Phi trường Kolkata tại bang Bihar và cách thủ phủ Patna chưa đầy 10km. Thật là ấn tượng khi đầu tiên ngồi trên taxi Ấn Độ. Đó là những chiếc xe cũ mèm, được sản xuất từ tập đoàn Công nghiệp Tata, một thương hiệu nổi tiếng chuyên sản xuất xe hơi, sắt thép và vật dụng công, nông nghiệp phục vụ toàn Ấn Độ. Tài xế ngồi bên phải, chạy theo làn đường bên trái (vì trước đây Ấn Độ thuộc Anh) và nhấn ga thục mạng. Bang Bihar rộng bằng nước Việt Nam thuộc vùng Đông Bắc Ấn Độ. Đây cũng là bang nghèo nhất trong 27 bang toàn nước Ấn. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, bang này cũng là vùng đất nhiều thánh tích Phật giáo, và cũng là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của nước Ấn. Trường Đại học Nalanda (xây mới) là nơi đào tạo các vị Hòa thượng danh tăng VN như HT.Minh Châu, Thiện Châu Huyền Vi… cũng như một số các vị lãnh đạo, giáo sư, bộ trưởng hiện hành trong nhà nước Cộng hòa Ấn Độ đa phần đều xuất thân ở bang này.

Người Hindu, Bà la môn tắm và cầu nguyện trên sông Hằng
Đường sá đầy bụi bặm. Bò, chó và dê thả đi đầy đường. Thỉnh thoảng bắt gặp những đàn quạ đậu đen kịt trên các nóc nhà, dây điện và trên những mặt đường lưu thông. Thủ phủ Patna là trung tâm thương mại của bang Bihar, và nhà ga tàu hỏa được đặt tại đây. Từ ga Patna, chúng ta đi hết cả nước Ấn. Hệ thống đường sắt của Ấn Độ có thể nói là phương tiện công cộng lớn nhất và bao trùm. Nhiều làn đường ray đi, đến khác nhau nên từ vị trí mua vé tàu đến lúc ra tàu phải đi xuyên qua những tầng đường trên cao. Tàu hỏa Ấn vận hành bằng bánh xe cao su và carbon với đường ray rộng từ 1,2m đến 1,4m nên cho cảm giác êm và an toàn, vì những chặng đường tàu hỏa đi qua đều từ 500km trở lên nên nhờ vậy, hành khách đỡ mệt mỏi.
Đi bất cứ nơi nào chúng ta dễ dàng nhận ra mùi gia vị khá nặng trộn lẫn với cari thường được làm nhân từ các loại đậu, bọc bên ngoài bột mì rồi đem chiên (như bánh xếp ở Việt Nam). Đó là mùi củ hành, củ cải trắng, tỏi, nghệ, masala (một loại gia vị cari). Ở đâu, nơi nào từ chợ cho đến cửa hàng, trên xe ô tô, nhà ga,… tôi đều bắt gặp cái mùi đặc trưng Ấn Độ ấy của hơn 1 tỷ người ăn chay.
Bên cạnh là mùi rác thải và bùn. Người ta không quan tâm đến rác, thậm chí có những đống rác sặc mùi xú uế để lâu cũng không buồn dọn dẹp. Những người đàn ông, trẻ con Ấn thì rất thích tắm ở những vòi nước công cộng và tự nhiên phơi phóng ngay bên vệ đường xe qua lại.
Đàn ông Ấn có mặt trong toàn xã hội với vai trò mua, bán, lao động các ngành, nghề. Ở những khu chợ, 98% đàn ông đứng bán thực phẩm. Tập quán Ấn Độ là người phụ nữ chỉ có nhiệm vụ sinh đẻ và nuôi con. Còn lại công việc là của đàn ông. Chuyện cưới hỏi thì sao? Người con gái lớn lên “cưới chồng”. Do vậy, việc gia đình có con gái và của hồi môn là điều rất quan trọng. Ngày cưới, gia đình bên gái lo hết như tổ chức tiệc, sắm sửa tư trang cho bên chồng. Còn nếu như người con gái nghèo quá, thì chỉ tìm được ông chồng cùng cảnh ngộ!

Những nơi thiêu xác người chết
Rất rõ ràng và khắc nghiệt của xã hội Ấn Độ, đó là sự phân tầng giữa người giàu và người nghèo, giữa trí thức và lao động phổ thông. Một người tài xế xe tuktuk thì phải biết thân phận với người tài xế taxi. Một anh xe thồ đạp phải cung kính với anh tài xế tuktuk. Tầng lớp giàu nghèo, phân biệt giai cấp rất sòng phẳng, lạnh lùng. Ở Ấn Độ, bạn không bao giờ nhìn thấy hình ảnh hòa đồng giữa một ông chủ và người làm công.
Một điều buồn cười là tôi chứng kiến cảnh giải quyết kẹt xe ở các giao lộ, tự những người tài xế hoặc người dân xuống sắp xếp, hướng dẫn, nhường nhịn cho việc xe cộ lưu thông, không thấy cảnh sát. Tất nhiên là tùy luật lệ từng bang, nhưng đầu tiên ở bang Bihar, sao thấy lộn xộn quá. Từ thủ phủ Patna đi về các thành phố, huyện Vairsali, chúng tôi vượt qua chiếc cầu Patna dài 8km bắc qua hạ nguồn sông Hằng. Đây là chiếc cầu dài nhất Đông Nam Á. Sông Hằng phía hạ nguồn buổi chiều có những nơi cạn trơ ra những bãi cát vàng óng bao bọc chung quanh là những cánh đồng xanh. Qua cầu Patna là bắt đầu đi vào những khu vực thánh tích Phật giáo dọc ngang của vùng Bắc Ấn Độ mà mỗi thánh tích cách nhau từ 250km trở lên. Đi lên nữa theo trục lộ chính là đến biên giới Ấn Độ-Népal.
Népal là một vùng đất nhỏ và nghèo. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người dân Ấn Độ đi buôn gạo qua cửa khẩu vào Népal bị cảnh sát bắt tịch thu gạo và đuổi trở lại Ấn Độ. Chỉ cách một đường biên giới, Népal khác hẳn với Ấn Độ về kiến trúc nhà cửa (nhà ở Népal xây và tô đẹp hơn, còn nhà ở Ấn Độ đa phần chỉ xây gạch, không tô xi măng), đường sá cũng sạch sẽ hơn. Trên tiểu quốc này có một trong Tứ động tâm Phật giáo, đó là vườn Lâm Tỳ Ni và cũng chỉ nơi đây có quần thể chùa chiền nhiều nhất của các quốc gia Đông Nam châu Á, trong đó có Việt Nam (chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, chùa Linh Sơn).
Trở lại Varanasi, rạng sáng có mặt trên sông Hằng để đón ánh mặt trời mọc lên từ hướng Đông. Bình minh trên sông Hằng rất đẹp; từ sáng sớm trên khu phố bên bờ sông Hằng phía Tây, những người Hindu, Bà la môn đã xuống tắm dưới các bậc tam cấp. Họ vốc nước, lâm râm cầu nguyện và uống những ngụm nước đục ngầu. Cách nơi tắm và uống nước sông Hằng khoảng 100m là các “ghat” thiêu người. Chúng tôi ghi ảnh thật nhanh (vì nơi đây không cho quay phim, chụp ảnh), có tất cả 6 giàn thiêu người bằng củi cháy nghi ngút khói! Những giàn thiêu bằng củi sơ sài đặt thi hài người chết lên rồi đốt khiến tôi rùng mình khi liên tưởng giống như người ta nướng con vật! Và, thật kinh khủng là sau khi xác chết được thiêu, tro và xương được thả lại xuống nước sông Hằng, bên cạnh những người đang tắm và uống nước!
- Đường đến New Delhi
Chúng tôi rời ga xe lửa Patna trên một chuyến tàu tốc độ cao nhất Ấn Độ. Đoàn tàu này có màu đỏ, chạy làn ray ưu tiên và đa số khách trên tàu là người dân trung và thượng lưu. Từ ga Patna bang Bihar đến thủ đô New Delhi 1.200km, tàu chạy khoảng 7 giờ.

Khải Hoàn môn Ấn Độ
Thủ đô New Delhi nằm bên bờ sông Yamuna, là TP lớn thứ 2 Ấn Độ (sau Mumbai) có 16 triệu dân. Nhiều đại lộ lớn mang tên Akbar Road, Jairpath Nehru, Maulana Azad… khu thương mại nằm dọc theo Đại lộ Netaji Subhash Marg. Thủ đô là thành phố trung tâm của bang Uha Pradesh, chỉ có những tòa nhà cao ốc từ 10 tầng trở lại, đường sá khang trang và sạch sẽ hơn với nhiều cây xanh. Trung tâm TP có Khải Hoàn Môn (India Gate). Theo SC.Đạo Trí, đã học xong tiến sĩ ở New Delhi thì đa số Tăng Ni sinh Việt Nam sang Ấn Độ học có khoảng 150 người đang ở rải rác tại thủ đô. ĐĐ.Thích Hạnh Chánh hiện là Trưởng ban Đại diện Tăng Ni sinh tại New Delhi. Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi là một tòa nhà nhỏ khiêm tốn nằm trong khu vực ngoại giao trên Đại lộ Akbar Road. Trong phòng khách của Đại sứ quán, chúng tôi bắt gặp bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngài Mohatma Gandhi, vị cha già tối cao của Ấn Độ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tham tán về văn hóa và xã hội của Đại sứ quán nước ta cho biết tất cả Tăng Ni sinh Việt Nam sang Ấn Độ du học đều có liên hệ với Đại sứ quán và được hướng dẫn, giúp đỡ tận tình về những vấn đề hành chính và sinh hoạt, luật pháp nơi xứ người. SC.Liên Hòa là gương mặt rất quen thuộc, thân tình với CBCNV Đại sứ quán vì những vấn đề đi lại liên quan đến hộ chiếu của Ni sinh ở New Delhi phần nhiều do Sư cô hướng dẫn thực hiện. SC.Liên Hòa sang Ấn Độ từ năm 1997 nên khá thông thạo về những thủ tục, đường sá và giao dịch theo tập quán dân Ấn.
Tại Trung tâm thương mại New Delhi có một khu chợ sầm uất nằm dưới hầm nên Tăng Ni sinh Việt Nam quen gọi là chợ Hầm, chợ mang tên Bisika Bazar. Chợ có nhiều hướng lên xuống, kinh doanh đủ loại mặt hàng của Ấn Độ, rất ít hàng Trung Quốc. Tất cả các mặt hàng từ nhỏ đến lớn đều trả bằng đồng Rupee; không giao dịch bằng USD. 100USD quy đổi ra 4.800 Rubee. Tôi không thể tin vào cách nói thách trong buôn bán của người Ấn, dù trước khi sang Ấn Độ, TT.Thiện Bảo, Phó TBT báo GN đã lưu ý tôi về chuyện này. Bạn có tin không, một chiếc áo da lông cừu hét giá 5.000 Rubee, chúng tôi trả giá và được bán 700 Rubee, một vali da giá 8.000 Rupee, chúng tôi mua được với giá 1.500 Rupee. Với những người đi sau, thông tin này là kinh nghiệm khi mua hàng ở Ấn Độ. Những mặt hàng thuốc trị bệnh của Ấn Độ sản xuất đa số rất tốt như kem trị mụn, kem chống bỏng, kem đánh răng, thuốc trị đau bao tử… Những loại này đa số chiết xuất từ thảo dược tự nhiên, như kem đánh răng Red thì được bào chế từ một loại cây Nim, người Ấn thường sử dụng loại cây này (dài cỡ 20cm, tròn nhỏ như điếu thuốc) để chà răng vào buổi sáng.
Chúng tôi đã đi thăm đền Taj Mahal (cách New Delhi 220km), một trong bảy kỳ quan nổi tiếng của thế giới. Đây là ngôi đền bằng đá cẩm thạch trắng rất đặc biệt quý do nhà vua Hồi giáo Shah Sahan xây theo tên Hoàng hậu Mahal Muntaz. Kỳ quan gồm có 5 khu: Darwaza (cổng chính); Bageecha (không gian vườn), Maszid (nhà thờ Hồi giáo), Naggar Khama (nhà nghỉ) và Rauza (Lăng Taj Mahal). Vào những lúc hoàng hôn, toàn bộ ngôi đền lung linh chuyển qua năm sắc màu tuyệt đẹp. Tất cả du khách đến Ấn Độ đều đến viếng thăm kỳ quan này. Bên trong ngôi đền có 2 thạch mộ của hoàng hậu và vua Hồi giáo. Song, mộ vua Hồi giáo thì là ngôi mộ tượng trưng. Mộ thật của vua nằm trong thành Đỏ (Red Fort) là đền thành của hoàng đế rất rộng, xây toàn gạch nung đỏ, cách đền Taj Mahal không xa lắm.
Riêng đền Ấn giáo (Hindu) quả thật là một công trình kiến trúc, điêu khắc đá tuyệt tác. Tất cả mọi người tham quan đều phải gửi lại máy chụp ảnh và máy quay phim. Đây là một công trình đồ sộ nhất của Ấn Độ cuối thế kỷ XX với 11.000 nghệ nhân thực hiện trong vòng 6 tháng. Trong khuôn viên đền có trung tâm xây dựng và giới thiệu hoạt cảnh lịch sử giáo chủ Hindu qua từng giai đoạn bằng phim ảnh và những tượng hình biết cử động rất đẹp và công phu.
Tượng đài Mohatma Gandhi và lăng mộ nằm tại trung tâm thủ đô. Trên lăng mộ giản dị với phiến đá cẩm thạch đen là ngọn lửa vĩnh cửu, phía dưới lăng mộ này là người cha già của dân tộc Ấn, khai sinh ra nước Cộng hòa Ấn đã yên nghỉ nghìn năm.