GNO - Từ ý kiến bạn đọc Tâm Lễ - Góp ý nội dung một số biểu ngữ mùa Phật đản, PV Giác Ngộ có cuộc trao đổi với TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM (ảnh) về một số biểu ngữ nhân mùa Phật đản, Thượng tọa nói như vậy và giải thích thêm:
Theo tôi, để thể hiện tính tôn kính nên dùng Kính mừng Phật đản, còn thể hiện tính quy mô của lễ thì dùng Đại lễ Phật đản. Kính mừng đại lễ Phật đản thì chỉ là mừng cái lễ như bạn đọc đã phản ánh.
Còn câu “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc - Ba ngàn thế giới đón Như Lai” là 2 câu trong bài sám mùa Phật đản thuộc thể loại biền ngẫu, nên ăn với nhau về trắc bằng, về chữ là đủ.Còn câu đối thì sẽ đối về từ loại, về bằng trắc, về ý tưởng… nên khi gắn hai câu này vô hàng trái và phải thì sai luật đối. Khi đặt một hàng ngang là một câu trích minh họa cho một sự kiện được xem là một câu hay. Hiện nay người ta lấy hai câu trên để đối nhau như vậy là không hợp lý.
“Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, nghĩa là phụng sự chúng sinh bằng với cúng dường chư Phật, nội dung tương tức nhau, bằng nhau, khẳng định sự nhập thế giúp đời là quan trọng. Sau này một số nơi thêm từ thiết thực thành “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật - ý nói là cách thiết thực nhất, đề cao cấp bậc giá trị cúng dường. Tôi thấy thêm chữ thiết thực không cần thiết.
Biểu ngữ Kính mừng Phật đản tại chùa Thiên Chánh (Q.Tân Phú) - Ảnh: Hạnh Ý
“Tùy thuận chúng sanh là cúng dường chư Phật” câu này biến tướng của câu “Hằng thuận chúng sinh sanh là cúng dường chư Phật” đây là một trong 10 câu pháp hiệu của Bồ-tát Phổ Hiền nói về sự hài hòa, sự đoàn kết, sự tương tác, sự hỗ trợ - hòa hợp giữa con người với con người một cách thường xuyên không gián đoạn.
Tùy thuận thì nói về hướng bị động bị tùy thuộc theo một chiều không đúng với tinh thần Phật dạy, nên dùng hằng thuận thì đúng hơn.
N.Danh ghi