Trường Sa - tấm lòng công dân, lính đảo

GN - Nơi đầu sóng, ngọn gió luôn khó khăn hơn đất liền nhưng tại sao những chiến sĩ luôn hướng tình thương và phát nguyện đến đảo? Rất nhiều lần người phóng viên trẻ tuổi đời lẫn tuổi nghề như tôi đặt câu hỏi ấy và đến hôm nay, khi được trò chuyện với các anh, tôi mới biết câu trả lời.

Đó là vì tiếng gọi Tổ quốc thiêng liêng lắm!

Vì tiếng gọi của Tổ quốc, thời gian qua, biết bao nhiêu bộ đội đã tình nguyện ra đảo Trường Sa. Có những nhớ nhung, có những niềm riêng dang dở nhưng các anh đành gác lại vì biển Đông dậy sóng và luôn bị kẻ thù rình rập.

baihanhy,kyhai1.JPG

Chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây công quả tại chùa sau giờ trực - Ảnh: N.Trân

Tại đảo Tiên Nữ, nơi nghỉ ngơi của Trung úy Hoàng Đình Bảy có đặt ở đầu giường khung hình 2 đứa con bụ bẫm. Đó là tài sản vô giá mà vợ anh đã gửi ra từ đất liền.

Vợ anh, chị Hoàng Thị Thái là cán bộ công nhân viên tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Đắk Lăk; 2 con anh một đứa 4 tuổi, đứa út mới lên 2. Hằng ngày, cha con nói chuyện với nhau rồi hình dung bố qua ảnh chứ ngày anh đến đảo công tác, con anh còn bé tí. Thế mới hiểu được, anh đã sống có trách nhiệm với đất nước như thế nào, nặng gánh với gia đình ra sao!

Trên đảo Song Tử Tây, nhắc đến vợ đang công tác nơi đất liền, nét mặt thầy giáo Đoàn Quốc Thái hướng về xa xăm, rồi thầy chỉ nói một chữ “nhớ”. Thầy kể: “Gia đình, người thân xa cách ai cũng nhớ, nhưng mình còn trẻ nên phải có nghĩa vụ với đất nước. Đến với đảo cũng đồng nghĩa đem đến cuộc sống bình an cho bao nhiêu gia đình. Vì lẽ đó, mình nên đi; mình chỉ làm nhiệm vụ một thời gian, có đáng gì so với cuộc đời còn đằng đẵng phía trước”.

Nếu như các anh chiến sĩ bản lĩnh vì chất thép của quân đội thì các công dân trên đảo cũng kiên cường không kém. Vì trên đảo không có trường học cấp 2, học hết lớp 5, các con của hộ dân phải vào đất liền học. Thế là, những người cha, người mẹ là dân trên đảo phải xa con.

Anh Phạm Vũ, công dân đảo Sinh Tồn tâm tình: “Con vào đất liền học để xây tương lai. Ở đảo, ngày nào cũng vậy, tầm 5g là hai vợ chồng tôi điện thoại trò chuyện với con”. Con anh, cháu PhạmThị Như Huỳnh, dù mới học lớp 8 thôi đã biết: “Vì nhiệm vụ hậu cần, vì tinh thần dân tộc chứ có người cha hay người mẹ nào muốn xa núm ruột của mình đâu. Con thương ba, mẹ, con sẽ cố gắng học thật tốt để ba mẹ vui lòng”. Công dân nhí của Trường Sa đã hiểu được những điều thiêng liêng và bài học yêu Tổ quốc.

Trên 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa ta đang kiểm soát, tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ được chấp hành nghiêm ngặt, chưa bao giờ xuất hiện chấm đỏ trên bảng phân công. Với các anh, kỷ luật, kỷ cương như là lẽ sống. Có chấp hành tốt mới hoàn thành nhiệm vụ nên tình đồng chí, đồng đội rất đoàn kết. Chính sự đoàn kết đã làm nên biết bao điều kỳ diệu nơi mảnh đất khắc nghiệt này. Điển hình nhất là trên đảo Sơn Ca - hòn đảo tiền tiêu, tuyến đầu này  không có giếng nước ngọt. Nơi này, trước đây được ví như đảo cát, nóng ran nên sự sống rất khó tồn tại. Nhưng với bàn tay của chiến sĩ tích cực cải tạo đảo, bây giờ đã rợp bóng mát của cây bàng vuông, phong ba và sắc xanh của rau hiện diện khắp đảo. Nhiều công trình quốc phòng kết hợp với dân sinh được xây kiên cố, vững chắc, khang trang như nhà văn hóa, trạm hải đăng, hệ thống năng lượng gió và pin mặt trời đưa vào sử dụng.

Còn trên đảo Song Tử Tây, ngọn hải đăng 36m cao sừng sững, hiên ngang đứng trước bão tố; đêm đêm chiếu sáng, dẫn đường cho tàu vượt qua vùng biển đầy đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Tại đây, trạm khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ ngày đêm cung cấp những số liệu khí hậu, thời tiết báo về đất liền để các bản tin dự báo thời tiết có thể kịp thời dự báo chính xác vì nơi đây là điểm đón đầu của những cơn bão từ biển Đông. Ngoài ra, đây còn là nơi làm bến đậu an toàn cho hàng trăm tàu cá và ngư dân tránh bão, là nơi sửa chữa tàu, tiếp nhiên liệu cho ngư dân từ các tỉnh thành đến đánh bắt... Đó là những thành tựu đáng mừng, phấn khởi mà phần lớn là do chính bàn tay của các anh chiến sĩ làm nên.

baihanhy,kyhai2.JPG

Thầy giáo Hồ Bảo Ân và các em học sinh trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: N.Trân

Từ năm 2012, biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Với khẩu hiệu “Chúng ta là chiến sĩ Trường Sa”, các anh nơi biển đảo đã tiếp tục phát huy truyền thống quân đội nhân dân, tăng cường đoàn kết nội bộ và ngư dân ngày đêm canh gác, giữ chủ quyền Tổ quốc. Nhìn những đôi bàn tay chai sần, khô ráp, những ca trực nghiêm chỉnh trước cái nắng cháy thịt, cháy da mà các anh đã và đang trải qua, chúng tôi thấy tự hào và xúc động. Càng thương hơn khi các chiến sĩ, gửi gắm rằng: “Đất liền hãy vững tin ở Trường Sa nhé. Bởi vì ở đây đã có chúng tôi, luôn trực chiến ngày đêm để bảo vệ vững chắc biển đảo quê nhà cho dù tình hình nào xấu nhất xảy ra”.

Tại quần đảo Trường Sa, đã có nhiều đợt thay quân, thay dân diễn ra - cứ hết nhiệm vụ quân, dân lại về đất liền. Nhưng bao giờ cũng vậy, lúc đến vì tình thương thì về lại vấn vương.

Anh Nguyễn Ngọc Quyên, chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Lớn trầm ngâm: “Mới đó mà thấm thoát thời gian công tác tại đảo gần kết thúc. Lúc mới đến đây, nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ người yêu. Giờ đến lúc gần được về với người thân, vui có nhưng buồn cũng có. Gắn bó với nơi đầu sóng ngọn gió một thời gian, cùng anh em giữ đảo là điều thiêng liêng và vinh dự khi đến Trường Sa công tác. Tôi hạnh phúc vì đã cống hiến được chút gì đó cho đất nước. Chắc chắn rằng, lúc về đất liền, tôi sẽ nhớ nơi biển đảo lắm”.

Đến công tác tại đảo Song Tử Tây được hơn 5 năm, đã gần đến ngày trở về đất liền nhưng gia đình anh Nguyễn Xuân Quang không muốn rời xa đảo. Vì theo anh, ở đảo này, gắn bó với anh em chiến sĩ, hàng ngày làm công việc hậu cần, anh đã quen rồi với những cây bàng vuông; quen rồi với những khóm rau cần mẫn lắm mới trồng được; cũng quen rồi với những buổi chiều đi câu mực, câu cá về phục vụ buổi ăn tối cho bộ đội. Môi trường nơi đây rất tốt - là nơi tình cảm quân, dân ấm áp. Chiều chiều, các em bé trên đảo đều ngân nga bài hành khúc Chiến sĩ Trường Sa. Sau này, về đất liền, chắc chắn tôi rất nhớ nơi này”.

Những điều chia sẻ của anh Quyên, anh Quang cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều quân, dân đang sinh sống và làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Họ luôn tâm niệm rằng, dù sống ở đâu trên đất liền đi chăng nữa nhưng Trường Sa vẫn mãi mãi trong ký ức của họ.

Tự hào và yêu thương, đó là cảm xúc không chỉ riêng tôi mà là của nhiều người khi nói về các anh chiến sĩ, các công dân và những vị sư thầy khả kính đang sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Có đi, có chứng kiến mới hiểu được sự hy sinh của mọi người khi đến nơi đầu sóng, ngọn gió là thiêng liêng, cao cả đến dường nào...!

Hạnh Ý

_____________
>>> Xem kỳ 1: Những người thầy gắn tâm hồn với đảo


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.