Trụ trì hoằng dương chánh pháp

Trụ trì hoằng dương chánh pháp
Trụ trì là người quản lý cơ sở của Giáo hội và hướng dẫn tín đồ tu học theo Chánh pháp; đó là mục tiêu chính của vị trụ trì. Vì vậy, chúng ta nhận thấy rõ vai trò của vị trụ trì rất quan trọng; nếu vị trụ trì không hiểu giáo pháp của Đức Phật một cách sâu sắc và không thể hiện đúng Chánh pháp trên bước đường hành đạo, thì chẳng những không cảm hóa được tín đồ mà còn làm cho nhiều người thoái tâm và từ bỏ đạo Phật.

Có thể khẳng định rằng chính đạo lực thu hút được quần chúng đến với đạo Phật và họ phát tâm thực hành giáo pháp trong cuộc sống mới là việc hoằng pháp thiết thực nhất của vị trụ trì, chứ không phải hoằng pháp chỉ là thuyết giảng giáo lý. Và xây dựng trên nền tảng cảm hóa được quần chúng sống theo pháp Phật, công tác hoằng pháp đòi hỏi người trụ trì phải có chí kiên nhẫn vững mạnh mà kinh Pháp Hoa dạy rằng: vào nhà Như Lai, mặc áo Như lai và ngồi tòa Như Lai.
Thật vậy, nếu vị trụ trì thiếu tâm từ bi đối với mọi người thì làm sao quần chúng tìm đến nương tựa Phật, Pháp, Tăng cho được. Là người quản lý già lam thanh tịnh, tất yếu vị trụ trì phải có tâm bao dung rộng lượng để dung nhiếp được những người khổ đau trên cuộc đời này tìm đến cửa Thiền. Và phát xuất từ tâm từ bi độ lượng vị tha, cuộc sống của vị trụ trì sẽ toát lên tinh thần nhu hòa nhẫn nhục, từ lời nói cho đến thái độ kham nhẫn với hoàn cảnh xung quanh, khiến cho mọi người nhận thấy được nếp sống cao thượng của vị trụ trì mà họ phát tâm tu theo Phật. Ngoài ra, sống với tâm hỷ xả, vị trụ trì luôn sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ những người vô tình hay cố ý xúc phạm, hoặc gây khó khăn, phá hại, chắc chắn sẽ chuyển hóa được tâm họ trở về Chánh đạo.
Trên bước đường hành đạo, thành tựu được tâm từ bi, hạnh nhu hòa nhẫn nhục và đức hỷ xả như vậy, vị trụ trì đã hoàn thành một cách tốt đẹp và thiết thực nhất sự nghiệp hoằng pháp độ sinh mà không cần phải lên tòa thuyết pháp. Thật vậy, vị trụ trì thể hiện được ba điều cốt lõi này theo Phật dạy, chính là thành tựu tam chuyển pháp luân, khẩu chuyển pháp luân, tức lời nói đúng Chánh pháp. Nhẫn nhục bao dung được mọi người, mọi việc là thân chuyển pháp luân. Thực tế cho thấy những vị trụ trì không giảng kinh thuyết pháp, nhưng có nhiều tín đồ kính trọng, tu theo vì đã thể hiện được nếp sống đạo hạnh nhu hòa nhẫn nhục, điển hình như cố Hòa thượng Trí Đức, trụ trì Tổ đình Huê Nghiêm. Và ý chuyển pháp là có tâm từ bi thương xót mọi người, mọi loài.
Tóm lại, với thân khẩu ý chuyển pháp luân theo tinh thần từ bi, nhẫn nhục và hỷ xả như vậy, vị trụ trì chẳng những phát triển được cơ sở vật chất mà còn cảm hóa được nhiều người sống an lạc trong Chánh pháp, và thành tựu sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Tôi mong rằng tất cả quý vị trụ trì đều mang lại an lạc và hạnh phúc cho số đông theo lời di huấn của Đức Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.