Trước khi sang Hong Kong, tôi vốn nghĩ rằng không ở đâu Trung thu vui như Việt Nam mình. Có tiếng trống ếch gõ thì thùng, có đoàn trẻ em rước đèn ca hát, có mâm cỗ trông trăng cả nhà ngồi quây quần... Nhưng hóa ra, mặt trăng công bằng với tất cả.
Celene
(Bài dự thi 'Trung thu của tôi')
cũng có quyền ngắm ánh trăng trong trẻo ấy và tổ chức một lễ đón mừng theo cách của riêng mình. Vì thế, Trung thu Hong Kong cũng rất đặc biệt, tất nhiên là theo một cách khác.
Về cơ bản, người Hong Kong vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ thói quen và truyền thống Trung Hoa. Tuy nhiên, đây cũng lại là một thành phố hiện đại bậc nhất, phát triển nhanh tới mức chóng mặt và có sự giao lưu thường xuyên về cả văn hóa lẫn thương mại với các nước châu Âu. Có lẽ vì thế, những điều mà du khách nghĩ rằng sẽ rất Trung Hoa thì thực ra lại rất hiện đại ở Hong Kong. Và ngược lại, Hong Kong lại truyền thống trong những nếp sinh hoạt, trong những khoảnh khắc nhỏ rất tinh tế. Chính sự bất ngờ này đã khiến cho Hong Kong trở nên hấp dẫn.
Tôi sang Hong Kong một ngày trước Tết Trung thu. Đến Hong Kong thì trời đã về chiều. Tôi bắt taxi về khách sạn Metropole ở Cửu Long, khá xa khu thương mại sầm uất Tsim Sha Tsui nhưng phía bên kia đường có vài ba nhà hàng ăn lớn nên rất tiện. Vì là mùa Trung thu nên phía trước nhà hàng nào cũng trang trí bằng những chiếc lồng đèn đỏ cỡ lớn. Ở những vườn hoa công cộng, người ta dựng những chiếc đèn giấy cỡ lớn hình rồng, cá chép, thỏ ngọc... bên trong thắp bóng điện đủ màu, tha hồ cho người dân và du khách đứng bên chụp ảnh. Còn nếu đi vào những trung tâm thương mại lớn thì tại những lối đi, đèn lồng, hoa giấy, đèn màu... được chăng như sao phía trên đầu, khiến tôi vừa đi vừa chỉ muốn ngửa cổ lên để nhìn ngắm.
Ăn tối xong, tôi theo con đường Nathan Road đi về hướng Nam là hướng bờ biển nhìn sang đảo Hong Kong. Trên đường này xe cộ nối đuôi nhau, từ những taxi sơn màu đỏ kiểu xe Crown của hãng Toyota cho đến những xe sang trọng như Lexus, Infinity, Mercedes chen chúc với những xe buýt lớn hai tầng. Đường Nathan Road và những con đường nhỏ hai bên là những hiệu buôn đốt đèn néon rực rỡ chớp tắt liên hồi không thua gì Las Vegas. Những hiệu buôn nơi đây bán kim cương, vàng bạc, cẩm thạch, đồ điện tử đắt tiền..Nếu chỉ đi ngoài phố thì sẽ thấy Hong Kong không khác mấy so với ngày thường, nhưng chỉ cần tôi rẽ vào một nhà hàng hoặc một cửa tiệm bánh kẹo nào đó, là ngay lập tức chìm vào không khí lễ hội.
Ngay trước cửa vào, nhà hàng nào cũng để một chiếc bàn lớn, bên trên bày đủ loại bánh Trung thu từ cỡ lớn đến cỡ nhỏ, với đủ các loại nhân bánh khác nhau, những chiếc hộp gỗ cầu kỳ xếp xung quanh cũng đủ tạo nên vẻ rực rỡ cho không gian. Tại các tiệm bánh kẹo, bánh nướng được bày chung với trái cây tươi, trà và rượu, tất cả đều được đóng gói bằng giấy màu cẩn thận. Những tiệm bánh lại bày bán luôn các lồng đèn bằng giấy hoặc vải, nylon với hình cá chép, thuyền buồm hay kiểu cổ truyền thì có đèn kéo quân hình ống lục giác bên trong có hình đoàn quân.
Người Hong Kong thường nhân dịp Trung thu để đền ơn đáp nghĩa, bày tỏ tình cảm với nhau, nên tôi không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy ai nấy đều lựa chọn bánh Trung thu một cách rất cẩn thận. Có những người phụ nữ nâng lên đặt xuống hàng chục loại bánh khác nhau, họ cầu kỳ chọn từ những chiếc bánh có màu sắc bên ngoài bắt mắt, hoa văn in trên bánh phải mới lạ và sắc nét, rồi chọn đến hộp bánh phải bằng gỗ quý thật sang. Có người trước khi quyết định mua còn nếm thử các loại nhân bánh khác nhau cùng với một chén trà Thiết Quan âm nóng, họ cho rằng chỉ như vậy mới biết được chiếc bánh nào là thực sự có chất lượng hảo hạng.
Khi tôi ra đến bờ biển, đã có rất đông các gia đình ở đó. Mọi người mang theo những giỏ đồ như đi cắm trại, mỗi gia đình đi thành đoàn tới cả chục người. Tuy sống trong một thành phố toàn những ngôi nhà hiện đại cao chọc trời, mắt đã quen nhìn ánh điện thành phố sáng lấp lánh, nhưng trong ký ức của bất kể người Hong Kong nào thì đêm Trung thu vẫn là một đêm lãng mạn nhất, ánh trăng dịu dàng trên bãi biển vẫn là thứ ánh sáng đáng mơ ước nhất. Vì thế, vào đêm rằm tháng 8, hầu hết mọi nhà đều ra biển hoặc công viên Victoria để tổ chức lễ đón trăng.
Từ buổi chiều, hành lý đã được chuẩn bị. Trong chiếc giỏ xách để mang ra biển là một chiếc khăn trải hoặc chiếu cói để ngồi, hàng trăm cây nến lớn, các loại hoa, các loại quả và không thể thiếu được là bánh nướng nhân sen trắng và trà Thiết Quan âm... Trước Trung thu, thời tiết Hong Kong thường có mưa, nhưng cứ đến 1-2 ngày trước ngày trăng tròn là trời tạnh ráo.
Khi tôi ngồi trên bãi biển, giữa những gia đình Hong Kong khác đang đợi ngắm trăng, tôi nhìn thấy một bầu trời lúc hoàng hôn đẹp nhất trong đời. Như thể trước mắt tôi là một sân khấu khổng lồ với hàng trăm chiếc đèn chiếu rọi. Những đám mây bông xốp là nhân vật chính trên sân khấu ấy, chúng mang đủ các hình thù kỳ dị, hơi ngả màu xám. Phía sau những đám mây, giống như từ một tầng trời khác, những cột sáng thẳng có màu xanh lam nhạt, những đường ánh sáng hình vòng cung hoặc xoáy tròn màu mỡ gà dịu nhẹ, còn ở đường diềm của những đám mây là màu cam rực rỡ. Tận nơi chân trời giáp với mặt biển, một chút sắc đỏ mận gắt gỏng hắt lên như thể mặt trời không muốn nhường không gian đẹp đẽ này cho ánh sáng hư ảo của mặt trăng.
Mải ngắm nhìn, tôi không biết người bạn cùng đi đã loay hoay thắp nến từ bao giờ. Có đến hàng trăm cây nến vây quanh chỗ chúng tôi ngồi, tạo nên một đường "biên giới" lung linh phân định địa phận của từng gia đình trên bãi cát. Ấy thế mà, tôi chỉ vừa cúi xuống nhìn một chút thôi, trong chớp mắt bầu trời đã thay đổi phông nền cho "sân khấu trình diễn" của mình. Khung cảnh trời chiều huy hoàng lúc trước đã biến mất, thay vào đó là một bầu trời ngả màu tím nhạt im sững. Và trên đó - như một hoàng hậu đang kiêu hãnh bước lên đỉnh vinh quang, mặt trăng từ từ nhô lên, thật lớn, thật tròn, và trong veo không chút tì vết.
Trong phạm vi "vương quốc" riêng biệt tự tạo bằng những đường biên giới nến, các gia đình ngồi trên chiếu cói và bắt đầy bày các loại hoa, các loại quả và một đĩa bánh trung thu, rồi cùng nhau pha trà, thưởng bánh ngắm trăng. Các câu chuyện mà mọi người nói cũng đều xoay quanh ngày Trung thu, những kỷ niệm thời thơ ấu, vẻ đẹp của mặt trăng đêm rằm, vị ngon của những chiếc bánh nướng...
Xung quanh khu vực công viên Victoria và bãi biển, ánh điện đã được tắt đi hoàn toàn, nhường chỗ cho hàng vạn cây nến đua nhau tỏa sáng trên cát suốt từ tối cho đến 12 giờ đêm. Người phương Tây thường đốt nến trong những buổi lễ trang trọng và người Hong Kong cũng chịu ảnh hưởng bởi thói quen đó - họ đốt nến vào những dịp kỷ niệm, những ngày lễ Tết không thể nào quên...
Khi mặt trăng đã lên đến đỉnh trời, trẻ con bắt đầu đốt pháo hoa cầm tay hoặc thắp nến bên trong những chiếc đèn lồng. Chúng hát hò, chạy đuổi nhau như chim non trong lúc bố mẹ ngồi thảnh thơi cắn hạt dưa, ăn bánh trung thu, các bậc ông bà thì tâm tình bên ấm trà Thiết Quan âm... Tôi nhìn quanh, thấy một vài đôi tình nhân đang ôm nhau ngồi ngắm trăng trong vòng nến hình trái tim lãng mạn, chẳng biết là họ đang hoài niệm về một Trung thu thời thơ ấu, hay là mộng tưởng về tương lai mà thỉnh thoảng lại nhìn vào mắt nhau cười.
Trong mỗi một đôi mắt đêm nay đều in dấu một mặt trăng thật là viên mãn. Mặc dù xung quanh khu vực công viên Victoria, hàng chục sàn nhảy đang mở nhạc to hết cỡ, nhưng dường như chỉ cần nhìn lên mặt trăng là không gian lại tĩnh lặng như thuở hồng hoang. Ngày để đất và trời gặp nhau, ngày để con người hòa hợp với thiên nhiên tuyệt đối.
Ánh trăng chiếu rọi xuống từ trời cao, rộng rãi ban phát thứ ánh sáng mơ màng, huyền hoặc. Ánh nến hắt lên từ trên bãi cát, như hàng nghìn hàng vạn nụ lửa nhỏ rao vui đón chào. Hai thứ ánh sáng ấy gặp nhau khi mắt nhìn trong mắt, tay cầm trong tay, tình thân trao ra trọn vẹn. Một Trung thu mà phương Đông và phương Tây hội ngộ, khiến tôi không thể nào quên.