Long Bàn cổ tự |
Đoàn do Thượng toạ Thích Thiện Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang làm trưởng đoàn. Trung tâm Huệ Quang cũng đã mời Thượng tọa Thích Trí Định, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông và Thượng tọa Thích Tâm Trụ, Trưởng ban Văn Hóa làm Phó đoàn tham gia chuyến khảo sát, cùng nhau sưu tập tư liệu cho những dự án mà Ban Trị sự tỉnh giao trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Đón tiếp đoàn tại chùa Long Bàn có Thượng tọa Thích Nhật Trường, Phó Trưởng Thường trực Ban Trị sự huyện Long Điền; Ni sự Thích nữ Diệu Ân, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo huyện Long Điền và Cư sĩ Quảng Chuyên, Thư ký Ban Thông tin - Truyền thông tỉnh.
Nét rêu phong trên mái ngói của Long Bàn cổ tự |
Sau khi khảo sát sơ bộ, Đại đức Thích Không Hạnh, Thư Viện trưởng Trung tâm Huệ Quang đã hội ý cùng đoàn và xác định với số tư liệu hiện đang có, đoàn sẽ tiến hành làm việc từ 3-5 ngày tại đây. Công việc ngoài ghi lại các hình ảnh kiến trúc, quét thư tịch cổ và lưu giữ hình ảnh hiện vật quý giá đang được trưng bày tại đây, đoàn cũng sẽ tiến hành cùng tỉnh biên soạn lại lịch sử các ngôi cổ tự.
Thượng tọa Thích Nhật Trường, Phó Trưởng Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Long Điền thay mặt Ban Trị sự cho biết sẽ hỗ trợ hết mình cho đoàn trong những ngày làm việc.
Hệ tượng tại chùa Long Bàn |
Theo thông tin từ Đại đức Thích Pháp Minh, trụ trì chùa Long Bàn, giai đoạn trước năm 1991 (khi chưa tách tỉnh), do để bảo quản tốt các thư tịch cổ, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai đã di chuyển một số hiện vật về Bảo tàng để công tác bảo quản được tốt hơn. Sau khi tách tỉnh, số hiện vật này vẫn còn nằm tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai. Việc di chuyển các hiện vật, tư liệu này hoặc về chùa, hoặc về Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần sự trao đổi giữa các cơ quan hữu quan cấp tỉnh.
Đoàn khảo sát thuộc Trung tâm Dịch thuận Hán Nôm Huệ Quang |
Chương trình khảo sát, sưu tập tư liệu lần này trong khuôn khổ kế hoạch khảo sát và sưu tập tư liệu các ngôi chùa cổ ở Việt Nam song song với dự án sưu tầm tư liệu Hán Nôm Phật giáo do cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh chủ trương và được Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang bắt đầu tiến hành từ năm 2010 đến nay.
Dự án “Sưu tầm tư liệu Hán Nôm Phật giáo” với mục đích bảo tồn phát huy những di sản của tiền nhân và tạo một phòng đọc Hán Nôm phục vụ nhu cầu học tập nghiên cứu tại Thư viện Huệ Quang trong tương lai chỉ thuần tuý riêng biệt về mảng Hán Nôm; dự án “Tư liệu chùa cổ Việt Nam” sẽ có đối tượng sưu tầm bao quát hơn, nhằm bảo tồn tất cả những di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc, Hán Nôm… Phật giáo. Đối tượng của dự án là những ngôi cổ tự từ 100 năm tuổi trở lên mà trong những lần trùng tu vẫn còn giữ được giá trị cổ sơ, có giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc, có tư liệu Hán Nôm… như các chùa Giác Lâm, Giác Viên, Phụng Sơn… ở TP.HCM; chùa Vĩnh Tràng, Bửu Lâm… Tiền Giang; chùa Thầy, chùa Tây Phương… ở Hà Nội. (tạm gọi chùa cấp 1). Các chùa không nhất thiết phải thuộc di tích văn hóa lịch sử được công nhận.
Chùa với kiến độc đáo |
Thống kê sơ bộ những ngôi chùa như vậy trong cả nước có khoảng 200 - 300 ngôi. Những ngôi chùa không còn cổ kính và nhiều di sản như các ngôi chùa trên nhưng có ý nghĩa lịch sử hoặc có một số tư liệu đặc biệt cũng được tiến hành thực hiện ở quy mô nhỏ hơn. Điển hình như các chùa Trường Thọ, Long Thạnh ở TP.HCM; chùa Kim Cang ở Long An; chùa Phật Quang ở Vĩnh Long… (tạm gọi chùa cấp 2).
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo nhận định của trung tâm có 4 ngôi cổ tự được khảo sát gồm chùa Long Bàn, chùa Long Hòa ở huyện Long Điền; chùa Sắc tứ Vạn An ở huyện Đất Đỏ và tịnh xá Ngọc Tuyền.