Trung Quốc: Sẽ trùng tu tượng Phật lớn nhất thế giới

GN - Pho tượng Đại Phật tọa lạc tại tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây nam Trung Quốc sẽ được tiến hành khảo sát, kiểm tra về cấu trúc vật lý trong vòng 4 tháng.

Theo các nhà chức trách Trung Quốc, đây là công đoạn đầu tiên trong kế hoạch tổng thể về nghiên cứu và trùng tu pho tượng được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa thế giới.

daiphat.jpg


Tôn tượng Đại Phật Lạc Sơn

Pho tượng có chiều cao 71m, tính từ chân lên đến đỉnh đầu và được cho là bức tượng Phật lớn nhất thế giới cho đến hiện nay. Tượng được kiến tạo theo tư thế đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối, trong một khu vực ngoại ô của thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên.

Theo cơ quan quản lý danh lam thắng cảnh TP.Lạc Sơn, trong thời gian gần đây, các hoạt động kiểm tra cho thấy pho tượng có dấu hiệu bị nứt và hư hại ở vùng ngực và vùng bụng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này vẫn chưa được khẳng định và công bố.

Các nhà chức trách địa phương trong một phiên họp báo cho biết, trong suốt thời gian kiểm tra vật lý pho tượng, hoạt động bắt đầu từ ngày 8-10 vừa qua, một phần hoặc toàn bộ thân của di sản này được được che chắn, hạn chế khách tham quan.

Đây được xem là đợt khảo sát pho tượng có tính quy mô và được chuẩn bị chu đáo nhất từ trước tới nay. Nguồn tin từ nhà chức trách cho hay, hoạt động này đặt dưới sự kiểm soát của hàng chục chuyên gia thông thạo về di sản văn hóa và khảo cổ học.

Ngoài một số động thái và phương pháp thông thường, bộ phận được phân công đảm nhiệm công tác khảo sát, đánh giá sẽ sử dụng các phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại, tiên tiến đối với công trình này như: quét laser 3D, chụp ảnh nhiệt hồng ngoại và dùng máy bay không người lái để tiến hành khảo sát trên không.

Với nhiều người dân bản địa, pho tượng Đại Phật này là một trong những công trình tôn giáo-văn hóa quan trọng và tạo dựng trong lòng họ niềm tin tâm linh sâu sắc, được kiến tạo bằng cách khắc vào một vách đá thuộc dãy núi Lăng Vân của thành phố Lạc Sơn.

Thế ngồi của tượng hướng ra nơi tụ hội dòng chảy của 3 con sông lớn của thành phố, gồm: Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y, nằm trong quần thể Nga Mi sơn.

Theo sử liệu, tượng được tạo tác vào thời nhà Đường (618-907). Để xây dựng công trình này, bộ phận thực hiện đã phải mất ròng rã 90 năm thi công, bắt đầu từ năm 713. Câu chuyện kiến tạo nên bức tượng bắt nguồn từ tâm nguyện của HT.Hải Thông, một vị cao tăng của Phật giáo Trung Quốc thời nhà Đường.

Nhận thấy dòng chảy dưới lưu vực núi Lăng Vân quá nguy hiểm, HT.Hải Thông nghĩ rằng chỉ có thể kiến tạo một tượng Phật để giúp làm cho nước sông êm đềm, tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên sông.

Thân thể Phật rộng 28,5m, trên đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất của tượng cũng đủ lớn để một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai vị hộ pháp, cao khoảng 16m, rộng 6m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí. Năm 1982, nhà chức trách Trung Quốc đã đưa pho tượng vào danh sách các đơn vị văn vật trọng điểm toàn quốc. Và công trình này đã được UNESCO liệt kê là Di sản thế giới kể từ tháng 12-1996.

Đến nay, pho tượng đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa bởi những tác động của thời tiết, thiên nhiên, hơi nước từ các dòng sông và hoạt động tham quan, vãn cảnh của du khách.

Vào năm 2001, từng có một dự án được tiến hành để làm sạch pho tượng, lau chùi các cấu trúc xi-măng, giặm vá các vết nứt trên thân và lắp đặt đường ống thoát nước với chi phí lên đến 250 triệu nhân dân tệ (khoảng 36,87 triệu USD).

Vào năm 2007, một hoạt động sửa chữa khác cũng được triển khai do những hư tổn bởi thời tiết và mưa axit trước đó.

Sơn Thoại (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.