Từ chuyện đi đường té ngã đến xe chở xăng bị lật…

GNO - Đi đường, mang theo tiền bạc, tư trang… và bị té ngã chỏng chơ giữa phố, tiền văng ra, tư trang nằm sóng soài trên đường và người ta ùa ra giật tiền, hôi của, bất chấp nỗi đau của người bị tai nạn. Ôi, đó đã là chuyện thường, báo chí đăng nhiều.

hôi của.jpg
Hôi của - hình ảnh xấu xí

Và… ngày 7-5-2012, chiếc xe bồn chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bị lật nghiêng trên Quốc lộ 1A khiến xăng chảy lênh láng ra đường.

Sau khi nhận 25.000 lít xăng ở kho xăng dầu Vũng Áng, tài xế Bùi Xuân Cường (37 tuổi) lái xe bồn về Quảng Bình. Tuy nhiên, khi đến huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), do tránh ô-tô chạy ngược chiều nên xe bồn bị mất lái, lật nghiêng và trượt khoảng 30 mét. Xăng trong bồn chảy thành dòng ra đường.

Do sợ xe nổ nên cả trăm người dân địa phương cầm theo xô, chậu chỉ dám đứng từ xa. Nhưng khi cảnh sát dùng xô, can nhựa rút bớt xăng từ bồn ra để đề phòng cháy nổ, người dân lập tức xông tới mang xô, chậu, can để hứng, bất chấp sự ngăn cản của chủ hàng và cảnh sát.

Đến giữa trưa, khi lượng xăng trong bồn chảy ra gần hết cộng với thời tiết nắng nóng, người dân mới chịu rời khỏi hiện trường.

Thông tin trên được đọc trên báo mạng VnExpress, đọc xong, thấy thương, thấy tội. Còn bạn tôi, ngồi kế bên bảo: thấy xấu hổ.

xang3.jpg

Chiếc xe chở xăng bị lật - Ảnh: VnExpress

Xấu hổ vì cách ứng xử quá ư tội nghiệp, quá ư “kẻ cướp”, thiếu nhân bản của con người, nhất là người Việt Nam vốn được ca ngợi là biết chia sẻ, đùm bọc, biết giúp nhau lúc hoạn nạn. Người ta bị nạn mình nhân dịp đó hôi của thì còn gì tệ hại hơn thế nữa? Có một châm ngôn sống của bạn tôi, rằng: Nếu không giúp gì được cho ai thì xin đường sống xấu đi. Có nghĩa là cứ bình bình, đừng có hại ai, cũng đừng nhân lúc người ta thất thủ mà mình hạ “nốc ao” người ta để hưởng lợi. Lối sống ấy đáng trân trọng dù đó chưa phải là lối sống lý tưởng mà người Phật tử hướng tới.

Lối sống của người con Phật đương nhiên phải là “đoạn tất cả các việc ác, làm tất cả các việc lành” với tín-hạnh-nguyện sâu dày về nhân-quả, vô thường… để hiến tặng cho mình và người an lạc, hạnh phúc. Có như thế mới dần đoạn bớt, đi tới chỗ diệt trừ tham-sân-si trong mình, kiến lập hạnh phúc, giải thoát… Với hạnh nguyện này, tôi tin, người Phật tử nào cũng sẽ biết ra tay giúp người bớt khổ chứ không phải thấy người ta bị tai nạn mà mình hôi của và sẽ càng không thể thấy người ta có thứ này, thứ nọ rồi tị hiềm, cướp bóc…

Bao giờ cũng vậy, người Phật tử nếu sống đúng với tinh thần của lời Phật dạy sẽ luôn luôn thấy trong mỗi biểu hiện tham-sân-si của chúng sanh đều có cái đáng thương, đáng tội nghiệp để sách tấn mình, để tránh. Cũng như việc hôi của, hôi dầu mà đâu đó trong cuộc sống được báo chí phản ánh kia cũng là một cơ hội để người con Phật dụng tâm thương (sao người ta còn tham dữ quá, tội nghiệp) và nguyện gìn giữ tâm mình luôn vững chãi để một mai có một “món hời” nào đó thật to “đi ngang” qua mình thì mình cũng có thể nói và làm được như Đức Phật và Ngài A-nan đã từng làm: gọi tên “rắn độc” và bình thản đi qua!

Chúc Thiệu

Nên phạt để răn đe

Xét về pháp lý, hành vi hôi của trong các vụ nêu trên là “công nhiên chiếm đoạt tài sản” ở chỗ các đối tượng ngang nhiên chiếm đoạt tài sản đang do người khác giữ mà không chạy trốn. Theo Điều 137 Bộ Luật Hình sự, đối tượng có thể bị xử lý hình sự về tội này nếu tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính với mức “phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng” theo khoản 1b Điều 18 Nghị định 73/2010 của Chính phủ.

Có lẽ để ngăn ngừa những vi phạm tương tự, cơ quan công an địa phương cần điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm với hình thức phù hợp để tạo sự răn đe.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Pháp Luật TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.