Từ đất thiêng Yên Tử nghĩ về ông Sáu Dân

Từ vùng đất thiêng Yên Tử - nơi mấy vị vua đời Trần đến tu ở đây, nơi diễn ra lễ cầu siêu cho Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ngày 2 tháng 7 năm Mậu Tý, GS Tương Lai ngẫm ngợi về Phật giáo Việt Nam xưa và nay và về vị cố Thủ tướng đã suốt đời vì nước, vì dân.

Dù biết rằng không thể nào cưỡng lại được quy luật khắc nghiệt và tàn nhẫn, nhưng những người yêu mến, quý trọng và thương tiếc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn cứ khẩn khoản vật nài: “Người đừng đi, đừng đi, đừng đi” để rồi phải chấp nhận một sự thật xót xa: “Thế là đã bốn chín ngày/ Dòng đời vẫn chảy vơi đầy người ơi”  (Việt Phương).

Trong dòng chảy vơi đầy ầy, có những hoạt động tưởng niệm trong dịp 49 ngày ông vĩnh viễn ra đi. Từ vùng đất thiêng Yên Tử, ngày 2 tháng bảy năm Mậu Tý, mở đầu mùa Vu Lan, lễ cầu siêu cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại chùa Hoa Yên đã được tiến hành là một trong những hoạt động có ý nghĩa ấy. Buổi lễ do Thượng tọa trụ trì chùa Yên Tử chủ trì theo đề nghị của những bạn bè, thân hữu, những người từng gắn bó với người đã khuất tổ chức nhằm tỏ lòng thành kính nhớ thương ông.

Đất thiêng Yên Tử và Phật giáo Việt Nam

Thiêng liêng Yên Tử

Thiêng liêng Yên Tử


Thiêng liêng vì nơi đây là phát tích của dòng Thiền Trúc Lâm, nơi mấy vị vua đời Trần đến tu ở đây. Đây là một hiện tượng độc đáo trong đời sống dân tộc mà sử sách còn lưu giữ. Nếu có một địa danh văn hóa tiêu biểu và độc đáo ghi đậm trong tâm thức Việt xuyên suốt tiến trình lịch sử thì đấy là vùng đất Yên Tử thiêng liêng này.

Nếu Phật giáo đóng một vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của xã hội Việt, giữ một vị thế sâu đậm trong nền văn hóa dân tộc thì chính nơi đây là một mốc son chói lọi của tiến trình Việt hóa Phật giáo khiến cho tư tưởng Phật giáo trở nên gần gũi và thấm đượm bản sắc dân tộc, làm cho Phật giáo Việt Nam hình thành nên những nét đặc trưng riêng biệt, mà nếu đi sâu tìm hiểu, sẽ thấy rõ những nét đặc trưng đó làm cho Phật giáo Việt Nam hoàn toàn không giống Phật giáo các nước khác. Yên Tử là cái nôi của sự kiện trọng đại đó.

Có hiểu sâu vị thế địa-chính trị trong cái thế “trứng nằm dưới đá” của đất nước, luôn chịu áp lực ghê gớm của các thế lực ngoại xâm, mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của vấn đề nói trên. Để thôn tính lãnh thổ, khuất phục sức đề kháng, thì thủ đoạn muôn thưở của các thế lực ngoại xâm là thực hiện âm mưu đồng hóa. Nội dung chính của âm mưu đó là tiêu diệt nền văn hóa dân tộc bản địa.

Hãy xem lại  mấy câu trong “Sắc chỉ của Minh Thành tổ” gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng ngày 21.8.1406 để thấy rõ chuyện đó : “Hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loaị sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ” …một mảnh, một chữ đều phải đốt hết…các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn…”!

Sử gia Ngô Sĩ Liên đã từng đau đớn nói về sự tàn phá văn hóa hiểm độc ấy : “Lửa đốt sạch, thương ôi vận nước, sách vở đi đời, Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn, Thật rất khổ tâm về nỗi nét sai chữ sót…”.

Dân tộc ta tồn tại và phát triển được đến hôm nay là nhờ ông cha ta đã quyết liệt chống trả và đánh bại những thủ đoạn hiểm độc ấy của kẻ thù.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt ấy, Phật giáo Việt Nam với tính cách là một lực lượng văn hóa của dân tộc đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đường vào thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Đường vào thiền viện Trúc Lâm Yên Tử

Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử giữ một vị thế đặc biệt trong sự nghiệp cao cả ấy. Quả thật “Phật giáo đặt sự tồn vong của mình trong sự tồn vong của dân tộc. Vì sự tồn vong của dân tộc có liên hệ mật thiết đến sự tồn vong của mỗi cá thể làm nên dân tộc đó.

Cho nên dù mục tiêu cuối cùng của đời sống Phật giáo là sự giải thoát, tức là đạt đến tự do tuyệt đối cho mỗi con người, nhưng mục tiêu đó chỉ đạt được nhờ vào mối tương quan với các cá thể khác trong một cộng đồng.

Đây là quan điểm duyên sanh của Phật giáo, tức là quan điểm cho rằng : Mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan với những tồn tại khác. Chính quan điểm duyên sanh cơ bản này giúp người Phật giáo có một cái nhìn bao dung không những với chính mình mà còn đối với những người khác và thế giới quanh mình” *.

Vận dụng tư tưởng Phật giáo vào chính trị
 

Từ đất thiêng Yên Tử nghĩ về ông Sáu Dân ảnh 3
Tượng vua Trần Nhân Tông. Phía sau là vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông (Nguồn: Tomato"s blog)

Hãy nghe lời của Quốc sư Phù Vân, tức Thiền sư Trúc Lâm nói với vua Trần Thái Tông trên đỉnh núi Yên Tử. “Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”**.

Đây là  “lần đầu tiên không những tư tưởng Phật thể quan, mà cả tư tưởng vô ngã của Phật giáo đã được vận dụng vào chính trị để hình thành một học thuyết lãnh đạo Thực vậy, người lãnh đạo phải biết thủ tiêu ý muốn cá nhân của bản thân, đặt mình vào vị trí của những người khác, của tập thể, mới có thể lấy ý muốn của mọi người làm ý muốn của mình” **.

Các vua Trần, từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông đến Trần Nhân Tông, trước hoặc sau khi lên Yên Tử, là những vị vua anh hùng từng thống lĩnh quân dân ta ba lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông mà vó ngựa xâm lược của chúng từng xéo nát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn từ Á sang Âu thế kỷ XIII.

Chiến công tưởng đã đạt đến tuyệt đỉnh vinh quang, và thế rồi sau khi lập nên nghiệp lớn, ổn định kỷ cương đất nước đều nhường ngôi cho con, trở về tu ở Yên Tử. Liệu có phải các ngài hiểu cái lẽ khôn cùng vượt lên trên sự sinh diệt biến hóa của “vận nước” mà Thiền sư Pháp Thuận (915-990) diễn đạt trong bài “Quốc tộ” (Vận nước):

Quốc tộ như đằng hạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

Vận nước đan xen với nhau như mấy quấn

Đất trời Nam đang hưởng thái bình

Nếu triều đình thấm nhuần lẽ vô vi       

Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh

Tuy nhiên, chiến tranh không tùy thuộc vào một phía. Chính vì vậy, trong “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”, Ngô Thì Nhậm viết : “Người ta thấy Điều ngự đệ nhất tổ (tức vua Trần Nhân Tông) đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là Ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công trong mối vô sự, nhưng ở phía bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm.

Cái ý ấy là không tiện nói ra, sợ người ta dao động, cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Đại Thế Chí Bồ Tát”!

Mở đầu cho “Thiền tông chỉ nam ca” viết lúc còn trên ngai vua, Trần Thái Tông dù viết về thiền nhưng đã không quên nêu mục tiêu tối cao và nhiệm vụ tiên quyết của bất cứ nền chính trị nào, đó là “đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai”.

Phật giáo VN thời đại này là Phật giáo của ý muốn và của tấm lòng


Trần Thái Tông “vừa đáp ứng yêu cầu sông đạo của chính bản thân nhà vua, lại vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đời mà nhà vua phải thực hiện, đó là “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”…

Phật giáo Việt Nam thời đại này là Phật giáo của ý muốn và của tấm lòng. Chính nền Phật giáo đó sẽ làm nên những chiến công hiển hách của Hàm Tử, Chương Dương về sau và đã cùng với dân tộc trông về phương Nam mà tiến bước” **.

Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông tiếp tục con đường của Thái Tông, hai lần đánh tan quân xâm lược, từng viết nên hai câu thơ bất hủ :

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã 
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Xã tắc hai phen bon ngựa đá

Non sông muôn thưở vững âu vàng

cũng là tác giả của những lời thơ thâm thúy bàng bạc chất Thiền :

Mấy lần toát mồ hôi vì tham cứu đạo Thiền

Một sớm bỗng thấy hết khuôn mặt của mẹ

Thì ra khuôn mặt ấy chỉ có một nửa

Trước mắt không có màu sắc, bên tai không có âm thanh

Cái tâm của mình tự cho là có đấy thôi

(Trần Thánh Tông. “Độc Đại Tuệ ngữ lục hữu cảm”)

Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo

Đói thì ăn, mệt thì ngủ

Trong nhà đã sẵn của báu, đừng tìm đâu khác

Đối diện với cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần hỏi chi thiền nữa.

(Trần Nhân Tông. “Cư trần lạc đạo”)

Nổi tiếng là một vị vua anh hùng đánh giặc cứu nước, giữ yên bờ cõi, vừa khoan hòa, nhân ái vừa gần dân, thân dân, là một nhà văn hóa lớn thời bấy giờ, năm 35 tuổi, Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua lên tu ở Yên Tử, chuyên nghiên cứu về Phật học, trở thành vị tổ thứ nhất của Thiến phái Trúc Lâm, mất tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử.

"Cư trần lạc đạo"

Quan điểm “cư trần lạc đạo” của Nhân Tông là một bước phát triển của tư tưởng Phật giáo Việt Nam. “Đây vừa là một kết tinh của quan điểm sống đạo …vừa tạo tiền đề cho một tư trào Phật giáo mới, mà đỉnh cao là sự ra đời của dòng Thiền trúc Lâm Yên tử của vuaTrần Nhân Tông với chủ trương cư trần lạc đạo thông qua quan niệm Phật ở trong lòng của Quốc sư Phù Vân và vua Trần Thái Tông”. **

Với gần một thiên niên kỷ, thời gian là sự khảo nghiệm và phán xét rất nghiêm khắc và vô tư những chân giá trị của truyền thống mà tính cập nhật của nó vẫn sống động cho đến tận hôm nay. Cập nhật trong tính hiện đại quả thật là rất đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên là vì cách đây hơn tám trăm năm mà Thiền sư Quảng Nghiêm đã đòi hỏi:                               

Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành

“Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm
Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân Như Lai”.

Sáng tạo, táo bạo, không chịu dẫm lên lối mòn, mà phải tìm cho mình một cách đi riêng, quả là ông cha ta đã chống giáo điều ngay cả trong góc khuất tâm linh sâu kín của con người. Bản lĩnh của ông cha mình là như thế. Và đúng là “có cứng mới đứng được đầu gió”, cũng do thế mới có thể tồn tại và phát triển được đến ngày nay.

Thì ra, tư tưởng khi đạt tới cái tầm của một triết lý có sức gọi dậy sức mạnh của trí tuệ, của bản lĩnh con người thì sẽ chứng minh độ bền mãi mãi với thời gian. Lúc ấy, thời gian sẽ là chứng nhân cho sức toả sáng của chất ngọc đích thực của tư tưởng Việt Nam, chất ngọc của “viên ngọc đốt trên núi cao” trong thơ của Thiền sư Ngộ Ấn

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận


“Giống như ngọc đốt trên núi cao màu vẫn tươi nhuần mãi”.

Đến nhà sư mà cũng không đòi hỏi phải tụng niệm cái được xem là thiên kinh địa nghĩa, đến cao vòi vọi của sự diệu huyền như Phật Như Lai mà ông cha mình vẫn thấy là không  cần nhọc mình lẽo đẽo theo vết chân ông! “ Tiếng thét lạnh cả trời cao” của ông cha ta trong “Tự hữu xung thiên chí” của Thiền sư  Quảng Nghiêm như khơi gợi chúng ta sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa truyển thống và hiện đại.   

Thành kính tổ chức một lễ cầu “siêu thăng tịnh độ” cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người kế tục xuất sắc tư tưởng và sự nghiệp của các vua Trần, lấy ý muốn của mọi người làm ý muốn của mình tại đất thiêng Yên Tử là hướng tới một sự kết nối thiêng liêng ấy.

Nghĩ về ông Sáu Dân

Bình sinh, ông Sáu Dân cũng có cái nhìn về đạo Phật gắn liền với tâm thức dân tộc và sự nghiệp giải phóng con người, đem lại hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân như vậy. Con người đó đúng là “Kỳ sinh dã vinh, kỳ tử dã ai” như lời bàn của cổ nhân trong “Luận ngữ”: “gây dựng cho dân, dân sẽ tự lập, dắt dẫn dân, dân sẽ biết đường mà đi, vỗ yên dân, dân sẽ quy phụ, cổ võ dân, dân sẽ hiệp lực với nhau. Khi sống được mọi người tôn kính, khi chết được mọi người thương xót” (sở vị lập chi tư lập, đạo chi tư hành, tuy chi tư lai, động chi tư hòa. Kỳ sinh dã vinh, kỳ tử dã ai… thiên Tử Trương ).

Khởi nguồn từ phẩm tính nhân ái và khoan hòa của một chiến sĩ cách mạng từng nếm trải những khổ đau mất mát của con người, sự hy sinh không sao kể xiết của nhân dân mình trong đó có gia đình mình, và sự bầm giập đắng cay của thân phận cá nhân, ông Sáu Dân đã có một cái nhìn đúng đắn và cởi mở đối với cuộc sống tâm linh của con người : “…các tôn giáo tìn ngưỡng không hề ngăn trở tinh thần dân tộc. chính trách nhiệm với dân tộc và lòng yêu nước chân thành là cơ sở giúp cho người có đạo, cũng như người không có đạo, và người cộng sản, không những không đố kỵ mà còn có thể đồng điệu, đồng hành.

Tổ quốc không của riêng người cộng sản, cũng không của riêng tôn phái nào, mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc”***. Một trí thức vốn là một nhà báo thành danh đã viết những lời khảng khái và chân tình về ông: “Có một con người đã từng trải nghiệm hơn 80 năm cuộc đời mình cho đất nước và trên đất nước mà mồ hôi, suy tư và cả máu…đã từng thấm đẫm dọc ngang trên đất nước này, trên từng cục đất, mảnh ruộng, dòng sông, triền núi thì đất nước này, và những ai từng sống và yêu đất nước này, không thể không thấm đượm một phần trăn trở của “người đó”…

Một người có vai vế ở miền Nam trước đây ,đang ở nước ngoài, thổ lộ : “Đất nước như vầy mà có một người như “người đó” thì thật có phước”***.


Càng suy ngẫm về cái lẽ khôn cùng của tạo hóa, về cái quy luật nghiệt ngã không ai thoát khỏi, càng nhận ra sự trống trải khi mà sự nghiệp “sở vị lập chi tư lập” (gây dựng cho dân, dân sẽ tự lập) đang cần đến ông hơn bao giờ hết!

“Trống trải đến mức có tạc tượng đồng, đặt tên những nẻo đường ông từng đi qua cũng không lấp nổi khoảng trống ấy”*** như lời một ông nông dân từng là Chủ tịch của một tỉnh trồng lúa nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ. Cho nên, vào đúng 49 ngày ông mất, gia đình đã làm lễ cầu siêu cho ông tại chùa Pháp Vân, thành phố Hồ Chí Minh, sau đó ba ngày, một lễ cầu siêu thăng tịnh độ cho con người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người để anh linh của ông hội nhập được vào khí thiêng sông núi tại nơi đất thiêng Yên Tử là đáp ứng được tâm nguyện của bao người.

Chắc rằng từ đất thiêng Yên Tử, đôi mắt của ông Sáu Dân có dịp nhìn bao quát núi sông, đất nước, như cách đây hơn bảy trăm năm “đức Điều ngự đệ nhất tổ” đã nhìn mà lời thượng tọa chủ trì Yên Tử đã trầm ngâm nhắc lại, để càng thêm nhớ thêm thương nhân dân mình.

Càng siêu thăng tịnh độ, ông càng hiểu rõ về Dân mà vì họ, ông đã cống hiến trọn cuộc đời oanh liệt và nhân ái của mình. Cũng từ nơi đất thiêng ấy, ông sẽ phù hộ độ trì cho những người mà ông đã hiến dâng cho họ trí tuệ, ý chí và trái tim đã từng đập theo nhịp đập của dân tộc và của thời đại. Nhịp đập của trái tim “Sáu Dân trong lòng Dân”. Mà khi đã ở được trong lòng Dân thì trở thành bất tử!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.