháp hoa, lấy đỉnh cao là Vô lượng nghĩa xứ tam muội. Nhập định này sẽ tác động mọi người khát ngưỡng Chánh pháp. Trở về thực tế, khi các thầy thuyết pháp, họ chán, không muốn nghe. Tôi khuyên các thầy không thuyết pháp nữa, mà nên nhập định. Nếu không nhập định được, thì nhập thất tụng kinh, lạy Phật, suy nghĩ về bốn oai nghi của mình, suy nghĩ xem việc làm của mình có còn ở trong Bát Chánh đạo hay không.

Kinh Vô lượng nghĩa là một đời Phật thuyết pháp, từ người nghèo nhất cho đến người cao sang và cả chư Thiên, Phật đều trải lòng từ đến tất cả muôn loài mà kinh Đại thừa diễn tả là Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định. Và trời mưa hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa, tiến xa hơn, thấy bạch hào tướng của Phật chiếu đến phương Đông, nương theo ánh quang đó, hội chúng thấy diễn tiến từ địa ngục A-tỳ đến Trời Sắc Cứu Cánh. Chỉ một câu như vậy của kinh đã thể hiện đạo lực sống động.

Nói cách khác, sau 49 năm Phật thuyết pháp xong, Ngài Niết-bàn, không nói nữa. Người người mới ôn lại lời Phật dạy, hình thành các kinh điển Nguyên thủy, Đại thừa, Kim Cang thừa. Mỗi người suy nghĩ một cách và diễn tả khác nhau, để tìm an lạc cho mình và mang an lạc cho người.

Kinh Nguyên thủy nói rằng những gì Phật cần nói, Ngài đã nói, cho nên kinh Nguyên thủy chỉ suy nghĩ và căn cứ vào những gì Phật đã nói.

Trong khi kinh Đại thừa diễn tả là nương ánh quang Phật, tức nương trí tuệ Phật, nghĩa là kinh Đại thừa suy nghiệm về tu chứng của Phật, về những gì Phật chưa nói, để có được cái thấy chính xác rằng chúng sanh nghĩ gì, cần gì, có khả năng gì mà theo đó đáp ứng, thể hiện yếu nghĩa tùy duyên. Điều này thể hiện rằng hành giả Đại thừa đã triển khai từ kinh Nguyên thủy những yếu nghĩa cốt lõi mà Phật muốn nói qua cánh cửa Vô lượng nghĩa đi vào bộ kinh cao tột là kinh Pháp hoa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.