- Xin ông có thể tóm tắt ngắn gọn quá trình trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích từ khi có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền?
Phật Tích là một trong những ngôi chùa cổ của Việt
Được sự quan tâm của Nhà nước trong chương trình, mục tiêu quốc gia cũng như để hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi quyết định phục dựng lại chùa trên cơ sở bản vẽ mặt bằng mang dấu ấn thời hậu Lê mà KTS.Louis Bezacier (Pháp) từng thực hiện. Trước khi tiến hành dự án cũng như mời đơn vị tư vấn vào, chúng tôi đã cho khảo cổ xung quanh ngôi chùa tạm được dựng lên sau này để bảo vệ tượng A Di Đà, qua đó, chứng minh rằng bản vẽ của ông Bezacier là chính xác. Trong điều kiện như vậy, chúng tôi cũng không thể đào thẳng vào bên trong ngôi chùa tạm để khai quật được. Qua hướng dẫn của đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Bảo tồn của Bộ VH-TT-DL, thay vì đặt chân tảng rồi làm cột như những lần trước đây thì chúng tôi làm thêm móng giằng bê-tông phía dưới, sau đó mới đặt chân tảng lên trên như thế sẽ bền vững và lâu dài hơn. Từ việc làm thêm móng giằng bê-tông phát hiện ra chân tháp có dấu ấn từ thời Lý mà báo chí đã thông tin.
- Vậy lý do vì sao mà ngày 25-11-2008 vừa qua, Cục lại ra quyết định tạm ngưng thi công công trình thưa ông?
Khi phát hiện ra chân tháp, có một vấn đề được đặt ra là liệu chúng tôi có phải thay đổi dự án đã được duyệt hay không? Vì thế mà chúng tôi buộc phải tạm dừng thi công để tiếp tục khai quật khảo cổ mà không động một mảy may nào đến dấu ấn tháp thời Lý vừa phát hiện cả. Qua đó, tìm ra giải pháp thích hợp nhất cho công trình phục dựng này đáp ứng các yêu cầu: Thứ nhất là tạo ra không gian vật chất để bảo vệ được bảo vật quốc gia là pho tượng Phật; thứ hai là tạo ra không gian văn hóa để tiến hành các công tác Phật sự, tu tập và cuối cùng là giữ được móng tháp không những cho tương lai nghiên cứu mà người ngày nay vẫn chiêm bái được.
-Sau khi tạm ngưng thi công, đầu tháng 12 chúng ta có tổ chức một hội thảo khoa học để lấy ý kiến các chuyên gia về các phương án phục dựng và bảo vệ chùa Phật Tích. Kết quả như thế nào thưa ông?
Trong hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phương án, nào là tối ưu, thượng sách, trung sách, hạ sách v.v… Tôi nghĩ rằng đó là những ý kiến đáng tham khảo và cân nhắc trước khi quyết định. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng việc đề nghị xây ngôi chùa ở một vị trí khác để phục dựng tháp mới nơi đấy là thượng sách thì không khả thi. Theo quan điểm cá nhân tôi, bài toán đặt ra là lựa chọn một giải pháp khả dĩ đáp ứng được tất cả các yêu cầu như vừa trình bày ở trên mới là tối ưu.
- Như vậy quyết định cuối cùng của chúng ta là gì?
Quyết định cuối cùng là phục dựng ngôi chùa thời hậu Lê đồng thời phải bảo vệ được chân tháp vừa phát hiện. Chúng tôi đang chờ tư vấn và thiết kế kỹ thuật cho hoàn chỉnh rồi sẽ tiếp tục tiến hành. Có lẽ cái cổ xưa nhất của chùa Phật Tích đó là móng tháp nhưng chúng ta không hình dung được phải phục dựng như thế nào vì chưa có một cứ liệu lịch sử còn tồn tại để cho biết nó cao, dài, rộng ra sao? Bao nhiêu tầng? Và mỗi tầng được trang trí hoa văn kiểu nào? Trong khi ngôi chùa thời hậu Lê cũng là một giai đoạn phát triển chùa Phật Tích sau bao thăng trầm, biến thiên. Như vậy vẫn được xem là yếu tố gốc. Và quan trọng hơn là những gì còn để lại cho phép phục dựng chính xác phiên bản này. Chúng ta cần có cái nhìn động trong một thế giới rất nhộn nhịp của điều kiện xã hội hiện nay. Tất nhiên giải pháp nào cũng có những điều hay, mặt hạn chế và chúng ta phải chọn giải pháp có thể chưa tốt nhất nhưng khả dĩ hơn, đáp ứng được nhiều loại đối tượng khác nhau trong xã hội hơn.
- Từ việc trùng tu chùa Phật Tích và một số các cơ sở Phật giáo được xếp hạng di sản văn hóa khác. Ông giải thích thế nào khi trong thời gian qua có nhiều lời phàn nàn về việc gặp khó khăn hoặc bị chậm trễ trong tu bổ, sửa chữa?
Chúng ta phải nhìn nhận rằng, nhờ xếp hạng mà nhiều ngôi chùa quý được phục hồi, tu bổ theo chuẩn mực khoa học. Tuy nhiên, cũng từ việc xếp hạng đã dẫn đến hai khuynh hướng suy nghĩ ngược lại: vị chủ cơ sở không muốn chủ động tu bổ vì cho rằng đó là nhiệm vụ của Nhà nước hay như tự phát sửa chữa theo chủ ý cá nhân mà không tôn trọng yếu tố nguyên gốc, không tuân thủ các quy định trong Quy chế Tu bổ Di tích và luật Di sản Văn hóa. Có lẽ quý Tăng Ni, Phật tử là những người tu hành, thông thạo Phật pháp nhưng về kiến trúc mỹ thuật cổ, phương pháp tu bổ thế nào thì không thể am hiểu bằng cơ quan chuyên ngành. Tôi nghĩ chúng ta cần sự hợp tác. Trong những mùa An cư kiết hạ, các khóa bồi dưỡng trụ trì, Giáo hội nên có chương trình mời các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn hóa kiến trúc đến trao đổi, hướng dẫn cho quý Tăng Ni, Phật tử được tiếp cận các kiến thức về di sản văn hóa Việt Nam nói chung và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, cách thức, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích v.v… Chính đây sẽ là yếu tố cần thiết trong việc bảo tồn, phát triển cơ sở Phật giáo không bị chính người có trách nhiệm xâm hại nền văn hóa mà chư vị tiền nhân đã dày công xây dựng.
- Như thế thì làm sao để các di tích văn hóa Phật giáo đã xếp hạng mà xuống cấp được tu bổ kịp thời?
Nếu sửa chữa nhỏ thì chỉ cần báo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương, còn tu bổ lớn thì phải trình dự án. Tôi lưu ý là các cơ sở cần sửa chữa phải tranh thủ trình dự án sớm, không nên để tình trạng quá nghiêm trọng rồi mới tiến hành. Về trách nhiệm phần mình, chúng tôi luôn cố gắng mọi điều kiện có thể để giúp đỡ khi có yêu cầu. Tôi xin khẳng định rằng, vì làm công tác này nên tôi là một trong những người yêu di sản văn hóa Phật giáo nhất.
- Chân thành cảm ơn ông!