TT-Huế: Lễ Tưởng niệm và cầu siêu Bác sĩ Erich Wulff

Được tin Bác sĩ Erich Wulff, vị ân nhân của Phật giáo Việt Nam trong Pháp nạn 1963 vừa từ trần tại Pháp quốc, sáng nay, ngày 10/2/2010, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo  Thừa Thiên Huế đã long trọng cử hành Lễ Tưởng niệm - Cầu siêu tại Tổ đình Từ Đàm.

Chứng minh buổi lễ có HT Thích Giác Quang – UV HĐTS, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáoThừa Thiên Huế; HT. Thích Đức Thanh – UV HĐTS, Phó Ban Trị sự TTHPG; HT. Thích Hải Ấn – UV HĐTS, Phó Ban Trị sự  TTHPG; HT. Thích Quang Nhuận - Trưởng Ban Hoằng Pháp; HT. Thích Quán Chơn - Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, cùng Chư Tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự và đông đảo Tăng Ni, Phật tử, quý vị nhân sĩ, trí thức đã đến dự.

Hòa thượng Thích Hải Ấn thay mặt Ban Trị sự tuyên đọc tiểu sử Bác sĩ Erich Wulff, ôn lại những chuỗi ngày Bác sĩ đã sống và làm việc tại Huế cùng những đóng góp to lớn của Bác sĩ đối với Phật giáo Huế và Phật giáo Việt Nam. Trong Pháp nạn năm 1963, bất chấp mọi hiểm nguy, Bác sĩ Erich Wulff đã tự nguyện dấn thân vào phong trào đấu tranh của đồng bào Phật tử Huế để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đặc biệt, Bác sĩ Erich Wulff chính là người đã ghi lại những hình ảnh, những thước phim thảm sát đồng bào Phật tử bằng xe tăng, thiết giáp của chính quyền họ Ngô tại Đài Phát thanh Huế trong đêm Phật Đản năm 1963, và tìm cách chuyển những hình ảnh đó ra nước ngoài, loan tin khẩn cấp đến với cộng đồng quốc tế, mở đầu cho một phong trào phản đối sâu rộng của cộng đồng quốc tế đối với chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền đương thời.

Lễ Tưởng niệm - Cầu siêu được tổ chức theo nghi thức truyền thống Phật giáo Huế. Sau buổi lễ, chư tôn Hòa thượng cùng quý vị nhân sĩ, trí thức, các vị Bác sĩ nguyên là học trò, là bằng hữu của Bác sĩ Erich Wulff  đã có buổi tọa đàm, ôn lại những kỉ niệm đã từng gắn bó với Bác sĩ Erich Wulff trong những ngày Bác sĩ còn là giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Y khoa Huế, những hoạt động nhân đạo của Bác sĩ đối với đồng bào nghèo miền Trung, cùng các hoạt động trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 tại Huế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.