Cái khác nhất của Ngài, đó là khi thấy chúng sanh lầm than, Ngài đã dứt bỏ tất cả để cầu đạo, tìm đường giải thoát, cho mình và cho người. Ngài giác ngộ, hành đạo, cuối cùng nhập Niết-bàn ở tuổi 80.
Cứ mỗi mùa Phật đản, chúng ta thường nghe hay đọc lại huyền thoại về lúc Đức Thế Tôn ra đời, vừa rời lòng mẹ đã đi bảy bước, sen nở theo từng dấu chân Ngài, một tay chỉ trời một tay chỉ đất, miệng cất lời: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Về sau, từ câu nói này xuất hiện nhiều dị bản như: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử” hay: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, hà khả lạc giả?” v.v… Cũng chỉ riêng câu nói tưởng như giản đơn này thôi, trong một thời gian dài, đã tạo ra bao nhiêu quan điểm, tranh luận, tốn không ít giấy mực.
Hơn hai ngàn năm sau ngày Đức Phật đản sinh, một nhà văn Việt Nam đã cố bạch hóa những huyền thuyết theo cách nhìn của mình, xoay quanh giờ phút thiêng liêng ấy:
Cùng lúc Maya hát đến nốt cao nhất, như có một tia chớp phóng ra từ trong người, bà cũng gục luôn xuống. Đám nữ tì nhanh tay đỡ lấy cả mẹ cả con. Maya chìm ngay vào một cơn mê, không còn thấy không gian ngột ngạt, mọi thứ đã nhanh chóng dịu đi trong một màn đêm dày đặc. Hoàng tử mới chào đời thì hoàn toàn tỉnh táo. Trắng hồng bụ bẫm. Xứ Ấn da trắng như vầy thì cũng coi như tỏa hào quang.
Đoạn văn trên trích từ tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, khắc họa lại khoảnh khắc Đức Phật hiện đời. Ta có thể thấy không cần quá nhiều những miêu tả nhiệm mầu, phút giây ấy vẫn lấp lánh những điều kỳ diệu, bởi bản thân sự tạo thành và sinh ra của vạn vật trên đời đã là phép màu của tạo hóa. Huyền thoại hóa hay văn học hóa một nhân vật có thật trong lịch sử cũng chỉ là cách hậu thế gởi gắm sự tôn sùng và phủ cái nhìn của mình lên nhân vật lịch sử.
Chúng ta lại trở về với câu nói được cho là lời đầu tiên của chú bé Siddhārtha Gautama, hay ta quen gọi là Tất-đạt-đa Cồ-đàm. Dù có nhiều dị bản, nhưng tựu trung lại, câu nói ấy đều nhắc đến cái “ngã”, trong khi đạo Phật hướng đến sự vô ngã. Điều này thoạt trông mâu thuẫn nhưng ngẫm kỹ lại hữu lý. Xét quá trình đi tìm giác ngộ của Đức Thích Ca có những nhọc nhằn, thử nghiệm trước khi gặt hái được thành tựu. Từ chú bé Tất-đạt-đa cao quý ngay lúc lọt lòng mang trong mình cái hữu ngã của một vị Thái tử, đến vị Phật vô ngã độ chúng sinh trong thế gian, để rồi sau cuộc du hóa hơn mấy mươi năm trên mặt đất đầy gió bụi diêm phù, Ngài còn trao lại những lời cảnh tỉnh chúng đệ tử, như muốn xóa bỏ hết thảy những bám chấp sau chót mà người đời có thể nảy sinh đối với Ngài: “Trong bốn mươi chín năm, Ta chưa hề nói một câu, một chữ, một lời nào”. Phủ định chính mình, cũng là để thấy được mình rõ hơn. Thấy được mình ở đây, không phải là thấy cái “ngã”, cái “mình” không đồng nghĩa với cái “ngã” mà vượt trên, vượt ngoài tất cả những gì mà con người cố gắng nắm bắt và diễn tả bằng ngôn ngữ.
Ta cũng nhớ lại những di huấn sau cùng của Ngài: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn tìm cầu giải thoát! Chính khoảnh khắc diễn ra ở xứ Ấn Độ hai mươi lăm thế kỷ trước đã lay động một thi sĩ Mỹ của hai mươi lăm thế kỷ sau, cố thi sĩ Mary Oliver (1935-2019), người đã viết The Buddha’s Last Instruction - Lời Di huấn sau cùng của Đức Phật:
“Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”
Đức Phật dạy,
trước khi Ngài nhập diệt.
Tôi nghĩ về điều này mỗi sớm mai
khi phương Đông bắt đầu
xé tung tấm màn mây
của bóng tối, để gửi đi tín hiệu
đầu tiên – một chiếc quạt trắng
với những sọc tím và hồng,
và có cả màu xanh.
Bậc Trưởng lão nằm xuống
giữa hai cây sala,
và điều gì đó ông đã nói ra,
biết rằng đây là giờ sau chót.
Làn ánh sáng bừng lên,
đậm đặc và lan tỏa trên những cánh đồng.
Bao quanh Ngài, dân làng tụ lại
và nghiêng mình lên phía trước lắng nghe.
Thậm chí trước khi mặt trời
treo lơ lửng phía trên cao,
tôi được chạm vào khắp cả châu thân
bởi đại dương những cơn sóng vàng rực rỡ.
Chẳng nghi ngờ gì Ngài đã nghĩ về những thứ
xảy ra trong cuộc đời gian khó của Ngài.
Và rồi tôi cảm nhận mặt trời
bên trên những ngọn đồi chói sáng
như triệu bông hoa lửa -
rõ ràng tôi không được cần đến
thế nhưng tôi cảm nhận bản thân
đang hóa thành một điều gì quý giá
mà chính tôi không thể nào diễn tả.
Thật chậm rãi, dưới tán cây sala
Ngài nâng nhẹ mái đầu.
Và nhìn vào khuôn mặt của đám đông kinh khiếp.
(Pháp Hoan dịch)
Dòng thơ cuối đầy ám ảnh, ta tưởng tượng vào giây phút đó, chúng sanh vây quanh Đức Thích Ca Mâu Ni, nhìn vào Ngài, khi xưa là đứa bé thuộc dòng dõi Thích Ca sinh ra ở Lâm-tì-ni, và nay nằm đó sắp sửa nhập Niết-bàn. Từ ánh nhìn hướng về đôi mắt yêu thương của Thế Tôn, họ hiểu, từ nay giác ngộ là đường họ phải tự đi, với hành trang là những lời dạy của Đức Phật...
Những lời Ngài bảo rằng mình chưa từng nói bao giờ.