Truyền thống an cư

GN - Truyền thống an cư của chư Tăng bắt nguồn từ sau khi Đức Phật thành đạo không bao lâu. Sử liệu ghi rằng, vào mùa mưa năm 528 trước Tây lịch, Đức Phật cùng hội chúng Tỳ-kheo nhập hạ đầu tiên tại vườn Nai (Lộc uyển) ở  Isipatana (Chư thiên đọa xứ) gần  Benares (Ba-la-nại), mở đầu truyền thống an cư về sau, nay gọi là an cư kiết hạ.

14 phat hoc.jpg


Chư Ni chùa Dược Sư (Bình Thạnh, TPHCM) tọa thiền - Ảnh Bảo Toàn

Mùa mưa ở Ấn Độ bắt đầu từ tháng Àsàlha và kéo dài đến tháng Assayuga (từ khoảng giữa tháng 7 đến tháng 11 dương lịch hàng năm). Lúc này là thời kỳ gió mùa, mưa to liên tục làm nước sông dâng cao, đường sá chìm ngập trong bùn lầy lội, dân chúng phải sống quanh quẩn trong nhà hay trong một phạm vi nhất định như làng, xóm vì việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Các vị tu sĩ cũng không tiện du hóa đó đây, một phần vì địa hình và thời tiết, một phần vì không muốn giẫm đạp làm hại các loài côn trùng, động vật nhỏ như kiến, sâu bọ, ếch nhái, rắn rít bò ra khỏi chỗ ở vì bị ngập nước. Trong thời gian này, Đức Phật an trú trong tinh xá và thuyết pháp tại chỗ, không đi ra ngoài khất thực, các hàng đệ tử tại gia thường tụ hội về nghe pháp và cúng dường Phật cùng chư Tăng. Đây cũng là thời điểm hàng xuất gia dành nhiều thời gian cho việc tu tập thiền định, trau giồi phạm hạnh, giới đức, làm gia tăng đạo lực.

Thời Phật tại thế, trong mùa an cư, chư Tỳ-kheo chuyên tâm học Phật pháp và hành trì thiền định dưới sự hướng dẫn của chính Đức Phật và các vị Trưởng lão A-la-hán.

Theo luật Phật chế, chư Tăng phải an cư trong mùa mưa, bắt đầu từ ngày rằm tháng Àsàlha (khoảng tháng 7 dương lịch). Sau ba tháng, kỳ an cư kết thúc vào ngày rằm tháng Àssina (khoảng tháng 10 dương lịch) bằng lễ Tự tứ. Sau thời gian an cư, các vị Tỳ-kheo được Đức Phật phân công đi du hóa khắp nơi, lấy việc khất thực để độ nhật, tùy duyên thuyết pháp độ sinh nhưng không quên nỗ lực tu tập để đoạn trừ các lậu hoặc, thành tựu Giới, Định, Tuệ. Đức Phật cũng cho phép bất kỳ Tỳ-kheo nào thực hiện an cư trễ hơn thời điểm nói trên gọi là hậu an cư, trong trường hợp này thì ngày kết thúc kỳ an cư cũng trễ hơn.

Ở nước ta ngày nay, chư Tăng Ni theo truyền thống Bắc tông bắt đầu kỳ an cư kiết hạ vào ngày 16 tháng 4 âm lịch, và làm lễ tự tứ để kết thúc kỳ an cư vào ngày 16 tháng 7 âm lịch (tức sau ba tháng). Nếu ai bắt đầu kỳ an cư sau ngày 16 tháng 4 âm lịch (hậu an cư) thì theo luật, sau khi đại chúng giải hạ, người ấy vẫn ở lại tiếp tục an cư cho đến ngày đủ số 3 tháng. Chư Tăng theo truyền thống Nam tông bắt đầu kỳ an cư vào ngày 16 tháng 6 âm lịch và kết thúc mùa an cư vào ngày 16 tháng 9 âm lịch.

Trong mùa an cư, vào những ngày sóc vọng chư Tăng sẽ tiến hành nghi thức bố-tát. Bố-tát (Uposatha) có nghĩa là tịnh trú (an trú trong thanh tịnh) hay trưởng tịnh (làm phát triển sự thanh tịnh). Đức Phật quy định các vị Tỳ-kheo phải họp mặt nửa tháng một lần vào ngày bạch nguyệt (15 âm lịch) và hắc nguyệt (30 âm lịch) để nghe đọc tụng Giới kinh (thường gọi là tụng giới). Ngày đọc tụng Giới kinh được gọi là ngày bố-tát, nghi thức bố-tát được cử hành vào sáng sớm (trước lúc trời sáng) của ngày này.

Kết thúc an cư là lễ tự tứ, trong lễ tự tứ, mỗi vị Tỳ-kheo đều thỉnh cầu đại chúng chỉ lỗi cho mình. Vị được cầu thỉnh cùng với đại chúng tùy theo chỗ thấy, nghe, nghi mà chỉ lỗi để vị Tỳ-kheo ấy thành tâm sám hối. Sau khi sám hối xong thì thân tâm hoàn toàn thanh tịnh.

Người xuất gia thực hiện xong phận sự an cư thì tùy duyên du hóa (đi đây đi đó để giáo hóa chúng sinh). Điều này thể hiện tinh thần tự giác, giác tha; tự lợi, lợi tha, và lấy tự lợi để lợi tha (tu tập, giác ngộ để khai sáng, mở đường, dẫn dắt chúng sinh tu tập, giác ngộ như mình), lấy lợi tha để tự lợi (lấy việc giáo hóa lợi lạc chúng sinh làm phương tiện tu hành, trau giồi phạm hạnh, tích tập công đức, phát triển lòng từ bi) của vị Tỳ-kheo. Dấn thân vào cuộc đời để hành đạo cũng là cách tu tập xả bỏ bản ngã của mình, là thắng duyên tu hành giúp thành tựu các pháp trì giới, bố thí (pháp thí), nhẫn nhục, tinh tấn v.v...

An cư để củng cố nội lực, nâng cao trình độ học pháp, nâng cao trình độ tu tập, giúp cho việc du hóa đạt nhiều hiệu quả. Chính vì thế mà an cư đã trở thành một truyền thống của Phật giáo ngay từ năm đầu sau khi Đức Phật thành đạo cho đến tận ngày nay.

An cư là thời gian chư Tăng sống khép mình trong giới luật, tập trung trau giồi phạm hạnh, tu tập thiền định, phát triển tuệ giác. Trong ba tháng an cư, chư Tăng sống trong giới luật, sống trong Chánh pháp, sống và tu tập theo tinh thần đoàn kết lục hòa, có cơ hội trao đổi với nhau về kiến giải, kinh nghiệm, sở đắc, sở ngộ… không ai dám giải đãi biếng nhác, không ai dám sống buông lung phóng túng (như một số vị khi sống một mình, ở riêng một nơi, tu tập và hành đạo đơn lẻ), ai cũng nỗ lực, tinh tấn, được quan tâm khích lệ, hỗ trợ lẫn nhau. Việc tu tập trong một đoàn thể nhiều người như trong thời gian an cư giúp cho mỗi cá nhân mau tăng trưởng công đức, giới hạnh; giúp mọi người có điều kiện quan tâm lẫn nhau, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau trong tu tập cũng như trong sinh hoạt (chẳng hạn như khi đau ốm, bệnh tật, hoặc khi gặp phải những vấn đề khó khăn khác).

Trong Tương ưng bộ kinh, phẩm Không phóng dật, Đức Phật có dạy rằng: “Đời sống đồng phạm hạnh của Tăng chúng cốt yếu ở tình thân hữu giữa những người yêu thích điều thiện, ở tình đồng tu, đồng chí hướng. Một Tỳ-kheo làm bạn với điều thiện, là thiện hữu, người đồng chí hướng, có triển vọng tu tập và làm sung mãn Tám chi Thánh đạo (Bát Chánh đạo) để giúp đồng bạn giải thoát cũng như bản thân vị ấy”. Cũng với ý nghĩa đó, tục ngữ có câu: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” và “Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn”. Đây là những điều mà hàng đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia luôn ghi nhớ.

Trong đời sống xuất gia không gia đình, sự tương trợ, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau là điều vô cùng cần thiết. Dù là người xuất gia, khi mang thân tứ đại, khi sống trong cõi đời ngũ trược này cũng phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, cũng phải chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết, cũng gặp những chướng ngại do điều kiện bên ngoài thuộc cảnh giới mình đang sống (cõi Ta-bà) mang lại, cho nên trong sinh hoạt của đời tu cần có sự quan tâm tương trợ lẫn nhau. Đức Phật dạy trong Luật tạng như sau:“Này các Tỳ-kheo, các vị không có cha mẹ chăm sóc mình. Vậy nếu các vị không chăm sóc nhau thì thử hỏi ai sẽ làm việc ấy? Này các Tỳ-kheo, bất cứ ai trong các vị muốn chăm sóc Ta thì vị ấy phải biết chăm sóc người bạn đồng phạm hạnh của mình khi người ấy bị đau ốm bệnh tật”.

An cư chính là thời gian các vị xuất gia có điều kiện thực hành đời sống tập thể theo tinh thần lục hòa ái kính, có điều kiện chia sẻ những kinh nghiệm tu tập, có điều kiện gần gũi quan tâm lẫn nhau, chăm sóc cho nhau khi cùng sống chung, cùng tu tập dưới mái nhà Chánh pháp.

 Thiện Đức 

______________

Tài liệu tham khảo:

- Đức Phật lịch sử, H.W. Schumann, Trần Phương Lan dịch, NXB.TP.Hồ Chí Minh-2000.
- Đức Phật và Phật pháp, Nàrada Mahà Thera, Phạm Kim Khánh dịch, NXB.Tôn Giáo-2005.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.