Tu hành như khúc gỗ lênh đênh

Tu hành như khúc gỗ lênh đênh

GN - Trong các pháp thoại của Thế Tôn, những hình ảnh trực quan luôn được Ngài vận dụng để minh họa cho sinh động và dễ hiểu. Nhìn một khúc gỗ lênh đênh xuôi trên một dòng sông hướng về biển cả, Ngài liên tưởng ngay đến hình ảnh của người tu đang trên đường xuôi về Niết-bàn.

Khúc gỗ có ra được biển lớn hay không, cũng như người tu có xuôi về được Niết-bàn hay không? Tùy duyên! Nếu không bị kẹt, không bị mắc, không bị chìm, không bị tấp, không bị vớt, không bị mục thì chắc chắn khúc gỗ sẽ trôi ra biển, hành giả sẽ chứng đắc Niết-bàn. Hãy nghe Thế Tôn nói về ảnh dụ khúc gỗ để biết được con đường xuôi về Niết-bàn chẳng đơn giản chút nào.

“Một thời Đức Phật ở nước Ma-kiệt, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội, đi dần đến bờ sông. Bấy giờ, Thế Tôn thấy giữa dòng nước có một khúc gỗ lớn trôi trên mặt nước. Ngài bèn ngồi lại dưới một cội cây bên bờ sông. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy có thấy khúc gỗ bị nước cuốn kia không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Thưa, có thấy.

Phật bảo:

- Ví như khúc gỗ kia, không mắc kẹt bờ bên này hay bên kia, cũng không chìm giữa dòng hay trôi tấp trên bờ, không bị người vớt lên, lại chẳng bị phi nhơn vớt lên, lại không bị nước cuốn xoáy, cũng không bị mục nát. Nó sẽ dần dần trôi đến biển cả. Vì sao? Biển là cội nguồn của các sông.

Tỳ-kheo các Thầy cũng lại như thế. Nếu như các Thầy không mắc kẹt ở bờ bên này hay bờ bên kia, không chìm giữa dòng, lại không nằm trên bờ, không bị người hay phi nhân nắm giữ, cũng không bị nước cuốn xoáy, cũng không mục nát, các Thầy sẽ dần dần đến Niết-bàn. Vì sao? Niết-bàn có Chánh kiến, Chánh chí (tư duy), Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện, Chánh niệm, Chánh định, là nguồn cội của Niết-bàn.

Có một Tỳ-kheo khác bạch Phật:

- Thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là kẹt trên bờ? Thế nào là không bị người hay phi nhân nắm bắt? Thế nào là không bị nước cuốn xoáy? Thế nào là không mục nát?

Phật dạy Tỳ-kheo:

- Bờ bên này là thân mình, bờ bên kia là thân diệt hoại. Chìm giữa dòng là dục ái. Tấp trên bờ là ngũ dục. Bị người nắm bắt là: như có người hào tộc phát thệ nguyện rằng: ‘Nguyện đem công đức phước báu này để được làm vua, hay làm đại thần’. Bị phi nhơn nắm bắt là: như có Tỳ-kheo thệ nguyện như vầy: ‘Sanh trong cõi Tứ thiên vương mà hành Phạm hạnh. Nay ta đem công đức này để sanh cõi Trời’. Ðây gọi là bị phi nhơn nắm bắt. Bị nước cuốn xoáy là những điều tà nghi. Mục nát là tà kiến, tà chí (tư duy), tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định. Ðó là mục nát vậy.

 (Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về Bát chánh [lược],
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.159)

Hầu hết chúng ta ban đầu đều có nguyện lớn, chí cao nhưng vì nghiệp lực quá sâu dày nên luôn bị dính mắc với đời, như thỏi nam châm nằm giữa đống phế liệu, càng ngày càng bị sắt vụn bám chặt hơn.

Có người thoát được lưới ái, thì vướng vào vòng vây của dục. Có người vượt qua được lợi thì bị cám dỗ đến mê muội vào những hư danh. Có người thối thất với con đường giải thoát khó đi muốn dừng chân nơi phước báo trời người. Có người hết lòng với đạo mà không an lạc lại đâm ra chán nản nghi ngờ. Có người bị ma đưa lối quỷ dẫn đường nên bỏ chính mà theo tà, đi ngược lại với con đường Bát chánh. Nói tóm là đường tu quả lắm gian nan!

Như một quy luật, đi thì nhiều nhưng đến đích chẳng bao nhiêu. Ai đi, ai bỏ cuộc giữa chừng, ai đến đích ca khúc khải hoàn cùng với nguyên nhân của nó, Thế Tôn đều chỉ rõ trong pháp thoại này. Nguyện cầu Thế Tôn luôn gia hộ chúng con sáng mắt, sáng lòng, vững tâm, chắc ý để vượt qua mọi chướng ngại. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.