Ở chuyên đề đặc biệt chào mừng Đại hội IX của Giáo hội, Báo Giác Ngộ đã ghi nhận ý kiến của Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN về những thay đổi này. Hòa thượng nhận định:
"Việc thành lập GHPGVN năm 1981 sau quá trình vận động thống nhất là một sự kiện lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa. Một cách khách quan, chúng ta có thể thấy rõ ràng lãnh đạo của GHPGVN ngay từ lúc thành lập có mặt hầu hết chư vị giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, hệ phái và truyền thống hoạt động trước đó. Do vậy, việc thừa kế kinh nghiệm lãnh đạo, quan niệm về hệ thống tổ chức là điều tất nhiên. Theo tôi, đó là điểm mạnh của GHPGVN.
Qua hơn 40 năm kể từ ngày thành lập, với 6 lần tu chỉnh Hiến chương, nhưng có thể nói xã hội đã có những thay đổi sâu sắc trên nhiều phương diện nên Giáo hội cũng cần có những điều chỉnh, tiếp tục sửa đổi Hiến chương để làm tròn trách nhiệm đối với Tăng Ni, Phật tử cũng như đất nước theo truyền thống được chư Tổ, các thế hệ tiền nhân đã thiết định là việc cần làm.
Trong nhiệm kỳ VIII vừa qua, dù chúng ta có nhiều khó khăn như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Hội đồng Chứng minh lại càng tích cực hơn trên cương vị chứng minh, từ đó đã có những hoạt động đáng mừng, như đã soạn thảo và ban hành Quy chế hoạt động, thành lập Hội đồng Giám luật, có những phiên họp nhằm thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề khó khăn của Giáo hội mà Hội đồng Trị sự đệ trình… Có thể thấy niềm hoan hỷ của chư tôn đức các miền khi ngồi lại với nhau trong các phiên họp, qua đó thể hiện ưu tư và trách nhiệm trong chức năng của mình trước Giáo hội, với Tăng Ni, đặc biệt ở phương diện đạo pháp và giới luật.
Với kinh nghiệm lịch sử từ các tổ chức Giáo hội trước đây, tôi tin rằng mỗi khi Hội đồng Chứng minh làm việc và làm việc hiệu quả trong chức năng lãnh đạo tinh thần của mình thì sẽ giúp Giáo hội đi lên, càng khẳng định vai trò không thể thay thế của GHPGVN trong xã hội hiện tại và sau này".