Trung thu nay kém vui, vì đâu nên nỗi?

GNO - Tết Trung thu đã đến nhưng không khí đón rằm tháng 8 không còn nhộn nhịp như những năm về trước. Phố xá cũng ít treo đèn kết hoa, bọn trẻ trước đó cũng không thấy có rục rịch gì chuẩn bị cho ngày sắp tới, các gian hàng bánh cũng đìu hiu trong cái se lạnh của tiết Thu phân, nhiều chỗ dọn từ sớm.

Còn nhớ lúc tôi mới vào tiểu học tức là vào những năm vừa bước sang thế kỷ 21, Trung thu thời ấy vui lắm. Vào khoảng thời gian này, tôi cùng bọn trẻ trong xóm tìm giấy báo, giấy tập xếp cái thúng, xếp hoa sen, xếp chiếc thuyền để thả hoa đăng ở con rạch gần đó. Rồi còn rủ nhau cùng để dành rồi góp tiền lại mua thật nhiều đèn cầy để đốt cho sáng rực một đêm Trung thu.

Thời đó chúng tôi chỉ phải đi học có một buổi, học xong là chạy về nhà túm tụm mà chuẩn bị cho đêm đón trăng rằm sao cho thật tưng bừng và xôm tụ nhất có thể.

longden.JPG


Những chiếc lồng đèn có tiếng nhạc phát rè rè thời nay làm mai một
hình ảnh lồng đèn truyền thống giản dị năm nào... (Ảnh minh họa)

Dường như bây giờ hàng Trung Quốc và căn bệnh ung thư luôn ám ảnh mọi người từ những thức ăn hàng ngày cho đến cả đồ gia dụng. Mọi người nhát tay dè chừng đối với tất cả những món đồ được bày bán ngoài chợ, trong cửa hàng, siêu thị.

Hồi đó chúng tôi chỉ có những chiếc lồng đèn bằng vỏ lon bia, lon sữa. Đứa nào giỏi hơn thì tự kiếm tre về vót làm cái đèn ông sao rồi thi xem đứa nào làm to hơn. Gia đình đứa nào có điều kiện thì được sắm cho cái đèn hình con gà, chiếc thuyền, con bướm và còn rất nhiều hình dáng khác mà tôi cũng không nhớ hết được.

Có một điều làm tôi nhớ nhất đó chính là tất cả chúng được làm bằng tre, giấy kiếng và được thắp sáng bằng những cây đèn cầy nhỏ xíu. Chơi lồng đèn bằng tre phải thật cẩn thận, nâng niu nó từng chút một bởi chỉ một chút sơ suất như làm ngã đèn cầy thì cái lồng đèn sẽ bốc cháy thành than ngay lập tức. Và đứa nào cũng kè kè bên mình một hộp diêm để phòng hờ gió thổi tắt đèn cầy.

Chúng tôi hay hẹn nhau vào đêm Trung thu cùng thắp đèn đi vòng khắp xóm, đi thả hoa đăng mà chúng tôi tự làm dưới con rạch rồi cùng nhau ca hát, ăn uống mấy thứ bánh trái tự chuẩn bị. Trung thu hồi xưa tuy đơn giản nhưng thật sự vui và đáng nhớ.

Xã hội ngày càng hiện đại và thay đổi nhanh chóng khiến cho ý nghĩa ngày Trung thu cũng không còn trọn vẹn như trước nữa. Đã rất lâu rồi tôi không còn thấy bọn trẻ trong xóm xếp hoa đăng để thả dưới con rạch mà thay vào đó là rất nhiều rác, rất nhiều lục bình lềnh bềnh dưới đó.

Bọn trẻ cũng chẳng thèm tìm tre để làm ông sao như chúng tôi hồi trước mà trên tay chúng bây giờ là những chiếc đèn điện tử với nhiều màu sắc sặc sỡ, có những chiếc đèn led sáng rực cùng tiếng nhạc điện tử rè rè phát ra từ cái loa nhỏ xíu. Hoặc thậm chí chúng nó còn chẳng nhớ cái ngày Trung thu mà chỉ lao đầu đi học ngày 2 buổi rồi cắm đầu vào những tiệm internet mà hí hoáy tới khuya mới chịu về nhà.

Thế hệ bọn trẻ bây giờ không biết làm lấy một cái lồng đèn đơn giản như hình ngôi sao hay thậm chí cũng chẳng biết xếp một cái hoa đăng sao cho đẹp mắt. Tất cả đều có thể giải quyết bằng cách ra chợ mua. Rồi những câu chúc vào ngày Trung thu cũng không còn nghe từ cửa miệng, tiếng trẻ con đi rước đèn khắp xóm làng cũng lặng im bởi bọn chúng đang bận loay hoay gửi những lời chúc trên Facebook, Zalo… hoặc bận rộn với đống bài vở cho kịp ngày mai đến lớp.

Dạo quanh phố phường sao tôi chẳng cảm nhận được cái nô nức, rộn ràng của những ngày cận Tết Trung thu. Các gian hàng bánh thưa thớt khách viếng tới mức phải tung ra các hình thức khuyến mãi, giảm giá khi mà còn tới hơn 2 tuần nữa mới đến đêm Trung thu.

Giở báo ra thì thấy “sức mua yếu, bánh trung thu giảm giá”, lượng khách mua chỉ bằng 50-60% các năm trước. Rồi cũng chẳng thấy người ta ngược xuôi mang các hộp bánh đi biếu người thân hay các doanh nghiệp cũng không còn tặng nhân viên quà bánh mà thay vào đó là một khoản tiền mặt bởi kinh tế ngày càng khó khăn, con người cần tiền hơn bao giờ hết.

Rồi đến chuyện những làng nghề làm lồng đèn truyền thống cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Có nơi chỉ làm cho đỡ nhớ nghề chứ đơn đặt hàng kiếm đỏ mắt cũng chỉ được trên đầu ngón tay. Những cửa hàng chuyên bán lồng đèn cũng tự thu hẹp gian hàng bởi sợ mau vào mà chẳng bán được bao nhiêu. Tôi còn đọc được lời tâm sự của một người làm lồng đèn tre truyền thống rằng “đến con của tôi còn không chơi lồng đèn tôi làm ra thì làm sao trách được bọn trẻ không chuộng lồng đèn tre với giấy kiếng”…

Những cơ sở làm bánh trung thu truyền thống trong xóm có chỗ thì không làm vì sợ lỗ, có chỗ thì đợi đơn đặt hàng từ những mối quen mới làm nhưng số lượng cũng chẳng bao nhiêu, có nơi làm ra đi chào hàng thì người ta từ chối không mua. Hỏi lý do vì sao thì họ nói bây giờ mua cái gì cũng phải cần nhãn mác rõ ràng bởi ai cũng sợ hàng Trung Quốc trà trộn rồi ăn vào mắc phải ung thư.

Bản tin thời sự hằng ngày dăm ba bữa lại phản ánh một cơ sở làm bánh trung thu không hợp vệ sinh hay bắt được những lô bánh trung thu không rõ nguồn gốc tạo nên tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Dường như bây giờ hàng Trung Quốc và căn bệnh ung thư luôn ám ảnh mọi người từ những thức ăn hàng ngày cho đến cả đồ gia dụng. Mọi người nhát tay dè chừng đối với tất cả những món đồ được bày bán ngoài chợ, trong cửa hàng, siêu thị.

Gác lại những chuyện buồn, những cái đã không còn ở Trung thu hiện tại nữa. Tất cả chỉ có thể thốt lên một câu: “Trung thu bây giờ sao khác hồi xưa quá!”. Nhưng không phải cái “khác” nào cũng là xấu.

Gần đây tôi thường hay thấy các bài báo viết về những chuyến thiện nguyện nhân mùa Trung thu, những phần quà, suất học bổng cho những gia đình còn khó khăn về kinh tế hay những chiến dịch làm sạch đường phố và những đêm hội trăng Rằm với những trò chơi dân gian nhằm khôi phục và giữ gìn nét truyền thống trong ngày Tết Trung thu.

Tất cả những nghĩa cử trên như một luồng gió mới thổi hồn vào một mùa Trung thu hiện đại nhưng giàu ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và đậm hương vị truyền thống Việt Nam.

Biết rằng xã hội phải có sự phát triển, nền văn minh phải có biến chuyển để tiếp biến những cái mới và đào thải những cái đã lỗi thời. Nhưng thay đổi như thế nào để còn lưu giữ được những tinh hoa, truyền thống người Việt mới là điều đáng suy ngẫm. Không phải cứ hiện đại là tốt, không phải cứ mới là hay.

Phải có cái nhìn từ xưa đến nay để thấy rõ trách nhiệm của mỗi chúng ta từ bé đến lớn, từ già đến trẻ đều phải kế thừa những nét văn hóa của người Việt Nam trong quá trình hội nhập tiếp thu những cái văn minh của nhân loại. Hồn cốt quý giá của dân tộc có trong từng chiếc lồng đèn, từng chiếc bánh trung thu và trong từng câu hát: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm…”. 

Tấn Khang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.