Trú trong an bình giữa đất lạnh Hà thành

(GNO-Hà Nội): Ngày 10/01/2010 tại Thái Hà Books - Hà Nội đã diễn ra buổi giảng pháp của một trong những vị đại sư Phật giáo Nam Tông - Trưởng Tăng đoàn Nakaya khu vực Bắc Mỹ, sư Bhante Gunaratana.

Rất nhiều các bạn trẻ cũng như các Phật tử thuần thành của dòng Nam tông đã ngồi kín showroom Thái Hà Books để lắng nghe vị thầy mà trước đây mới chỉ được đọc sách, nhìn qua ảnh truyền pháp.

WSB (1).jpg

Sư Bhante đã trò chuyện về Phật pháp với các bạn trẻ Hà thành

Sư Bhante đã 82 tuổi, 70 năm xuất gia tu đạo với 62 tuổi hạ. Nhưng điều mà tất cả thỉnh giả ấn tượng hơn ở Sư đó là vượt qua một chặng đường dài để tu tập và phấn đấu trên con đường đến Chánh niệm. Sư đã phải trải qua bao khổ đau, mất mát, dằn vặt và buồn bã. Xuất thân từ một gia đình nghèo đông con ở vùng nông thôn Sri Lanka, năm 12 tuổi Sư đã bắt đầu cuộc đời tu hành của mình ở tại một ngôi chùa nhỏ gần nhà. Cuộc sống cứ thế trôi đi với bao nhọc nhằn, những ước mơ được học tập, được mở mang tầm mắt với thế giới, được giảng pháp bằng tiếng Anh… Sư đã vượt qua bao khó khăn để vừa hoàn thành việc học tập tại trường đại học trở thành tiến sĩ Triết học, vừa có thể làm tròn bổn phận của một người xuất gia là nâng đỡ, hướng dẫn Phật tử thực hành Phật pháp. Công việc hoằng pháp của Sư cuối cùng cũng được ghi nhận và Sư trở thành Trưởng tăng đoàn Nakaya. Thế nhưng Sư cũng không hề chấp vào danh vị đó mà luôn cảm tự bản thân phải có bổn phận suốt đời giữ lời thệ nguyện tu hành và phục vụ người khác của một tu sĩ Phật giáo.

WSB (2).jpg

Buổi trò chuyện diễn ra chân thành và tràn ngập tiếng cười

Nét khiêm cung và phục vụ chúng sinh đó thể hiện rất rõ qua buổi giảng pháp của Sư tại Hà Nội vừa qua. Sư giảng giải cho thính chúng những vấn đề cơ bản của việc hành thiền Minh Sát Tuệ. Những giới thiệu căn bản của Sư có ích cho rất nhiều người. Với việc nhấn mạnh tới yếu tố Chánh niệm trong quá trình này, Sư đã loại bỏ nhiều những quan niệm sai lầm về thiền quán của nhiều người có mặt. Mọi người được nghe Sư giảng trong 1 tiếng đồng hồ và sau đó là phần trả lời câu hỏi của các Phật tử. Rất nhiều người muốn hỏi, thậm chí có người hỏi 2-3 câu liền. Nhiều câu hỏi về cách tập thiền Tứ Niệm Xứ, nhiều câu hỏi về cách đi thiền hành, có câu lại hỏi về việc ăn chay, về thế ngồi bán già hay kiết già… Dù Sư đã lớn tuổi và mệt nhưng vẫn từ bi trả lời từng câu hỏi một. Cách trả lời của Sư vừa hợp lý nhưng đồng thời cũng vô cùng hóm hỉnh, thể hiện sự minh triết và cách nhìn nhận vấn đề rất sáng rõ. Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ: “Khi đạt đến trình độ cao của Thiền thì có thể đọc được suy nghĩ của người khác, cảm nhận được sự thay đổi của sự vật ?” Sư rất chân thành: “Đúng là khi bạn đạt được trình độ nào đó, thì có thể đọc được suy nghĩ của người khác, nhưng đừng lấy đó làm mục đích của việc hành thiền. Mục đích của hành thiền là để có thể chuyển hóa tâm, biến tâm uế nhiễm thành thanh tịnh, chứ không phải là để đọc suy nghĩ của kẻ khác. Hơn nữa, mỗi cá nhân đã có đủ vấn đề của mình rồi, nếu phải biết cả những vấn đề của người khác nữa thì hẳn là cá nhân đó sẽ bị điên lên mất.” Tất cả mọi người đều bật cười sảng khoái về câu trả lời rất trí tuệ và hóm hỉnh của Sư.

Với câu hỏi của một thính giả khác: “Thưa Ngài ! Theo đạo Phật thì tránh sát sinh, không giết hại động vật để ăn thịt. Nhưng theo con thấy đa số các nhà sư rất gầy, chỉ ăn chay thôi thì không thể nào béo lên được. Nhưng theo khoa học thì các loại động vật có rất nhiều vitamin và các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy người ăn nhiều cá thường thông minh hơn người ít ăn cá hoặc không ăn. Vậy theo Ngài nên tránh sát sinh hẳn hoặc không nên sát sinh hay ta chỉ nên hạn chế sát sinh.”. Sư đã trả lời dứt khoát và rất sáng rõ: “Thứ nhất gầy chưa chắc đã yếu, béo chưa chắc đã là biểu hiện của khỏe mạnh. Rất nhiều nước phương tây đang phải đối mặt với hiện tượng béo phì do ăn quá nhiều chất đạm xuất phát từ thịt động vật.

WSB (3).jpg

Dù không thông báo nhưng rất đông bạn trẻ đến dự

Thứ hai việc ăn cá để thông minh hơn cũng không hoàn toàn chính xác. Bởi trí tuệ của con người do di truyền là nhiều, những khẩu phần ăn chỉ đóng góp chút ít mà thôi. Hơn nữa cách (môi trường) giáo dục mới ảnh hưởng tới sự phát triển khả năng trí tuệ của mỗi người. Vả lại nếu tâm trong sáng, và ít uế nhiễm, cũng như thực hành thường xuyên chánh niệm trong mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm thì chúng ta sẽ trở nên thông tuệ và sáng suốt hơn rất nhiều…”

Sau phần trả lời câu hỏi rất dài, Sư từ bi tụng đọc kinh Tâm từ rồi hướng dẫn tất cả thính chúng có mặt ngồi thiền trong vòng 15 phút. Chỉ 15 phút thôi đó là một ân huệ vô cùng lớn mà Sư dành cho Phật tử đang còn nhiều vụng về. Cuối cùng Sư còn trao tặng và chúc phúc Phật tử bằng những dây buộc cổ tay được đan rất đẹp. Có người may mắn còn được Sư ban cho tượng Phật, dây đeo có hình Phật Thích Ca.

Kết thúc buổi giảng, đưa Sư ra về giữa chiều đông mà ai cũng thấy lòng ấm áp một nỗi thương yêu. Người như là ông, là cha của chúng tôi đã bao đời. Chúng tôi thầm cảm tạ Sư và hứa sẽ thực hành chánh niệm trong mỗi phút giây trong đời sống của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.