Trường tình thương nơi mái chùa Long Cát

GN - Ngôi trường hiện nay có xuất phát điểm là Lớp học tình thương Long Cát (chùa Long Cát, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) do Ni trưởng TN.Mỹ Đức sáng lập; Sư cô TN.Đức Thịnh điều hành hoạt động…

Ban đầu, Ni trưởng TN. Mỹ Đức lập lớp học với mục đích dạy cái chữ cho đồng bào R’Gley để đồng bào khi đi chùa có thể đọc tụng kinh sám. Nhưng, sau khi mở lớp, ngoài người lớn thì số trẻ nhỏ con em của đồng bào tham gia chiếm 2/3 số lượng và ngày một đông. Thế nên, kể từ năm 2002 tới nay, cùng với nhu cầu đó thì các tổ chức, tập thể, cá nhân biết được hạnh nguyện mở trường của Ni trưởng cũng như của Sư cô Đức Thịnh (trụ trì chùa Long Cát) nên đã ủng hộ tài vật xây cơ sở vật chất, mua sách, phần thưởng, đồng phục để con em đồng bào đi học.

Ảnh bài Trường Mầm non Diệu Nghiêm.JPG

Trường Mầm non Diệu Nghiêm - Ảnh: P.Châu

Ni trưởng TN.Mỹ Đức (trụ trì chùa Diệu Nghiêm, TP.Phan Rang) đã mở Trường Mầm non Diệu Nghiêm, gồm 6 lớp, mỗi lớp 25 cháu, được tổ chức bán trú, mức thu học phí được miễn giảm từ 10%-100% tùy theo hoàn cảnh gia đình mỗi cháu. 

Hiện nay, Trường tình thương Long Cát có các lớp thuộc cấp tiểu học với cơ sở khang trang, tiện nghi, đồ dùng dạy-học tương đối. Ni trưởng và sư cô đã vận động kinh phí để nhà trường có điều kiện trả lương giáo viên, mua xe đạp để cho các em nhỏ đồng bào R’Gley có phương tiện tới lớp. Vừa đi làm một buổi, vừa đi học vào buổi tối trong điều kiện ít hiểu biết về lợi ích to lớn của việc học cái chữ nên “lớp học của trường nhiều khi cũng thất thường lắm”. 

Ni trưởng Mỹ Đức chia sẻ: “Có khi đang học giữa chừng, các em đòi nghỉ đi làm, thế là các cô giáo, quý sư cô phải đích thân vào vận động. Có khi, có những công ty tuyển lao động cho xe tới đón hầu hết các em lớn tuổi một chút đi làm (các em học trễ, đa số quá tuổi học - PV), thế là lớp học thưa vắng cho tới khi các em đó làm chán, quay về…”. 

Cứ thế, vòng quay lớp học giảm vì sự “thất thường” của người học đã làm cho quý sư cô… mệt vì đi vận động. Nhưng theo Sư cô Đức Thịnh thì “mệt nhưng thấy các em học được mình cũng vui”, thế nên trong suốt 10 năm qua cô gắn bó với trường học tình thương này không mệt mỏi.

Untitled-5.jpg

Trường Tình thương Long Cát trong mộ buổi lễ tổng kết năm học - Ảnh: Đức Thịnh

“Tiền tuyến” là ở chùa Diệu Nghiêm (có Trường Mầm non Diệu Nghiêm tại TP.Phan Rang) để lo kinh phí cho các hoạt động ở chùa Long Cát, thế nên cũng khó khăn về mặt tài chánh. Vì vậy mà ước muốn mở một lớp giữ con nhỏ cho đồng bào yên tâm lên rẫy vẫn chưa thực hiện được bởi kinh phí đầu tư cho chương trình này khá nhiều. 

Tâm sự về ý tưởng dự án này, Ni trưởng Mỹ Đức cho rằng: “Nếu hoằng pháp được từ gốc là chăm lo đời sống, giúp đồng bào cũng như các em nhỏ tiếp cận ánh sáng Phật pháp ngay từ nhỏ thì sẽ rất thuận lợi để các em lớn lên trong tình thương, sự hiểu biết thấm nhuần giáo lý đạo Phật”. Và đó cũng chính là một trong những lý do Ni trưởng cùng với đệ tử của mình chọn giáo dục là “sự nghiệp” làm đạo của mình.

Lớp học tình thương duy trì trong 10 năm qua, đã được chính quyền các cấp ghi nhận là một điểm sáng trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào R’Gley ở địa phương huyện Thuận Bắc mà trước đó ngay cả ngành giáo dục địa phương chưa làm được. 

Ni trưởng TN.Mỹ Đức bộc bạch: “Mình không vui mừng bởi lời khen đó mà vui là vì Phật giáo mình có thể hòa vào cuộc đời, làm được việc có lợi cho cuộc đời, góp phần cùng với địa phương thực hiện những nhiệm vụ cứu đói, xóa nghèo, xóa mù… Âu đó cũng là sống với tinh thần của lời Phật dạy: Phật pháp bất ly thế gian giác…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.