Từ kinh Đại thừa nhìn lại kinh Nguyên thủy

(Bài giảng tại Học viện Phật giáo  VN - TP.HCM, ngày 31-7, 18-9, 25-9 và 16-10-2016)


GN - Sau Phật Niết-bàn, trong Phật giáo có thành phần tiến bộ hoạt động theo hướng phát triển, vì phát triển là xu thế tất yếu của thời đại. Từ đó mới có Phật giáo Phát triển khác với Phật giáo Nguyên thủy.

Thí dụ loài người sơ khai chưa tìm được lửa, nên họ ăn sống, nhưng khi con người văn minh, tiến bộ, tìm được lửa, người ta đã biết nấu chín thức ăn và biết tìm hạt giống trồng tỉa…

Phật giáo phát triển cũng vậy, sau Phật nhập diệt 500 năm, từ Phật giáo Nguyên thủy tiến sang Phật giáo Đại thừa cũng căn cứ trên lời Phật dạy mà phát triển, không phải giữ nguyên.

Tuy nhiên, phát triển, nhưng không được khác với giáo lý căn bản. Vì vậy, Phật giáo phát triển, đổi mới để thích nghi, nhưng không ngoài nghĩa giải thoát của Phật. Nếu phát triển làm lệch hướng giải thoát là rơi vào tà đạo. Tăng Ni phải thấy rõ ý này.

buddha.jpg

Từ Phật giáo Nguyên thủy nhìn lên Phật giáo Đại thừa, rõ ràng là có hướng phát triển mà căn bản là Tứ Thánh đế. Căn cứ vào pháp tu Tứ Thánh đế giúp chúng ta từng bước được giải thoát. Nói cụ thể, điều chứng được thứ nhất là không lệ thuộc xã hội, không lệ thuộc thiên nhiên. Tu sĩ, hay cư sĩ đều phải bớt lệ thuộc hai thứ này, vì lệ thuộc nhiều thì phát sinh phiền não, nghiệp chướng, trần lao, không được giải thoát.

Và áp dụng Thiền Tứ niệm xứ, chứng quả Dự lưu đầu tiên thì không lệ thuộc xã hội và thiên nhiên, nói rõ là không lệ thuộc ăn, mặc, ngủ, nhờ đó có cái nhìn sáng suốt, thấy việc nên làm, việc không nên làm. Tiến lên cao, đắc La-hán, đạt được Bát Chánh đạo thể hiện đời sống mẫu mực của người tu, là pháp căn bản của Phật giáo Nguyên thủy; nhưng Phật không dừng lại ở điểm này.

Thật vậy, sau khi giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như và 50 thanh niên dòng Da Xá đắc quả A-la-hán, Phật bảo mỗi người đi một hướng để truyền đạo, nghĩa là phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo.

Chưa đắc La-hán mà truyền đạo, dễ lệch hướng. Đắc La-hán mới tin mình được, vì đã có cái nhìn sáng suốt, mới không mắc sai lầm, biết rõ yêu ma mới có thể vào đời độ sanh. Phật khuyên mỗi người đi một hướng là phát tâm Đại thừa độ sanh, không phải đắc La-hán rồi vô Niết-bàn, nhập diệt luôn.

Đắc La-hán, phải nghĩ đến độ người khác, là hướng đi lên từ Nguyên thủy sang Đại thừa.

Đắc La-hán thấy chính xác, thấy người đáng độ, việc đáng nói, nhưng cũng phải thấy thêm điều đúng đắn này có nên nói hay không. Chưa nên nói, vì chưa phải lúc. Nói sớm không được, nói muộn cũng không được, phải nói đúng lúc và nói với ai. Phật biết rõ nhân duyên của Ngài với người cần được Ngài độ, Ngài mới xuất hiện để giảng dạy. Phật chỉ độ được người có duyên, không phải gặp ai Ngài cũng nói. Phật cho biết Đức Di Lặc đủ điều kiện thành Phật, nhưng Ngài chưa ra đời, vì chưa phải lúc, là chưa có đúng đối tượng để Ngài giáo hóa.

Tăng Ni nghĩ rằng học xong, đi thuyết pháp giáo hóa, nhưng biết bao người làm vậy mà bị chết, gọi là tử đạo, nhưng có nên tử hay không. Tu hành, không được nông nổi, phải cẩn thận. Biết điều đúng, nhưng nói vì bị kích động, vì bực tức là nguy hiểm, chuốc họa vào thân. Làm hoằng pháp phải nhớ rõ điều này.

Trên bước đường giáo hóa độ sanh, Phật nói đúng người, đúng lúc. Thật vậy, Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như đắc Thánh quả và độ Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp rồi, tức Phật chuyển hóa được ngoại đạo, sau đó Phật có trên một ngàn đệ tử thì uy tín Phật lớn như vậy, vua Tần Bà Sa La mới ngưỡng mộ Phật, Phật mới trở lại Vương Xá thành, gặp Tần Bà Sa La. Ông liền dâng cúng Phật tịnh xá Trúc Lâm, nghĩa là Phật đã đến đúng lúc. Lúc đó, Phật có trên một ngàn đồ chúng xuất gia, Ngài phải nghĩ đến chỗ ăn ở cho họ. Với số lượng người đông như vậy, chỉ có vua Tần Bà Sa La kham làm và vua đã hỗ trợ mùa an cư đầu tiên. Nếu trước đó, vua cúng dường khu vườn này, chắc chắn Phật không nhận, vì đặt để ai ở đây. Hành đạo đúng lúc, đúng người, đúng chỗ mới đạt được kết quả tốt.

Chúng ta là đệ tử Phật cũng lấy trí tuệ làm gốc, tất yếu phải có cái nhìn theo Phật, là nhìn từ Nguyên thủy tiến lên Đại thừa. Khi Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh ở Trung Quốc, tông Thiên Thai và tông Hoa Nghiêm ra đời. Bấy giờ, chư Tăng lấy hai bộ kinh Đại thừa quan trọng này làm định hướng tu hành.

Tông Thiên Thai khởi đầu từ ngài Huệ Văn và tiếp theo là Huệ Tư thiền sư, do ngộ Đại Trí độ luận của Bồ-tát Long Thọ mới phát triển thành Tam trí tam quán. Trước tiên, ngài Huệ Văn tiếp nhận Trung quán luận của Long Thọ và ngài thực tập có kết quả, đưa ra kiến giải rằng Thanh văn thấy pháp khác, Bồ-tát thấy pháp khác và Phật thấy pháp khác, tức thấy không đồng nhau, gọi là Tam thừa.

Thật vậy, Thanh văn đã đoạn kiến hoặc, tư hoặc, đắc La-hán, nên thấy pháp khác với chúng sanh còn kẹt kiến hoặc, tư hoặc. Thương thì thấy tốt, không thương thì thấy xấu, gọi là tư hoặc, tức thấy theo tình cảm. Thấy theo sách vở, học vấn là kiến hoặc thì người học pháp này biết pháp này, không chấp nhận cái biết của người khác, nên luôn đối phó, cạnh tranh, không giải thoát và ở  trong sinh tử luân hồi.

Trong khi Thánh A-la-hán đã đoạn kiến hoặc và tư hoặc, nên thấy chính xác. Họ không thấy bằng tình cảm, bằng học thức, nhưng thấy bằng trực giác, đó là kiến giải theo tu chứng của La-hán.

Thấy theo kinh nghiệm và biết theo sách vở sẽ trở thành học giả, nhà nghiên cứu, không phải là Thánh giả, Hiền giả, hay tu sĩ. Vì vậy,  nhiều khi quý vị học bên ngoài với giáo sư là nhà nghiên cứu, họ không phải là thầy tu, mà quý vị lại chịu ảnh hưởng, thì trở thành học giả, không phải là tu sĩ nữa.

Thánh giả, Hiền giả chủ yếu thực tập pháp Phật và tu hành mà chứng ngộ, không qua kinh nghiệm, hiểu biết theo sách vở, đó là cái tự nhiên biết thì nhìn người biết họ xấu tốt thế nào, họ làm được gì, nên giao việc là thành công, thể hiện sự thấy biết chính xác. Còn thấy theo kinh nghiệm, sách vở dễ phạm sai lầm, may lắm đúng được 50%.

Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng khi tôi hỏi mà ngài trả lời không suy nghĩ, có thể chính xác đến 70-80%, nhưng suy nghĩ trả lời đúng 50% là tốt rồi. Vì có suy nghĩ là vọng thức, vọng niệm, vọng tâm. Trả lời bằng vọng thức thì may lắm đúng một nửa. Bằng vô tâm, Phật biết chính xác 100%, Bồ tát biết được 80%, Thanh văn biết được 70%. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải học, thực tập và chứng được pháp Phật để thấy biết đúng đắn.

Hiểu biết của thế tục do học, nhưng cái biết của ngoại đạo do ma lực, chúng ta nên cẩn thận, ngày nay gọi là bùa chú. Do chúng ta trì chú, cầu đảo, van xin thì tương ưng với ma nào, ma đó sẽ cho chúng ta biết, là biết theo ma. Nhưng ma không dựa nữa, chúng ta không biết, tà giáo thường rơi vô tình huống này.

Lịch sử cho thấy Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp luyện bùa, nhưng Phật đến thì đạo lực của Ngài mạnh hơn, khiến cho ma lực phải tan; nói cách khác, khi có Phật, ma không dựa ông được là ông mất thần thông. Bao nhiêu công phu luyện tập bùa chú của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp bỗng chốc tan biến. Điều này dễ hiểu, thí dụ đơn giản như khi chúng ta đối trước một bậc tu hành đạo cao đức trọng, tự nhiên khiến cho mình trở nên lúng túng.

Trên bước đường tu, chúng ta biết do chư Thiên mách bảo, là nhờ căn lành, đạo đức của chúng ta. Thật vậy, khi trì giới thanh tịnh, tâm tốt, Long thiên Bát bộ thường đến hộ trì, giúp chúng ta biết được một số việc. Và được như vậy, chúng ta nỗ lực tu sẽ được cái biết bằng trực giác. Đó là khi thực tập Thiền quán, tự nhiên tâm thanh tịnh khiến chúng ta biết đúng việc sẽ xảy ra.

Trường chúng ta chọn dạy bộ kinh Pháp hoa là kinh cao nhất trong hệ Đại thừa và kinh A-hàm tiêu biểu cho hệ Nguyên thủy, hay kinh Nikaya theo hệ thống Pali.

Người Đại thừa đối chiếu kinh Đại thừa với Nguyên thủy qua bốn bộ A-hàm. Và từ A-hàm, chúng ta tiến lên một bước, qua kinh Hoa nghiêm, Bát-nhã, Pháp hoa. Và từ đỉnh cao Pháp hoa, nhìn xuống các kinh. Đó là con đường hai chiều xuyên suốt từ gốc lên cao và từ cao đi ngược xuống cội nguồn. Nghĩa là  từ Nguyên thủy phát triển lên Đại thừa và từ kinh Đại thừa, chúng ta nhìn ngược lại kinh Nguyên thủy cũng nhận ra có sự thống nhất xuyên suốt.

Từ Đại thừa quay ngược lại Nguyên thủy là chúng ta hành Bồ-tát đạo, học kinh Đại thừa, giảng kinh Đại thừa, sống theo tinh thần Đại thừa, nhưng phải luôn luôn đối chiếu với Nguyên thủy, tức không bỏ tạng kinh A-hàm, hay Nikaya.

HT.Thích Trí Quảng

>> Xem bài trước: Từ kinh Đại thừa nhìn lại kinh Nguyên thủy ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.