Từ chùa Báo Ân đến chùa Hoằng Ân

Từ chùa Báo Ân đến chùa Hoằng Ân
Ngôi chùa lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử của Phật giáo và Đạo giáo, của những chuyện đời thăm thẳm, lòng thương yêu con người, tình yêu đất nước sâu sắc.  

Theo một số thư tịch cũ, trong đó có Tây Hồ chí, chùa được lập thời nhà Lý và có tên là Báo Ân tự (chùa Báo Ân). Tương truyền, thiền sư Ngô Ân (1019-1088) đã khởi lập một am thờ Phật, đời sau mới dựng thành chùa và từ thời Lý, chùa đã là một danh lam của Kinh thành Thăng Long. Chùa tọa lạc gần mé nước phía tây bắc Hồ Tây (nay thuộc đất thôn Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Một bài văn bia lưu giữ tại chùa có nói về phong cảnh chùa: “Phía trước Hồ Tây mênh mông, phía sau Tam Đảo xanh ngắt, nhà cửa san sát, làng xóm bao bọc xung quanh muôn phần tươi đẹp”. Đạo sĩ Trần Tuệ Long đắc đạo tại Báo Ân tự, môn đồ đã thu xá lợi nhập tháp (tiếc là nay không còn tháp đó). Mùa xuân năm Hưng Long thứ 16 đời Trần Anh Tông, thiền sư thi sĩ Lý Huyền Quang (sau là tổ thứ ba của Thiền phái Trúc lâm) từ Yên Tử về Thăng Long dự lễ triệu hạ xong có đến chùa giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm, rồi mới về hương Vạn Tải…

Đến niên hiệu Thuận Thiên nhà Lê (1428 – 1433), chùa được trùng tu. Thời Hồng Đức (1470 – 1497) thường có cầu đảo tại Báo Ân tự. Mùa hạ năm Giáp Thân (1644) đời Lê Chân Tông, danh tăng Chuyết Công giảng kinh Niết bàn tại chùa Báo Ân để tó ý sắp nhập diệt, (đến tháng Bảy ông đi thuyền về chùa Ninh Phúc mà hóa)… Trải qua một thời gian dài trong lịch sử, Báo Ân tự vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi tu theo Đạo giáo, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư. Vào năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1628), chùa đã được xây dựng lớn. Chính con gái Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng là Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, vợ chúa Trịnh Tráng (1623 -1657), đã đứng ra xây lại chùa, quy mô rộng lớn hơn trước và vẫn giữ nguyên tên là Báo Ân tự. Sau, bà Ngọc Tú xuất gia, tu trì tại chùa. Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng (1820 – 1840) đã tới thăm chùa. Lấy lý do bà cô tổ xưa là Nguyễn Thị Ngọc Tú, hiệu Từ Thuận đã xuất gia ở đó, vua cho đổi tên chùa thành Hoằng Ân tự và ban mấy trăm quan làm tiền dầu hương, sách Tây Hồ chỉ chép như vậy. Còn theo văn bia dựng ngày 12/8/1844 hiện lưu giữ ở chùa, nguyên tên chùa từ thời Lê là Long Ân. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), nhân chuyến tuần du ra Bắc, vua đã đến thăm chùa, lúc này chùa đã mang tên Sùng Ân tự. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị đến thăm chùa Sùng Ân mới cho đổi thành chùa Hoằng Ân và cho 200 quan tiền tu sửa chùa để sửa nhiều chỗ dột nát. Theo văn bia ấy, chùa còn có hai tên nữa là Long Ân tự và Sùng Ân tự…

Tháp mộ của Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận

Tháp mộ của Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận

Do chùa ở làng Quảng Bá, nên người đời cứ gọi là chùa Quảng Bá. Đầu thế kỷ XIX, danh sĩ Vũ Tông Phan đến thăm chùa, tức cảnh làm bài thơ Quảng Bố tự:

Lá thuyền nhè nhẹ tới thăm chùa

Sắc nước, chim, hoa hương ngát đưa

Hóng mát, tắm bên vòm lá rậm

Một bầu thế giới biết đâu thu.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Hoằng Ân là một trong những cơ sở cách mạng an toàn của Đảng ta. Nhiều vị tăng ni trong chùa đã có công nuôi và bảo vệ cán bộ. Nền nhà Tổ của chùa có một căn hầm bí mật cho cán bộ cách mạng trú ẩn. Gác cao kề nhà Tổ là nơi các nhà sư quan sát rất thuận lợi để canh chừng cho những lần hội họp của cán bộ. Chùa Quảng Bá là nơi an táng nhiều hòa thượng có công đức trong sự nghiệp hoằng pháp cũng như sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong đó có hòa thượng Phạm Ngọc Đạt, hiệu Bình Lượng, viên tịch tại Hà Nội, là ân nhân của Bác Hồ thời kỳ Người hoạt động bí mật tại Thái Lan. Đầu năm 1969, Bác Hồ đến thăm chùa, thăm lớp bồi dưỡng chư tăng có công với cách mạng…

Tháp nơi Hòa thượng Phạm Ngọc Đạt, hiệu Bình Lương đã được an táng

Tháp nơi Hòa thượng Phạm Ngọc Đạt, hiệu Bình Lương đã được an táng

Những nếp nhà cổ của chùa Hoằng Ân nép mình dưới những tán cây cổ thụ tạo thêm sự thanh u tĩnh lặng. Tường chùa xây bằng gạch vồ thế kỷ XV-XVI. Chùa Quảng Bá hiện còn lưu giữ được nhiều di vật văn hóa – lịch sử quý hiếm. Ba mươi pho tượng sơn son thếp vàng lộng lẫy, được tạo tác công phu, tinh xảo với nghệ thuật tiêu biểu của thế kỷ XVII, XVIII. Trong đó có pho tượng Quan Âm Nam Hải, dù kích thước không lớn, nhưng lại mang một vẻ đẹp rất đặc biệt. Gương mặt Quan Âm Nam Hải thuần hậu, áo cà sa nhiều nếp, Phật trong tư thế thiền tọa, chân chống chân buông giẫm trên đài sen nhỏ. Trong hai quả chuông đồng ở chùa Quảng Bá hiện nay, quả chuông nhỏ có niên đại thời Nguyễn. Còn quả chuông lớn được tạo tác từ năm Cảnh Hưng thứ ba (1742) đời Lê Hiển Tông. Chuông cao 1,5m; đường kính 80cm, có khắc nổi trên vai chuông bốn chữ Hán “Long Ân tự chung” (chuông chùa Long Ân). Thân chuông chia làm bốn múi, tượng trưng cho bốn mùa, có khắc bài văn chuông ghi việc hưng công đúc chuông.

Hệ thống bia đá ở chùa Quảng Bá có tới ba mươi bia, hầu hết làm bằng thứ đá xanh mịn rất quý. Một bia tạo dựng vào năm Chính Hòa thứ 21 đời Lê Hy Tông (1700). Đặc biệt có tấm bia khắc hình tượng một ni sư, một số nhà nghiên cứu cho đó là hình tượng Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, hiệu là Từ Thuận. Khá nhiều bia có niên đại nhà Nguyễn, rất có giá trị về lịch sử. Trong đó có tấm bia được tạo dựng ngày 12/8 năm Thiệu Trị thứ tư (1844), cho ta biết nhiều về lịch sử ngôi chùa. Cũng nhờ bia này mà ta biết được rằng, Báo Ân tự thời Lý, đến thời Lê, chùa có tên là Long Ân, sang thời Nguyễn Vua Minh Mạng đến thăm chùa thì chùa đã có tên là Sùng Ân, rồi đến đời Thiệu Trị lại cho đổi gọi là chùa Hoằng Ân…

Ngôi chùa của làng Quảng Bá (xưa gọi là Quảng Bố) tĩnh lặng và u tịch. Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm từng giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm ở đây. Danh tăng Chuyết Công giảng kinh Niết bàn tỏ ý sắp nhập diệt ở đây. Đây cũng là nơi tôn thờ Đạo giáo và thường có cầu đảo từ thời Lê Thánh Tông. Công chúa Ngọc Tú bỏ phủ chúa Trịnh Tráng ra đây tu trì. Từ Đĩnh đại sư, hòa thượng trụ trì và được thờ ở chùa này vốn là vị Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676), đã không ra làm quan mà đi tu ở chùa Quảng Bá này. Ân nhân của Bác Hồ là hòa thượng Bình Lượng được an táng ở đây. Nhiều cán bộ cách mạng đã chọn ngôi chùa là cơ sở an toàn để hoạt động chống Pháp giành lại độc lập dân tộc… Quả thực, chùa làng Quảng Bá ghi giữ nhiều dấu tích lịch sử của Phật giáo và cả Đạo giáo, của những chuyện đời thăm thẳm, của lòng thương yêu con người, thương yêu đất nước thật sâu sắc!./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.