GN - Câu này đáng cho người ta giật mình chứ không đơn thuần là câu nói đùa.
Nhiều Phật tử đi chùa thường nói nửa đùa nửa thật: “Không sợ thầy trụ trì mà sợ bà nhà bếp!”. Quả thật, khi vào chùa thì nơi dễ mích lòng nhất chính là cái nhà bếp và những vị giữ nhiệm vụ làm cho người khác “ấm lòng ấm dạ”.
Nói “ấm lòng ấm dạ” bởi quý vị trong nhà bếp có trọng trách chăm sóc thức ăn thức uống cho Tăng chúng và Phật tử, khách khứa thập phương. Không thực sao vực được đạo. Cho nên không thể coi nhẹ vai trò của nhà bếp. Nhưng, không hiểu sao, trong nhiều căn bếp của các chùa lại thường xảy ra những tranh chấp, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sự tu học của Tăng chúng, ảnh hưởng đến giao tế, niềm tin, sự gần gũi của Phật tử. Có khi người ta “bỏ” chùa chỉ vì ngại đối diện với những vị giữ bếp.
Chư Ni và Phật tử công quả tại chùa Phổ Quang, TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn
Một ngôi chùa nọ có cô Phật tử nấu ăn rất ngon, ban đầu ai cũng khen. Nhưng rồi lâu ngày cô sinh ra “độc quyền”, không muốn ai cùng tham gia công tác nấu nướng. Có vài nhóm Phật tử khác cũng muốn làm công quả trong những ngày lễ, ngày rằm, để đổi món, đổi khẩu vị cho chùa, nhưng cô đều khó chịu. Thái độ của cô khiến người ta ngại. Thậm chí, chưa tới ngày lễ cô đã vội chạy tới nói với thầy trụ trì là để cô nấu, thầy nể nang phải gật đầu. Mãi rồi các vị Phật tử khác chẳng buồn tham gia nữa, hoặc nhiều vị rủ nhau đi nơi khác công quả, ít về thăm chùa như trước.
Tình hình này có vẻ phổ biến, vì chùa nào cũng có những nhóm nấu ăn quen thuộc, lâu ngày dễ biến thành “công thần”, đến mức thầy trụ trì cũng phải e ngại. Nhất là đụng tới phụ nữ càng phiền phức hơn, nên thôi, ai nấu thầy cứ gật đầu cho xong. Nhưng chính vì không cai quản được những người trong bếp mà có khi nội bộ lộn xộn lúc nào không hay. Tại sao lại như vậy? Có gì liên quan giữa cái bếp và chuyện tu chuyện học của mọi người?
Liên quan nhiều lắm. Bởi thức ăn nuôi dưỡng con người nên có khả năng tác động trực tiếp tới thân tâm. Và lực tác động này không chỉ xuất phát từ thành phần nguyên tố, dưỡng chất, hóa chất, sức nóng, độ lạnh, độ ẩm, kỹ thuật nấu v.v… mà còn xuất phát từ cái tâm của người nấu. Người nấu khởi tâm thế nào thì sẽ phát ra tần sóng thế ấy hòa vào thức ăn, làm biến đổi chất lượng của thức ăn, có nghĩa là người ăn sẽ chịu chi phối một phần từ đó.
Điều này không hề mê tín. Có những điều kỳ diệu xảy ra khi chúng ta trì chú vào ly nước rồi đem cho bệnh nhân uống, có thể khỏi bệnh hoặc bớt bệnh. Năng lực của tâm là thế đó. Cho nên, năng lực tâm của người nấu ăn sẽ phóng thích vào thức ăn rồi bức xạ trở lại cho người ăn. Người vợ, người mẹ nấu ăn cho chồng con với cả trái tim yêu thương thì cả nhà sẽ ngon miệng hơn, hòa thuận, vui vẻ hơn. Còn người phụ nữ nào vào bếp với tâm lý bất đắc dĩ, khó chịu thì chắc chắn gia đình đó ít sum vầy, ít hạnh phúc.
Ông bà mình cũng có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu - Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” là ý nghĩa đó. Khi tâm người ta yêu thương dễ chịu với nhau thì dù món ăn có nghèo nàn giản đơn đi nữa ăn cũng thấy ngon. Ngược lại, có những gia đình khá giả mà bữa cơm như một cực hình. Ông bạn tôi thường than: “Vợ mình nấu cơm như trả nợ, xong bữa thì gõ đũa gọi chồng con ăn mau cho tôi dọn dẹp, thấy cái mặt bả là hết muốn ăn. Mấy chục năm trời như thế…”.
Tôi có quen một vị sư, sư nói: “Bà Phật tử nào tánh tình khó chịu thì sư không cho vô chùa nấu ăn, Tăng chúng dễ động tâm, khó ngồi thiền”. Ở các thiền viện hoặc tu viện lớn cũng ít khi cho Phật tử bên ngoài vào nấu. Riêng Tăng chúng trong chùa khi chấp tác ở nhà bếp cũng được dạy giữ công phu nghiêm mật, không lơi lỏng chánh niệm. Có giữ chánh niệm thì mới không vọng tưởng lăng xăng, đem những tạp niệm vào thức ăn. Lặt rau thì biết lặt rau, vo gạo thì biết vo gạo… thế đã là tu. Hoặc vừa làm vừa niệm Phật, cũng rất hay, việc vẫn làm chính xác, tâm vẫn tu đàng hoàng. Những tông phái khác nhau có cách tu khác nhau, nhưng đều hiệu quả.
Còn những nơi có kiểu tu sĩ hoặc Phật tử “công thần” ở nhà bếp thì thức ăn dễ bị nhiễm các loại tâm ganh tị, hơn thua với đồng nghiệp, hoặc cố gắng thi thố tài năng, rồi kiêu căng khi được khen, bực bội khi bị chê, chia phe chia phái, tranh giành chỗ đứng, tranh giành công lao… Phụ nữ có tính đó “hơi bị” nhiều hơn đàn ông. Nhất là phụ nữ “làm bạn” với “ông táo” càng bị sức nóng của lửa nung đốt. Và đặc biệt là phụ nữ về hưu, không còn việc làm của xã hội cho họ “chứng tỏ bản thân” nữa, thì họ thường xoay qua “chứng tỏ bản thân” trong bếp, nơi hoạt động cuối cùng của họ.
Vì vậy tâm hơn thua, chấp ngã càng lớn hơn trước. Hiểu được tâm lý này thì sẽ không ngạc nhiên tại sao cái bếp luôn là nơi “khói lửa” trong chùa. Và có người đã trêu ghẹo một câu: “Tu hoài mà sao không thấy Niết-bàn, chỉ thấy tới… cái bếp”. Câu này đáng cho người ta giật mình chứ không đơn thuần là câu nói đùa.
Và “khói lửa” từ tâm của họ sẽ chuyển sang tâm của người ăn thông qua thức ăn do họ nấu. Có chùa chúng Tăng lộn xộn, xích mích, khó tu, khó học. Có chùa Phật tử lăng xăng, bằng mặt mà chẳng bằng lòng… Nhìn nội bộ chùa mà thương. Tất nhiên, không phải đổ lỗi hết cho nhà bếp, nhưng cần phải thấy nhà bếp là nơi không kém quan trọng để lập lại quân bình cho cơ thể và tâm tánh, để người tu được hỗ trợ hơn. Dưỡng sinh cũng xuất phát từ sự quân bình này mà thôi. Dưỡng sinh từ cách ăn uống khoa học mà người nấu cần phải học hỏi, hiểu biết. Dưỡng sinh từ cách tu dưỡng tâm hồn, trạng thái, để chuyển hóa vào thức ăn. Có được “đôi cánh” này thì người nấu ăn sẽ là người hộ pháp đắc lực cho Tăng chúng và Phật tử. Và những vị nào được phân công ở vị trí này thì nên được đề cao trách nhiệm, chứ không nên xem nhẹ.
Thầy trụ trì đồng thời cũng nên có sự phân công rõ ràng, luân phiên cho nhiều nhóm Phật tử, chứ đừng nể nang tập trung cho một số ít, hoặc cá nhân nào đó. Mỗi năm có 4 ngày rằm lớn và ngày lễ, tết, trai tăng, cúng thất v.v… trung bình phải 10 dịp nấu nướng linh đình. Nếu một người, một nhóm nấu mãi thì dễ sinh tính “công thần” và nhàm chán khẩu vị. Cứ lên lịch cho các nhóm để họ cùng tham gia. Nhóm A nấu rằm tháng Giêng, thì nhóm B nấu rằm tháng 4, nhóm C rằm tháng 7… Sau đó quay tua lại, đâu có khó. Hoặc trong một ngày rằm lớn đãi 1.000 người với 5 món thì có thể chia nhỏ để dễ thực hiện.
Chẳng hạn, nhóm A phụ trách món súp, gỏi; nhóm B nấu cà ri, cơm dương châu; nhóm C nấu lẩu. Cả nhà cùng vui. Tôi từng đi dự buổi tiệc tất niên tại Báo Giác Ngộ TP.HCM, buffet hơn 20 món đều do quý cô Phật tử “không chuyên” phụ trách mà ngon và vui, đầy ấn tượng. Mỗi nhóm nấu một, hai món thôi, rồi cùng đem về bày biện, và cử người ra chăm sóc cho món của mình, chăm sóc cả khách ăn với nụ cười rất ư là “tiếp thị”. Khách chưa kịp gắp, quý cô đã gắp giùm, còn hỏi ngon không, ngon không. Chính vì chia nhỏ ra nên không ai bị dồn gánh nặng, nên thức ăn rất phong phú và chu đáo. Mỗi nhóm có tài riêng, góp lại rất hay, khẩu vị lạ, người ăn lẫn người nấu đều thỏa mãn.